Bác sĩ Lê Thị Minh Nguyệt, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày. Đây là dịp để người dân đi du lịch, tham gia lễ hội, về quê thăm người thân. Việc di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người, ăn uống thất thường dễ làm nhiều người mắc các bệnh lây qua đường hô hấp như cúm, sởi, thủy đậu, não mô cầu, nên chủ động phòng ngừa như sau:
Đeo khẩu trang
Các bệnh cúm, sởi, thủy đậu, não mô cầu, tay chân miệng... có thể lây lan khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, qua giọt bắn chứa virus khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Khẩu trang có thể hạn chế sự tiếp xúc với khói bụi, vi khuẩn, virus từ môi trường bên ngoài, vẫn được cơ quan y tế khuyến cáo khi đến nơi công cộng để phòng bệnh truyền nhiễm.
Rửa tay, khử khuẩn
Mầm bệnh hô hấp có thể lây qua không khí, qua tiếp xúc bề mặt vật dụng chung như bàn ghế, tay nắm cửa, ly uống nước... Vì vậy, việc rửa tay thường xuyên được khuyến khích do có thể loại bỏ nhiều mầm bệnh bám trên bàn tay. Người dân có thể rửa tay bằng nước sạch với xà phòng, khử khuẩn các vật dụng, bề mặt sẽ giúp loại bỏ bớt mầm bệnh, từ đó giảm nguy cơ lây lan.
Trong trường hợp ở môi trường bên ngoài, mọi người nên chuẩn bị một chai xịt khuẩn bên mình để khử tay sạch sẽ trước khi ăn, uống, hoặc sau khi ho, hắt hơi...
Ăn đủ chất, uống đủ nước
Kỳ nghỉ lễ dài ngày dễ khiến người dân giảm thời gian cho bữa ăn, dành phần lớn thời gian để đi chơi. Việc ngủ nghỉ không hợp lý, ăn thức ăn nhanh, không đảm bảo vệ sinh có thể khiến cơ thể suy giảm sức đề kháng, tạo điều kiện cho các loại virus, vi khuẩn tấn công gây bệnh.
Vì vậy, dù bận rộn, mọi người hãy cố gắng ăn chín, uống chín, đảm bảo dinh dưỡng. Cùng với đó, uống đủ nước giúp cơ thể thúc đẩy quá trình trao đổi chất, điều hòa thân nhiệt, đào thải độc tố, đồng thời giúp cổ họng và mũi duy trì độ ẩm, chất nhầy, ngăn mầm bệnh đi vào cơ thể.
Ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong đợt nghỉ lễ 30/4 - 1/5, cả nước có thể có mưa rào và dông rải rác, miền Bắc tiết trời mát, miền Nam nắng, có nơi nắng nóng. Thời tiết giao mùa dễ khiến các bệnh đường hô hấp phát triển.
Người già và trẻ nhỏ có nguy cơ cao mắc bệnh, cần được quan tâm, chăm sóc, nghỉ ngơi phù hợp, tránh để dầm mưa. Đặc biệt ở nơi đông người, không khí ngột ngạt, nhóm đối tượng này cần được theo dõi sức khỏe sát, nghỉ ngơi phù hợp, đảm bảo vui chơi lành mạnh.
Tiêm vaccine càng sớm càng tốt
Bác sĩ Nguyệt cũng cho biết, tiêm chủng là biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả nhất. Hiện Việt Nam đã có nhiều loại vaccine phòng ngừa các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp.
Với bệnh cúm mùa, hiện có 3 loại vaccine ngừa bệnh của Pháp, Hà Lan, Hàn Quốc chỉ định tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn. Loại của Việt Nam chỉ định tiêm cho người từ 18 - 60 tuổi. Vaccine cúm chỉ có trong tiêm chủng dịch vụ. Trẻ dưới 9 tuổi tiêm 2 mũi, cách nhau 1 tháng, tiêm nhắc 1 mũi mỗi năm. Trẻ từ 9 tuổi và người lớn tiêm 1 mũi, tiêm nhắc 1 mũi hằng năm.
Với bệnh sởi, hiện có mũi sởi đơn giá hoặc phối hợp phòng thêm các bệnh quai bị, rubella cho trẻ em và người lớn. Hiện vaccine sởi được Bộ Y tế cho phép tiêm từ 6 tháng tuổi trên toàn quốc, được tính là mũi chống dịch. Đến 9 và sau 12 tháng tuổi, trẻ cần hoàn thành thêm 2 mũi vaccine. Người lớn tiêm 2 mũi phòng sởi cách nhau 1 tháng.
Vaccine phòng các bệnh viêm phổi, viêm màng não do phế cầu khuẩn gây ra gồm ba loại. Trong đó loại Synflorix (Bỉ) chỉ định tiêm cho trẻ từ 6 tuần tuổi đến dưới 6 tuổi, Prevenar 13 (Mỹ) tiêm cho trẻ từ 6 tuần tuổi và người lớn, còn Pneumovax 23 (Mỹ) tiêm cho trẻ từ 2 tuổi trở lên và người lớn. Tùy vào độ tuổi sẽ có liệu trình tiêm khác nhau. Mọi người cần hoàn thành vaccine phế cầu 13 trước khi tiêm phế cầu 23. Những vaccine này chỉ có trong chương trình tiêm chủng dịch vụ.
Với bệnh do não mô cầu, mỗi người cần phòng đầy đủ 5 nhóm huyết thanh vi khuẩn gây bệnh gồm: A, B, C, Y, W bằng vaccine. Trong đó, loại Bexsero (Italy) phòng nhóm B, tiêm từ 2 tháng đến 50 tuổi; loại VA-Mengoc BC (Cuba) phòng nhóm BC tiêm từ 6 tháng đến 45 tuổi; loại Menactra (Mỹ) phòng nhóm A, C, Y, W-135 tiêm từ 9 tháng đến 55 tuổi.
Ngoài ra, các bệnh thủy đậu, ho gà, bạch hầu cũng lây lan khi tiếp xúc gần. Trong đó, vaccine thủy đậu có thể tiêm từ 9 tháng tuổi, lịch tiêm cách nhau 1-3 tháng tùy theo độ tuổi. Sau các mũi tiêm phòng bạch hầu, ho gà đầu đời, người dân cần tiêm nhắc vaccine vào các mốc 4-6 tuổi, 9-15 tuổi và mỗi 10 năm sau đó.
Ngoài tiêm vaccine và thực hiện tốt các cách phòng ngừa trên, mọi người cần theo dõi các triệu chứng bệnh. Trường hợp có biểu hiện bệnh, nên đi khám càng sớm càng tốt. Mọi người không tự mua thuốc uống, uống thuốc theo đơn cũ, tránh trị bệnh theo mẹo dân gian.
Hoàng Dương