Trên bức tường trắng ngay cạnh cửa ra vào trong ngôi nhà nép dưới rặng dừa của ông On (Tiền Giang), ba tấm bằng chứng nhận đào tạo phi công ở Mỹ thời làm lính Việt Nam Cộng hòa được treo song song bằng khen Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhất. Đó là minh chứng cho cuộc đời từng sống và chiến đấu dưới hai chế độ của ông On.
Trong chiến dịch mùa xuân năm 1975, chỉ tháng 3, quân Giải phóng đã chiếm trọn 2/4 vùng chiến thuật của Việt Nam Cộng hòa. Trước tốc độ tiến công thần tốc của lực lượng cách mạng, binh lính Sài Gòn nhiều chỗ tự hạ vũ khí, chủ động ra trình diện. Ông On nằm trong số đó. Từng học phi công ở Mỹ và có người nhà tham gia cách mạng nên ông được trưng dụng, bổ sung vào đội ngũ chiến đấu thời điểm cuối cuộc chiến.
Thế nhưng, những biến chuyển của thời cuộc khiến ông On suốt 30 năm vẫn mang thân phận hàng binh, rồi qua một hành trình dài mới tìm lại được danh phận cho chính mình.
10 ngày "chuyển màu áo"
Ngày 28/3/1975, quân Giải phóng áp sát Đà Nẵng từ nhiều hướng, bắn pháo vào sân bay - nơi trung úy Trần Văn On đang giữ vị trí phi đội phó, phi đoàn 550, không lực Việt Nam Cộng hòa. Lúc đó ông đã gia nhập quân đội Sài Gòn được 7 năm, từ lệnh Tổng động viên của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu sau Tết Mậu Thân 1968.
"Mình sống ở miền Nam khi ấy phải chịu thôi chứ biết sao giờ", ông kể.
Sau ba tháng huấn luyện tân binh mới, ông được chuyển sang đào tạo sĩ quan rồi trúng tuyển vào không quân. Năm 1971, ông sang Mỹ tham gia khóa đào tạo hơn 1,5 năm, và về nước đóng quân tại Đà Nẵng.
Sau khi để mất Tây Nguyên vào tay quân Giải phóng, chính quyền Sài Gòn quyết định "tử thủ" ở Đà Nẵng - cứ điểm quân sự lớn nhất miền Trung. Tuy nhiên, tới gần cuối tháng 3/1975, đối phương áp đảo chiến trường, tướng chỉ huy cao nhất của quân Sài Gòn tại đây bỏ chạy, binh lính dao động.
Nhiều người tìm cách di tản, còn ông On vẫn đóng quân tại trại, chờ hồi kết của cuộc chiến. Dù lo lắng, ông khấp khởi mừng vì "hết chiến tranh là hết chết".
"Trước sau gì cũng giải phóng, chạy đâu nữa, hơn nữa bên ngoại tui có người theo cách mạng, đỡ lo hơn", ông nói.
Ngày 29/3/1975, quân Giải phóng làm chủ Đà Nẵng - thành phố lớn thứ hai miền Nam. Một tuần sau, ông On ra trình diện chính quyền mới và được đưa vào trại quản lý của Ủy ban Quân quản Đà Nẵng.
Cuộc rút chạy của Việt Nam Cộng hòa khỏi Đà Nẵng để lại nhiều trang thiết bị quân sự giá trị, gồm máy bay A.37 - do Mỹ viện trợ. Trên cơ sở đó, Quân ủy Trung ương do đại tướng Võ Nguyên Giáp đứng đầu, chủ trương sử dụng số phi công, thợ máy quân Sài Gòn đầu hàng, hướng dẫn cấp tốc sĩ quan quân Giải phóng, "lúc đầu bay lên tập luyện, sau cần sẽ dùng đến".
Ngày 21/4/1975, từ Thanh Hóa, phi công Từ Đễ, đại đội phó, đại đội 4 (trung đoàn 923, sư đoàn 371) lên ôtô ra Hà Nội, rồi theo máy bay chuyển quân vào Đà Nẵng nhận nhiệm vụ mới. Bước xuống sân bay, ông thấy ngay 4 chiếc A-37 còn nguyên màu sơn, song ba cái đã hỏng, chỉ một chiếc có thể sửa để sử dụng.
Phi công miền Bắc kỹ thuật thành thục, tuy nhiên chuyên bay dòng Mig của Liên Xô - máy bay cự ly ngắn, bình nhiên liệu nhỏ, không đủ cho quãng đường dài từ vùng giải phóng vào Sài Gòn. Hơn nữa, Mig được thiết kế để tối ưu trong không chiến, chứ không chuyên ném bom như máy bay A-37. Nhưng những phi công như ông Đễ chưa từng lái A-37, do đó cần sự hỗ trợ của các phi công Sài Gòn để hướng dẫn chuyển loại.
Theo ông Đễ, quân Giải phóng ưu tiên làm việc với các sĩ quan Việt Nam Cộng hòa quân hàm thấp, từ trung úy trở xuống do nhiều người trong số đó bị ép đi lính nên có khả năng chuyển hóa cao. Dựa trên yêu cầu này, Ủy ban Quân quản Đà Nẵng chọn ra hai phi công Sài Gòn, ông On là một trong số đó.
Lần đầu gặp nhau tại nơi tạm giữ binh lính Sài Gòn ra trình diện, nhìn ông Đễ tay đeo băng đỏ Không quân nhân dân Việt Nam, vai khoác súng, ông On "sợ không biết bắt ra làm gì".
"Tôi là phi công Bắc Việt, tôi đã yêu cầu các anh cùng chúng tôi hướng dẫn hoặc huấn luyện lái máy bay A-37", ông Đễ mở đầu cuộc đối thoại.
"Hướng dẫn thôi, huấn luyện hơi quá", ông On đáp.
Họ cùng ông Đễ vào trại lính ở sân bay, "cùng ăn, cùng ở, cùng làm", trao đổi kinh nghiệm về loại máy bay mới. Sau thoáng lo ngại ban đầu, ông Đễ dần tin tưởng vào kinh nghiệm và kỹ năng của các thành viên mới, dồn sự tập trung vào nhiệm vụ quan trọng trước mắt: giải phóng Sài Gòn.
"Đà Nẵng đã giải phóng hoàn toàn, những phi công như anh On lại chủ động ra trình diện chứ không phải bỏ chạy bị bắt lại. Hơn nữa, anh có người cậu và anh họ chiến đấu cho cách mạng nên tôi không nghi ngờ", ông Đễ giải thích.
Còn ông On, nhận được sự đối xử bình đẳng, thân thiện của quân Giải phóng, nỗi mặc cảm mình là "người phía bên kia" cũng vơi dần.
Những ngày đó, ở Đà Nẵng, hàng chục kỹ thuật và phi công quân Giải phóng hợp sức cùng cựu phi công, thợ máy quân Việt Nam Cộng hòa, chạy nước rút sửa chữa các bộ phận hỏng hóc, tập bay với chiếc A-37 duy nhất.
Khối lượng kiến thức cần 3-6 tháng để học thì nay ông Đễ cùng các phi công miền Bắc phải "nạp cấp tốc" trong sáu ngày, nhất là hệ thống ném bom với rất nhiều nấc. Ngôn ngữ chính của Mig là tiếng Nga, còn A-37 là tiếng Anh. Bảng điều khiển cả hai loại có điểm tương đồng, nhưng vẫn gây khó khăn cho một thành viên trong nhóm chưa thạo ngoại ngữ.
Để hỗ trợ đồng đội, ông On dịch ra tiếng Việt, rồi dán lên từng vị trí trên buồng lái. Từ đối địch, họ bước chung vào một chiến tuyến, chuẩn bị cho trận đánh cuối cùng của Không quân Nhân dân Việt Nam trong Chiến dịch mùa xuân.
Không kích Tân Sơn Nhất
12h trưa ngày 28/4/1975, tại một căn phòng nhỏ ở sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận), dưới lá cờ đỏ sao vàng, nhiệm vụ ném bom sân bay Tân Sơn Nhất được trao cho 6 người. Đó là phi đội Quyết thắng với các thành viên: Nguyễn Thành Trung, Từ Đễ, Nguyễn Văn Lục, Hán Văn Quảng, Trần Văn On và Hoàng Mai Vượng. Ông On là phi công Việt Nam Cộng hòa duy nhất, bay cùng máy bay với ông Vượng.
"Mình cảm thấy vinh dự" - ông On nói - "Có lẽ các vị chỉ huy đánh giá tốt, đáng tin tưởng dù mình từng nằm ở chiến tuyến bên kia, nên vẫn chọn tham gia trận đánh quan trọng".
Hơn 4 tiếng sau, 5 chiếc A-37 cất cánh hướng về phía Sài Gòn, gồm một chiếc sửa lại ở Đà Nẵng và 4 chiếc thu được ở sân bay Phù Cát (Bình Định). Sau gần một giờ bay thấp trong thời tiết mây mù để tránh bị phát hiện, khoảng 17h20, 5 chiếc A-37 lần lượt thả xuống sân bay Tân Sơn Nhất tổng cộng 18 trên tổng số 20 quả bom mang theo.
Tới sát sân bay, để dễ nhận diện mục tiêu, hệ thống dẫn đường (TACAN) trên A-37 được một phi công trong đội bật lên. Trạm mặt đất của Việt Nam Cộng hòa ở sân bay bắt ngay tín hiệu:
"A.37 của phi đoàn nào?" - đài chỉ huy Việt Nam Cộng hòa hỏi qua bộ đàm.
Chiếc đầu tiên cắt bom không thành công, ông Đễ nối đuôi lao xuống nhấn nút thả bốn quả bom, mỗi quả cách nhau 0,5 giây xuống bốn chiếc máy bay vận tải đầu đường băng và đáp: "Máy bay của Mỹ chế tạo đấy". Những chiếc khác liên tiếp lao theo sau, thả bom, để lại những tiếng nổ lớn.
Tại tòa nhà Đại sứ quán Mỹ giữa trung tâm Sài Gòn, cách vụ oanh tạc 10 km, nhân viên tình báo CIA Frank Snepp nghe rõ tiếng vang của bom nổ. Trong cuốn sách "Cuộc tháo chạy tán loạn", ông kể CIA lúc đầu còn cho rằng đây là cuộc đảo chính của các tướng lĩnh Việt Nam Cộng hòa bất mãn. Họ chỉ biết sự thật khi theo dõi thông tin từ bản tin của đài Giải phóng sau đó.
Ông Đễ phấn khích vượt qua làn súng phòng không đáp trả của Việt Nam Cộng hòa, vọt lên cao. Khi nhìn thấy một chiếc máy bay Mỹ đang chở dân thường đi di tản, ông nghiêng cánh chào họ rồi lượn một vòng bầu trời Sài Gòn trước khi hội quân với toàn phi đội để trở về căn cứ. Còn ông On hạnh phúc khi nghĩ về viễn cảnh ngày giải phóng cận kề, sắp được đoàn tụ với gia đình.
Trận không kích phá hủy 24 chiếc máy bay các loại, gây rối loạn nội bộ quân Sài Gòn, song không phá hủy đường băng di tản của máy bay Mỹ, đảm bảo an toàn cho dân thường và trại Davis - nơi đóng quân của phái đoàn quân sự cách mạng có mặt ở đây sau Hiệp định Paris 1973. Khi phi đội hạ cánh xuống đường băng, bộ đội ùa ra đón họ mừng chiến thắng. Đây cũng là "đòn đánh" cuối cùng của không quân trong chiến dịch Hồ Chí Minh.
Trong hồi ký sau này, đại tướng Văn Tiến Dũng - Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh - đánh giá trận đánh tác động lớn tới diễn biến chiến dịch, đẩy đối phương vào "cơn hoảng loạn mới", đó là không còn chỗ nào an toàn.
Phi công "chưa hợp pháp"
Sau ngày thống nhất, nhiệm vụ của phi đội Quyết Thắng kết thúc, ông Đễ trở lại đơn vị cũ, còn ông On được phân về trung đoàn 937, Sư đoàn 370, nhưng họ vẫn tiếp tục sát cánh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam. Ông On còn tham gia huấn luyện phi công mới từ miền Bắc vào.
Biến cố xảy ra vào năm 1977, khi một cựu phi công Việt Nam Cộng hòa được trưng dụng sau giải phóng ăn cắp máy bay để trốn ra nước ngoài. Sự nghi kỵ xuất hiện, nhất là khi có lệnh ngừng bay với các cựu phi công Sài Gòn còn lại. Tiếp sau đó, tin đồn về một vụ ăn cắp máy bay khác của cựu phi công Việt Nam Cộng hòa được lan truyền, càng làm ông On suy nghĩ, không dám chắc lúc nào sẽ được "quay lại bầu trời". Nỗi mặc cảm mình là người "không cùng phe" trong ông On tăng dần.
"Cái đầu tui dao động, nghi ngờ không chắc có tiếp tục ở lại đơn vị được hay không", ông nói.
Tinh thần lung lay trước tương lai không chắc chắn, cộng thêm lo lắng cho vợ với đứa con hai tuổi ở quê, tháng 2/1977, ông xin ra quân. Hành trang trở về là tờ giấy chứng nhận công dân bình thường, kết thúc gần 10 năm "làm bạn với bầu trời".
Cuộc sống thời hậu chiến lúc đất nước chưa mở cửa đầy khó khăn. Ông cất chòi, trồng rau, đắp đê, làm ruộng, lần lượt sinh thêm 5 đứa con. Quá khứ tham gia quân Giải phóng ít ai biết, chỉ có những lời bàn tán ông là người của chế độ cũ. Dù buồn, ông im lặng, hiếm khi thanh minh, bởi "không có gì chứng minh chính xác".
"Mình là công dân hợp pháp, nhưng giấy tờ hợp pháp tham gia cách mạng mình không có", ông băn khoăn.
Năm 2000, vợ ông nghỉ công việc giáo viên tiểu học, phần vì nhà đông con nhỏ, khó quán xuyến gia đình, phần do đôi lời xì xào xoay quanh quá khứ của ông. Lúc đó, ông mới nghĩ đến việc tìm lại danh phận cho mình.
Phải tới 5 năm sau, khi các con đều trưởng thành, đứa út cũng đã lên cấp 3, gia đình yên ổn, ông quyết định đi "xác nhận mình là ai". Ông cũng suy tính, nếu có giấy tờ chứng minh từng tham gia cách mạng, có thể được hưởng thêm các chính sách hỗ trợ, đỡ đần cho kinh tế gia đình.
Ông lên TP HCM, tìm đến trụ sở sư đoàn 370 - đơn vị mình từng chiến đấu - đóng ở sân bay Tân Sơn Nhất. Sau khi được hướng dẫn, ông bắt xe ra Đà Nẵng với lộ phí gom góp từ những chuyến xe bán rau củ, gặp đại tá Hán Văn Quảng - một thành viên trong phi đội Quyết Thắng.
Sau một đêm hàn huyên, ông Quảng mua vé tàu, tiễn ông ra Hà Nội - nơi hai thành viên phi đội là đại tá Nguyễn Văn Lục và đại tá Từ Đễ - lúc đó giữ chức Phó Cục trưởng Cục Quân huấn, Bộ Quốc phòng - đã đứng chờ sẵn. Họ ôm lấy nhau giữa trời thu Hà Nội - niềm vui cho cuộc hội ngộ sau 30 năm.
Thông qua sự giúp đỡ của đồng đội, ông đến Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân và được cấp giấy xác nhận tham gia phục vụ tại quân chủng, từ 21/4/1975 tới tháng 2/1977. Tới lúc đó, ông On mới xem mình là một người cách mạng "hợp pháp".
Một bản photo của tờ giấy A4 đóng dấu đỏ này - đã rách và ố màu, được ông gấp gọn trong ví, luôn mang bên mình, như là cách để chứng minh mình đứng trong hàng ngũ cách mạng.
Cuộc đoàn tụ với người đồng đội khơi gợi cho ông Từ Đễ một hồi ức khác. Sau trận đánh thành công của phi đội Quyết thắng 50 năm trước, các thành viên đều được trao Huân chương Chiến công Giải phóng Hạng nhất, duy chỉ ông On tạm giữ lại ở Quân chủng vì là phi công Việt Nam Cộng hòa mới được trưng dụng thời gian ngắn. Ông Đễ tự nhận đó là lỗi của mình.
"Khi biết tin phi đội được khen thưởng, tôi có nói đùa với thủ trưởng rằng anh On mới tham gia trận đầu mà nhận luôn Huân chương hạng Nhất, không ngờ của On chưa được trao ngay", ông kể.
Dù chiến tranh chấm dứt tại Sài Gòn từ 30/4/1975, xung đột vẫn tiếp diễn ở các đảo dọc biên giới Tây Nam, cuốn họ vào những trận chiến mới để bảo vệ chủ quyền, tấm huân chương rơi vào quên lãng. Khi tiếng súng ngớt, ông On đã ra quân từ lâu, mất liên lạc, còn ông Đễ sang Liên Xô học chuyển loại máy bay mới.
Chỉ tới lúc gặp lại đồng đội cũ, ông Đễ mới nhận ra "còn việc chưa làm với anh em". Biết huân chương và bằng khen của ông On vẫn được Quân chủng lưu trữ, ông Đễ tìm cách đưa những kỷ vật ấy trở về với chủ nhân, như một cách chuộc lỗi với người bạn chiến đấu năm xưa.
Một buổi trưa tháng 8/2008, dưới sự chứng kiến của chính quyền địa phương, đại tá Từ Đễ gắn tấm huân chương khắc lá cờ xanh đỏ sao vàng của Mặt trận giải phóng miền Nam lên ngực áo đồng đội. Lời đề nghị tổ chức buổi lễ trao tặng cho ông On tại trụ sở Sư đoàn 370 ở TP HCM trước đó bị ông Đễ gạt đi, bởi ông muốn mang về tận nhà, "để láng giềng xung quanh biết ông ấy là ai".
"Tôi thấy ân hận vì cứ nghĩ đó là lỗi của mình nên khi làm xong, tôi cũng thỏa lòng", ông Đễ nói.
Hơn 30 năm, tấm bằng khen đã nhạt màu, được chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ, đại diện Hội đồng Cố vấn chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam ký đúng ngày giải phóng Sài Gòn, cuối cùng đã đến tay người nhận.
"Mình thấy hãnh diện, thực sự đã là một phần của phi đội Quyết Thắng, hòa hợp chung với các anh, không còn kẹt trong ý niệm của quá khứ", ông nói.
Hai chục năm qua, ông On sống trong một tâm thế mới: là người thuộc về cách mạng. Tuy thời gian công tác không đủ hưởng lương hưu, nhưng với sự hỗ trợ của ông Đễ, ông nhận được nhiều sự quan tâm của đơn vị cũ cũng như quân chủng Phòng không - Không quân như tặng bảo hiểm y tế miễn phí, sổ tiết kiệm, xây nhà tình nghĩa. Cuộc sống không còn cơ cực, 5 trên 6 người con đã lập gia đình riêng, có công việc ổn định.
Căn nhà chứa đầy kỷ vật, món đồ lưu niệm liên quan tới bầu trời của ông giờ không chỉ đón bạn chiến đấu ngày trước mà còn rộng cửa với nhiều cựu binh khác từ cả hai phía. Với ông, đó là những cuộc đoàn tụ của niềm vui, mà ở mỗi bên, ông đều thực hiện "bổn phận người lính" của mình.
Mây Trinh