TP HCM, giờ khắc số 0: Những phóng sự về kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm
Tác phẩm phát hành trong tháng 4, gồm nhiều bài phóng sự của những nhà báo phương Tây đã có mặt tại Việt Nam trong ngày tháng lịch sử, do Borries Gallasch, người trực tiếp chứng kiến cảnh xe tăng của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tiến vào Dinh Độc Lập, làm chủ biên. Các phóng viên mô tả sự thay đổi của con người, không khí TP HCM trước và trong ngày 30/4, khi người dân hai miền đoàn tụ, chuẩn bị cho hành trình tái thiết đất nước. Ngoài ra, cuốn sách mở rộng bối cảnh lịch sử với các bài viết về trận Điện Biên Phủ và Hội nghị Geneva năm 1954.
Sách do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật và Omega+ liên kết ấn hành. Ngoài ra, nhân dịp kỷ niệm ngày 30/4, đơn vị giới thiệu hơn 20 ấn phẩm, chia thành các chủ đề: Sự lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Lê Duẩn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Những nghiên cứu, đánh giá về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và Đại thắng mùa Xuân năm 1975, chiến dịch Hồ Chí Minh; Tư liệu, ghi chép về tình hình chính trị, quân sự của Mỹ và chính quyền Sài Gòn.
Các tựa sách tiêu biểu gồm: Thư vào Nam, Những biên bản cuối cùng tại Nhà Trắng, Những lá thư thời chiến Việt Nam, Đại thắng mùa Xuân 1975 - Bản hùng ca chiến thắng thời đại Hồ Chí Minh. Cuốn Gia đình, bạn bè và đất nước - hồi ký của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình - được tái bản. Những trang sách gửi gắm nhiều bài học cho thế hệ sau qua trải nghiệm của một nữ chính khách và một người mẹ, người bà. Sách có đoạn: "Khi ở Hội nghị đàm phán tại Pháp, tôi nghe tin vùng con mình đang ở có bom đạn dữ dội mà bồn chồn không yên. Nhưng nghĩ lại, sự hy sinh của tôi không phải là cá biệt, biết bao bà mẹ Việt Nam khác thời điểm đó cũng phải chấp nhận vậy thôi. Tự mình phải giải quyết tư tưởng cho mình mới có thể chuyên tâm phục vụ đất nước".
Ván bài lật ngửa
Ván bài lật ngửa của tác giả Nguyễn Trương Thiên Lý được xem là bộ tiểu thuyết tình báo đặc sắc, lấy cảm hứng từ cuộc đời của anh hùng tình báo Phạm Ngọc Thảo. Tác phẩm được tái bản dịp 30/4, nằm trong nhóm sách văn học của Nhà xuất bản Trẻ cùng ba cuốn Văn học miền Nam lục tỉnh của tác giả Nguyễn Văn Hầu.
Tác phẩm không chỉ mô tả lịch sử ở bề nổi mà còn đi sâu khám phá những chi tiết bên trong cuộc đấu tranh với kẻ thù của người chiến sĩ tình báo.
Nguyễn Trương Thiên Lý là bút danh của nhà văn Trần Bạch Đằng. Ông viết tiểu thuyết Giữa biển giáo rừng gươm, kể về quãng đời hoạt động của nhân vật có thật - anh hùng liệt sĩ Phạm Ngọc Thảo với bí danh Chín T. Tiểu thuyết được chuyển thể thành phim. Sau khi hoàn thành 8 tập phim, nhà văn Trần Bạch Đằng chuyển ngược từ phim sang tiểu thuyết, lấy tên Ván bài lật ngửa xuất bản năm 1986.
Bộ sách của Nhà xuất bản Trẻ gồm bốn nhóm chính: sách về danh nhân, sách văn hóa, địa lý lịch sử, sách Di sản Hồ Chí Minh và sách văn học. Chủ đề văn hóa, địa lý, lịch sử gồm các tác phẩm về chiến tranh và miền Nam như: Những điệp viên may mắn, Biệt động Sài Gòn, Xe tăng trong chiến tranh ở Việt Nam, Từ Buôn Ma Thuột đến Sài Gòn, Bút ký lính tăng. Đây là những tư liệu tham khảo về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Phiên bản tiếng Anh của sách ảnh và tư liệu Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ có tên Uncle Hồ, the name that illuminates Vietnam's beauty nổi bật trong nhóm sách Di sản Hồ Chí Minh.
Nhóm sách chủ đề danh nhân giới thiệu các nhân vật đóng góp to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ như: Võ Văn Kiệt - người thắp lửa, Nguyễn Văn Linh - hành trình cùng lịch sử, Trần Văn Giàu - dấu ấn trăm năm và Trần Bạch Đằng - Cuộc đời và ký ức. Những tác phẩm này giúp bạn đọc hiểu sâu hơn về các nhà lãnh đạo có vai trò quan trọng trong công cuộc giải phóng và xây dựng đất nước.
Sách Hỏi và đáp về địa lý Sài Gòn - Gia Định của Nguyễn Đình Đầu mô tả bao quát 300 năm hình thành và phát triển. Thông qua hơn 70 câu hỏi đáp, ông cung cấp thông tin về lịch sử, địa lý xưa, giúp người đọc hiểu thêm về thành phố. Đơn vị phát hành còn tái bản hai cuốn Sài Gòn năm xưa và Sài Gòn tạp pín lù của nhà văn, nhà cổ ngoạn Vương Hồng Sển.
Cửu Long Giang khói lửa - kí họa và thơ
Tác phẩm tập hợp kí họa, tranh màu nước, thơ và thư do các họa sĩ, chiến sĩ sáng tác ngay giữa chiến trường. Sách do Sherry Buchanan và Nam Anandaroopa Nguyen biên soạn, Phan Thanh Hảo dịch sang tiếng Việt. Hình ảnh trữ tình như em bé giao liên, chiến sĩ, du kích quân địa phương, người mẹ, cảnh rừng núi, địa đạo, thôn xóm được khắc họa giữa lửa đạn, thể hiện tình yêu quê hương, lòng dũng cảm, khát vọng hòa bình. Ngoài ra, sách giới thiệu thơ tiêu biểu cho văn học kháng chiến của Nguyễn Duy và Lê Anh Xuân.
Cùng Việt Nam
Ngoài Cửu Long Giang khói lửa - kí họa và thơ, Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành Cùng Việt Nam, tập thơ phản chiến của các tác giả Tây Ban Nha, gồm hơn 40 tác phẩm được sáng tác trong những năm 1960, thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ diễn ra ác liệt. Tác phẩm được biên soạn năm 1968, song do nội dung phản đối chiến tranh và đế quốc, chính quyền độc tài Franco kiểm duyệt và cấm xuất bản. Năm 2016, bản thảo thơ được tìm thấy trong kho lưu trữ và chính thức ra mắt. Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Dung, giảng viên Khoa Tiếng Tây Ban Nha, Đại học Hà Nội dịch tác phẩm.
Những anh hùng trẻ tuổi
Bộ tranh truyện khắc họa chân dung Nguyễn Bá Ngọc và chị Út Tịch, những tấm gương anh hùng, dũng cảm. Anh hùng Nguyễn Bá Ngọc sinh năm 1952, hy sinh ở tuổi 14 khi lấy thân mình che cho các em nhỏ xuống hầm trong một lần Mỹ ném bom. Chị Út Tịch tên thật là Nguyễn Thị Út, tham gia cách mạng năm 1945, nuôi dưỡng sáu con nhỏ nhưng vẫn đấu tranh giữ làng, làm nòng cốt trong đấu tranh chính trị ở địa phương, có câu nói nổi tiếng trong kháng chiến chống Mỹ: "Còn cái lai quần cũng đánh". Bà được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công Giải phóng hạng ba, tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Ngoài ra, Nhà xuất bản Kim Đồng giới thiệu bộ sách Đất nước ngàn năm, khắc họa thiên nhiên, con người Việt Nam qua địa danh, từ vùng núi đến miền biển, đồng bằng, cao nguyên, làm nổi bật sức sống của dân tộc. Trang trại cuối rừng và Xóm thiên đường của nhà văn Phạm Công Luận mở ra không gian Sài Gòn, thiên nhiên phương Nam đầy hoài niệm, mộc mạc, chân thành.
Châu Anh