Theo Guardian, giới diễn viên lồng tiếng ở nhiều quốc gia đang đối mặt nguy cơ mất việc vì AI, công việc vốn cho họ danh tiếng. Hôm 3/7, trang tin có bài phỏng vấn các nghệ sĩ, người đứng đầu các nghiệp đoàn trước bối cảnh AI vươn ra toàn cầu.
Tại Đức, nhiều người nói sự gia tăng các bộ phim dùng trí tuệ nhân tạo đe dọa sự nghiệp của họ, còn giọng nói của các nghệ sĩ bị dùng trái phép để huấn luyện các mô hình AI. Đức nổi tiếng với giải German Prize for Dubbing - được ví như Oscar của ngành lồng tiếng - nhằm vinh danh những tài năng xuất sắc hàng năm.
Ở Pháp, hiện Voice Off - Hiệp hội diễn viên lồng tiếng chuyên nghiệp Pháp - phối hợp Liên minh nghệ sĩ biểu diễn (French Union of Performing Artists) tổ chức phong trào #TouchePasMaVF (Đừng chạm phiên bản Pháp của tôi). Họ kêu gọi chính phủ đưa lĩnh vực lồng tiếng vào l’exception culturelle - chính sách mô tả các sản phẩm văn hóa như một phần bản sắc dân tộc, cần nhà nước bảo vệ đặc biệt.
Patrick Kubab - thành viên của Voice Off, tuyên bố đây là "cuộc chiến" của họ và AI. Theo anh, lồng tiếng không chỉ là chuyển ngữ một bộ phim ra tiếng bản địa mà còn là sự điều chỉnh sao cho nội dung phù hợp "khiếu hài hước của người Pháp, các chi tiết quen thuộc với khán giả, văn hóa và cảm xúc".
Chiến dịch ra đời sau khi Audiens Group công bố kết quả nghiên cứu cho thấy AI đe dọa khoảng 12.500 công việc tại Pháp bao gồm biên kịch, biên dịch viên, kỹ sư âm thanh và diễn viên lồng tiếng năm 2023.
Tim Friedlander - chủ tịch Hiệp hội diễn viên lồng tiếng Mỹ - cho rằng chỉ con người mới có thể truyền tải kinh nghiệm sống, những tổn thương, cảm xúc, bối cảnh, xuất thân và các mối quan hệ vào vai diễn. "Chúng là những thứ gắn liền với chúng ta. Bạn có thể tạo ra một giọng nói nghe có vẻ giận dữ. Nhưng nếu không thể hiện được sự phẫn nộ, bạn sẽ thấy không có sự kết nối", ông Friedlander nói thêm.
Việc sử dụng AI trong ngành phim ảnh từng là tiêu điểm của cuộc đình công Hollywood, khi cả giới biên kịch và diễn viên Mỹ cho rằng công nghệ có thể làm lung lay vai trò của họ trong ngành. Không lâu sau đó, hơn 20 liên đoàn, tổ chức lồng tiếng thành lập Liên minh United Voice Artist với khẩu hiệu: "Không đánh cắp giọng nói của chúng tôi".
Từ khi điện ảnh có tiếng nói ra đời cuối thập niên 1920, đến nay ngành lồng tiếng phát triển thành nền công nghiệp trị giá 4,04 tỷ USD trên toàn cầu. Ở châu Âu, 61% khán giả Đức và 54% người Pháp chọn xem các bộ phim lồng tiếng. Hãng Disney cũng mở rộng các ngôn ngữ dịch sang hơn 26 thứ tiếng. Nhưng trước sự phát triển của AI, Guardian đặt ra vấn đề: Ai là người hưởng lợi khi cách thức lồng tiếng có thể sớm bị thay đổi?
Đầu năm nay, công ty khởi nghiệp EvenLabs (Anh) công bố kế hoạch sao chép giọng nói của diễn viên Pháp Alain Dorval (1946-2024) cho dự án Armor của Amazon. Dorval từng lồng tiếng cho nhiều vai của tài tử Mỹ Sylvester Stallone trong khoảng 30 bộ phim từ năm 1970. Họ có thể làm được điều này vì trước đây, nhiều hợp đồng làm việc không có điều khoản quy định về việc tái sử dụng các giọng để huấn luyện phần mềm AI nhằm tạo ra bản thu tổng hợp có thể thay thế người thật.
Patrick Kuban nhận xét thực trạng này như "một loại quái vật". Anh nói: "Nếu chúng ta không có biện pháp bảo vệ, mọi công việc sẽ biến mất: sau ngành điện ảnh sẽ tới truyền thông báo chí, âm nhạc và tất cả nền công nghiệp văn hóa. Một xã hội không có văn hóa thì chẳng có gì tốt đẹp".
Tim Friedlander nhận định thời điểm ChatGPT và EvenLaps ra mắt năm 2022 và biến AI thành công nghệ phổ biến, trí tuệ nhân tạo chỉ là mối đe dọa mang tính lý thuyết, không gây hại trực tiếp. Nhưng khi thị trường lớn mạnh dẫn đến sự ra đời của nền tảng khởi nghiệp Deepdub từ Israel - nơi cung cấp dịch vụ lồng tiếng cho phim bằng AI, các vấn đề liên quan việc tổng hợp giọng nói trở thành chuyện "không thể làm ngơ".
Daniele Giuliani - người lồng tiếng Jon Snow trong Game of Thrones bản Italy, chủ tịch Hiệp hội lồng tiếng Itakly (ANAD) - cho biết việc AI cướp đi giọng nói của nghệ sĩ tương tự cướp đi danh tính. Gần đây, anh tham gia đấu tranh yêu cầu đưa điều khoản chống AI vào hợp đồng lao động quốc gia. Mục đích của anh là bảo vệ giới lồng tiếng khỏi việc bị dùng tiếng nói bừa bãi và trái phép, cấm các công ty công nghệ dùng giọng có sẵn đào tạo mô hình máy học (machine learning) và khai thác dữ liệu sâu (deep data mining).
Ở Ấn Độ, 72% khán giả thích xem nội dung bằng ngôn ngữ khác. Sanket Mhatre - người lồng tiếng nhân vật Hal Jordan của Ryan Reynolds trong Green Lantern (2011) - cho biết lo ngại trước vấn nạn AI: "Chúng tôi đã ký hợp đồng bao năm nay, hầu hết hợp đồng có nhiều điều khoản rộng cho phép dùng giọng nói của chúng tôi vĩnh viễn tại mọi nơi trên thế giới. Giờ đây có AI, ký vào những điều khoản như vậy chẳng khác nào tự tay từ bỏ sự nghiệp".
Sanket Mhatre lồng tiếng khoảng 100 bộ phim Hollywood bằng tiếng Hindi mỗi năm. Anh còn góp giọng trong các phim Trung Quốc, Tây Ban Nha, Pháp với nhiều thể loại như series chiếu mạng, phim hoạt hình, anime, phim tài liệu và sách nói. "Mỗi ngày, tôi kể lại những câu chuyện từ các vùng khắp thế giới cho người nước tôi bằng ngôn ngữ của họ, qua giọng nói của tôi", anh nói thêm.
Dù lo lắng trước sự phát triển của AI, Mhatre tin rằng công việc của anh vẫn an toàn. Theo anh, AI chưa thể xử lý những yếu tố nhỏ về văn hóa, cảm xúc con người. "Nếu gương mặt diễn viên không xuất hiện trên màn hình mà chỉ có bóng lưng, chúng tôi có thể thêm câu thoại hoặc biểu cảm trong giọng nói để làm rõ cảnh phim", nghệ sĩ cho biết. Anh lấy ví dụ nếu có chi tiết về một bộ phim du hành thời gian trong phim khoa học viễn tưởng, bản lồng tiếng sẽ thay tên gốc bằng tác phẩm của Bollywood để khán giả trong nước dễ tiếp cận.
Tuy nhiên, Mhatre nói hiểu dùng AI sẽ nhanh và rẻ hơn nhiều so với thuê đội ngũ lồng tiếng, biên dịch và dàn dựng âm thanh. "Chúng ta cần đứng lên chống lại robot. Ta cần AI trong các sứ mệnh hòa bình như chống biến đổi khí hậu, nhưng ta cần diễn viên thật trên màn ảnh".
Phương Thảo (theo Guardian)