Phim vào top 50 tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu của TP HCM, dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025). Hội điện ảnh đưa tác phẩm vào danh sách dựa trên tiêu chí: Tiêu biểu về giá trị tư tưởng và nghệ thuật, ca ngợi phẩm chất của con người Việt Nam, công cuộc xây dựng, phát triển thành phố và có sức lan tỏa sâu rộng.
Sau gần 50 năm, tác phẩm vẫn giữ sức sống mãnh liệt, là thước phim kinh điển trong lòng nhiều thế hệ khán giả. Trên TikTok, các trích đoạn của Cánh đồng hoang hút hàng trăm nghìn lượt xem.
Tại các trường cao đẳng, đại học, trung tâm đào tạo về điện ảnh, phim được đưa vào giáo trình giảng dạy, như một minh chứng tiêu biểu về nghệ thuật "Show, don't tell" (hiển thị, đừng kể). Đó là phương pháp tận dụng tối đa các yếu tố thị giác, hình ảnh để miêu tả thay vì chỉ kể chuyện. Dịp này, Cánh đồng hoang cũng được chiếu lại trên phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP HCM) và rạp Ngọc Khánh (Hà Nội).
Với bối cảnh chính là vùng Đồng Tháp Mười mênh mông sông nước, êkíp tái hiện sức chiến đấu kiên cường của người dân miền Nam thời kỳ chống Mỹ. Phim đoạt giải Bông Sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam 1980 và Huy chương vàng Liên hoan phim quốc tế Moskva (1981).
Nguyễn Quang Sáng có ý tưởng viết truyện ngắn Cánh đồng hoang và kịch bản phim từ năm 1966, khi đi thực tế ở chiến trường Đồng Tháp Mười, chứng kiến cuộc sống của các chiến sĩ giao liên. Họ giữ đường dây liên lạc bằng cách đưa tin trên xuồng, không có hầm tránh bom, cũng không thể trốn vào rừng rậm.
Hai nhân vật chính, vợ chồng anh Ba Đô - chị Sáu Xô, ở trong căn chòi giữa cánh đồng mùa nước nổi, phía trên là máy bay Mỹ quần thảo ngày đêm. Người chồng ngày ngày chèo xuồng ra ngoài theo dõi động tĩnh của địch, vợ ở nhà chăm sóc con chưa đầy một tuổi.
Tác phẩm do Trịnh Công Sơn viết nhạc, Nguyễn Hồng Sến đạo diễn. Thời lượng dài 90 phút, được sản xuất với kinh phí 300.000 đồng, năm 1979. Phó chủ nhiệm đoàn Dương Minh Hoàng là một trong những người hiếm hoi trong êkíp còn sống. Ông cho biết trong ba tháng quay, cả đoàn trải bạt ở chung trong một căn nhà trống, tự đi chợ, nấu cơm. Họ tận dụng bối cảnh tự nhiên như rừng tràm, ao sen, đầm nước nên không mất tiền thuê hay dựng bối cảnh. Phó quay phim, NSƯT Bằng Phong, nhớ đoàn phim chỉ có một máy quay. Vì thế, ông và NSND Đường Tuấn Ba thay nhau cầm máy, người còn lại đỡ ở dưới.
Cánh đồng hoang tràn ngập chất anh hùng ca, gói gọn triết lý "lấy nhỏ thắng lớn, lấy yếu đánh mạnh" của dân tộc. Phim có nhiều chi tiết phản ánh hiện thực chiến tranh khắc nghiệt. Trong phân đoạn hai chiếc trực thăng của địch quần thảo trên đầu, bắn phá xuống cánh đồng, vợ chồng anh Ba Đô phải cho con vào bao nylon, cột miệng bao lại dìm xuống nước trốn địch. NSƯT Bằng Phong cho biết họ tập trước trên cạn, chỉ quay một lần dưới nước. Khi ấy, NSND Đường Tuấn Ba khóc vì lo lắng cho diễn viên chín tháng tuổi.
Ở một phân đoạn khác, đứa trẻ bò trên sàn chơi một mình, bên cạnh là người mẹ lui cui nấu ăn. Đoạn bé rớt xuống nước vì với theo chiếc ca nhựa, quay phim phải canh góc để ghi được khoảnh khắc Ba Đô - đang lợp nhà trên cao - phi thẳng xuống sông, ngụp lặn mò con.
Thiên nhiên được vợ chồng Ba Đô sử dụng như một đồng minh. Họ ngụp lặn dưới nước, tận dụng bụi cỏ làm chỗ ẩn nấp. Sự đối lập trong từng cảnh quay được làm rõ khi một bên sử dụng trực thăng và súng - những biểu tượng đầy tính cơ khí của công nghệ hiện đại, một bên dựa vào thiên nhiên và những công cụ có phần thô sơ.
Giữa mưa bom lửa đạn, gia đình chiến sĩ vẫn có những phút giây đầm ấm. Hai vợ chồng quây quần bắt cá, nấu cơm, đứa bé vô tư nô đùa. Cảnh anh Ba Đô đi trên xuồng ba lá, cất tiếng gọi "Mình ơi", còn vợ anh đáp lại bằng những tiếng cười vang, thể hiện hạnh phúc đơn sơ của đôi lứa. Những cú máy dài, nhiều góc cận giúp khắc họa chân thực cuộc sống giản dị của người dân Nam Bộ.
Phân đoạn kết để lại nhiều ám ảnh. Sau một trận càn, anh Ba Đô bị lính Mỹ hạ gục, chị Sáu Xoa cầm súng trả thù cho chồng. Khi viên phi công ngã xuống, bức ảnh của vợ con anh ta rơi ra. Chị Sáu Xoa thoáng sững người khi nhìn thấy người mẹ và đứa trẻ. Cái kết thể hiện góc nhìn nhân văn của biên kịch, đạo diễn, với thông điệp người lính ở hai đầu chiến tuyến đều là những người bình thường, có gia đình, những người thân yêu.
Diễn viên Lâm Tới (vai Ba Đô) lột tả thành công hình ảnh người nông dân Nam bộ chất phác, bộc trực, hết lòng yêu thương gia đình, sống và chiến đấu cho lý tưởng dân tộc. Nghệ sĩ Thúy An có nhiều nét giống Sáu Xoa trong truyện gốc, với gương mặt xinh đẹp, tính cách quật cường. Diễn viên thể hiện tốt ánh mắt kiên định của nhân vật trong nhiều phân đoạn.
Trong chương trình Cine7 - Ký ức phim Việt, Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Nguyên Cục trưởng Điện ảnh, nêu cảm nhận: "Cánh đồng hoang là biểu tượng tinh thần của nhân dân Việt Nam, thể hiện triết lý của dân tộc trong công cuộc bảo vệ đất nước, khi đối mặt với những thế lực mạnh gấp nhiều lần. Lúc ấy, không chỉ con người mà thiên nhiên đều hòa vào cuộc chiến".
Theo bà Lan, vợ chồng anh Ba Đô chỉ có một chiếc xuồng nhỏ, một căn chòi giữa cánh đồng hoang, đối mặt với máy bay địch - biểu tượng sắt thép của văn minh hiện đại. Thế nhưng họ chưa bao giờ lùi bước.
"Tác phẩm lấp lánh chất trữ tình với cuộc sống hồn hậu, chan hòa với thiên nhiên của con người, tình cảm vợ chồng, gia đình và tình yêu quê hương, đất nước. Sự giao thoa giữa bi tráng và thơ mộng chính là chất keo gắn kết bộ phim với khán giả qua bao thế hệ", bà Ngô Phương Lan nhận định.
Cánh đồng hoang ra đời năm 1979, là phim tiêu biểu của điện ảnh cách mạng thời kỳ sau thống nhất đất nước. Tác phẩm truyền tải khát vọng hòa bình, phản ánh hiện thực chiến tranh tàn khốc, nối tiếp cảm hứng của Chung một dòng sông (đạo diễn Phạm Kỳ Nam, Nguyễn Hồng Nghi, 1959), Chị Tư Hậu (đạo diễn Phạm Kỳ Nam, 1962), Nổi gió (đạo diễn Huy Thành, 1966), Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (đạo diễn Hải Ninh, 1972). Tác phẩm được các nhà nghiên cứu đánh giá thoát khỏi khuôn mẫu tuyên truyền, khi kể chuyện chiến tranh qua số phận một gia đình nhỏ với góc nhìn nhân văn.
Biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát từng nhận xét: "Chuyện dung dị nhưng cũng thật sâu sắc, đầy tính biểu trưng, đầy hiện thực không khoa trương hay tô vẽ. Cuộc sống, chiến đấu của người dân Nam bộ như thế nào đã được hai ông khắc họa y như thế. Cứ dường như phim không cần bố cục, không cần chỉnh sửa, cuộc sống cứ tự nhiên đi vào kịch bản, đi vào phim".
Hà Thu