Dự báo thời tiết thay đổi thế nào sau sắp xếp tỉnh thành?

Từ ngày 1/7, các bản tin dự báo thời tiết 10 ngày chi tiết đến 3.321 xã, phường thay vì đến tỉnh thành, huyện thị như trước đây.


Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia sẽ dự báo, cảnh báo cho 7 khu vực khí hậu đặc trưng của cả nước và bổ sung TP HCM. Các khu vực cũng được điều chỉnh theo địa giới hành chính mới.


Tây Bắc Bộ gồm các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, phía tây và tây Nam của tỉnh Phú Thọ (tỉnh Hòa Bình cũ).


Đông Bắc Bộ gồm Tuyên Quang, Cao Bằng, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Hưng Yên, Ninh Bình, Hà Nội, khu vực phía bắc của tỉnh Phú Thọ (Vĩnh Phúc và Phú Thọ cũ).


Khu vực duyên hải Nam Trung Bộ gồm Đà Nẵng, Khánh Hòa và ven biển các tỉnh Quảng Ngãi, Gia Lai, Đăk Lăk, Lâm Đồng.


Cao nguyên Trung Bộ gồm phía tây các tỉnh Quảng Ngãi, Gia Lai, Đăk Lăk, Lâm Đồng.


Ngoài ra, còn 4 khu vực Thanh Hóa - Huế; Nam Bộ; Hà Nội và TP HCM.


Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, cho biết nếu như trước đây chỉ dự báo thời tiết 63 điểm tương ứng với 63 tỉnh, thành cũ thì hiện tại cơ quan này đã triển khai dự báo cho 10 ngày tại 3.321 xã, phường mới với tần suất cập nhật 24/24h. Người dân truy cập trang web của cơ quan khí tượng để theo dõi.


Ông Khiêm cũng chia sẻ cơ quan khí tượng đang xây dựng ứng dụng thời tiết để người dân sử dụng trên điện thoại, máy tính. "Dự kiến trong tháng 8, chúng tôi sẽ xây dựng xong. Ngoài thông tin thời tiết, ứng dụng này có thông tin cảnh báo thiên tai như lũ quét, sạt lở đất, bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, dông, lốc, sét", ông cho biết.


Đối với bão, áp thấp nhiệt đới, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia sẽ dự báo chi tiết đến cấp tỉnh, thành. Với các tỉnh sáp nhập có đặc điểm địa hình, phân bố địa lý rộng, đặc trưng khí hậu khác nhau thì sẽ cụ thể chi tiết cho các vùng địa lý có đặc trưng khí hậu giống nhau. Các huyện đảo, xã đảo trước đây sẽ chuyển thành đặc khu. Khu vực ven bờ cũng sẽ chuyển theo tên tỉnh mới.


Với dự báo, cảnh báo mưa lớn, không khí lạnh, nắng nóng, cơ quan khí tượng sẽ dự báo cho các khu vực. Trường hợp có sự khác biệt về tác động của thiên tai thì chi tiết cho các cụm tỉnh. Trong tỉnh nếu có sự khác biệt thì chi tiết theo phương vị. Ví dụ, phía đông tỉnh A, vùng đồng bằng tỉnh B hay vùng ven biển tỉnh C.


Dự báo, cảnh báo lũ, ngập lụt sẽ chi tiết đến các điểm trên lưu vực sông trên phạm vi cả nước; ngập lụt chi tiết đến vùng, khu vực của lưu vực sông. Các bản tin cảnh báo giông, lốc sét; lũ quét, sạt lở đất sẽ cảnh báo đến các khu vực của tỉnh, thành phố.


Dự kiến cơ quan khí tượng sẽ cập nhật toàn bộ bản đồ cấp tỉnh, xã vào hệ thống phần mềm, bản tin sẽ được mô tả chi tiết đến cấp xã hoặc liệt kê đến các khu vực cấp tỉnh theo phương vị.


Các Đài Khí tượng Thủy văn khu vực, tỉnh thành cũng sẽ tăng tần suất ban hành bản tin dự báo lên mỗi ngày hai lần, dự báo 10 ngày để tương đồng với bản tin của trung ương. Công tác dự báo, cảnh báo được thực hiện trên nguyên tắc thống nhất và không chồng chéo trong việc ban hành bản tin giữa các cấp; bản tin của cấp dưới chi tiết hóa bản tin của cấp trên.


Ngoài ra, bản tin dự báo khí tượng thủy văn thời hạn mùa không còn là một bản duy nhất mà sẽ tách thành ba bản tin: khí hậu thời hạn mùa, thủy văn thời hạn mùa và hải văn thời hạn mùa để phù hợp với thực tiễn tại các đơn vị dự báo.


Gia Chính









Du bao thoi tiet thay doi the nao sau sap xep tinh thanh?


Tu ngay 1/7, cac ban tin du bao thoi tiet 10 ngay chi tiet den 3.321 xa, phuong thay vi den tinh thanh, huyen thi nhu truoc day.

Dự báo thời tiết thay đổi thế nào sau sắp xếp tỉnh thành?

Từ ngày 1/7, các bản tin dự báo thời tiết 10 ngày chi tiết đến 3.321 xã, phường thay vì đến tỉnh thành, huyện thị như trước đây.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá