Nghệ sĩ Kim Cương - `kỳ nữ` sân khấu Sài Gòn

Khi nghệ sĩ Kim Cương diễn "Lá sầu riêng" trên sân khấu thập niên 1970, hàng nghìn khán giả khóc theo nỗi đau của Diệu - người mẹ bị con chối bỏ.


Nghệ sĩ vào danh sách 60 cá nhân có công đóng góp cho sự phát triển của TP HCM 50 năm qua. Ở lĩnh vực văn hóa, bà là nghệ sĩ nữ duy nhất được vinh danh, bên cạnh nhạc sĩ Xuân Hồng, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đầu tháng 3, tác phẩm Lá sầu riêng của bà được Hội sân khấu TP HCM bình chọn là một trong 10 tác phẩm tiêu biểu của thành phố 50 năm qua.


"Khi nhận tin vui, tôi rưng rưng nghĩ đến câu nói của má tôi. Sinh thời, bà thường dặn tôi: Con phải sống sao để khán giả đánh giá đúng đóng góp của nghệ sĩ", bà nói.


Ở tuổi 88, nghệ sĩ Kim Cương vẫn giữ sức ảnh hưởng lớn đến các thế hệ nghệ sĩ miền Nam. Bà là gương mặt chính trong nhiều buổi tọa đàm chuyên đề về thời vàng son của sàn diễn. Diễn viên Thành Lộc - một hậu bối - cho biết: "Tuổi thơ tôi lớn lên cùng kịch nói Kim Cương. Càng làm nghề, tôi càng nhận ra nét tài hoa của bà là điều mà tôi chỉ có thể ngước nhìn, chứ không thể chạm đến", anh nói.


Danh xưng "kỳ nữ" gắn với Kim Cương từ thuở đôi mươi, khi bà vụt sáng trên sân khấu cải lương. Cha bà - ông Nguyễn Ngọc Cương (tức bầu Cương) - là một trong những tên tuổi góp công lớn cho cổ nhạc từ giai đoạn khởi thủy. Đoàn Đại Phước Cương do cha bà thành lập từng là gánh hát hàng đầu của Sài Gòn - Chợ Lớn, bệ phóng tên tuổi cho loạt nghệ sĩ: Thanh Tùng, Ngọc Sương, Kim Thoa, Năm Nghĩa.


Mẹ bà - nghệ sĩ Bảy Nam - được xem là một trong hai vị tổ cải lương, bên cạnh nghệ sĩ Phùng Hà. Những nhân vật kinh điển bà từng đóng qua như Điều Tam Xuân, Lý Nhu, Quan Công, Chung Vô Diệm đều thành chuẩn mực diễn xuất cho hậu thế. Bà là nữ soạn giả đầu tiên viết tuồng cải lương, với các vở Chung Vô Diệm, Mẫu tử tình thâm, Phấn hậu cung.


Sinh trưởng trong gia đình giàu truyền thống nghệ thuật, 18 ngày tuổi, Kim Cương được bế lên sân khấu trong tuồng Quan âm Thị Kính, diễn dịp mừng thọ thất tuần của Đức Tiên Cung Dương Thị Thục - mẹ vua Khải Định. Sáu tuổi, Kim Cương đóng vai Na Tra trong vở Na Tra lóc thịt, do chính mẹ viết kịch bản.


Năm bà chín tuổi, bầu Cương qua đời vì bạo bệnh, bà Bảy Nam gửi các con cho dì, cậu nuôi rồi một thân đi hát kiếm tiền đem về. Bà thay chồng lèo lái đoàn một thời gian thì gánh hát rã đám vì thời cuộc. Để nuôi đàn con, bà phải dần bán đi gia sản, kể cả bức màn nhung lớn in hai chữ Phước Cương. "Thấm nỗi ê chề của đời ca xướng, ban đầu, má không muốn cho con theo nghề, mà chỉ mong tôi chuyên tâm học hành, trở thành giáo viên", nghệ sĩ nói.


Dù vậy, càng lớn, Kim Cương càng tỏa sáng với tố chất đào chính. Những năm 1940-1950, cải lương Sài Gòn phát triển hưng thịnh, các đoàn hát bắt đầu tìm những gương mặt có khả năng diễn các kịch bản giàu tính đột phá để níu chân khán giả. Nghệ sĩ Bảy Nam bàn với soạn giả Duy Lân, viết đo ni đóng giày cho con gái vở Giai nhân và ác quỷ. Sau vở diễn, cô đào Kim Cương được báo giới ca ngợi là hiện tượng hiếm có. Trên tờ báo Tiếng Dội, ký giả Nguyễn Ang Ca gọi bà là "kỳ nữ", hàm ý thiếu nữ có tài năng kỳ lạ.


Cuộc đời bà rẽ sang hướng mới năm 1956, khi quyết định chuyển sang kịch nói. Lúc đó, một phần bà chịu ảnh hưởng từ quan điểm "Sân khấu phải thật và đẹp" của nghệ sĩ Năm Châu. Mặt khác, Kim Cương muốn chọn con đường mới do cải lương thời bấy giờ chuộng vọng cổ, mà bà nhận ra bản thân không thể ca hay.


Bỏ lại sau lưng hào quang của một cô đào đang ở đỉnh cao, bà sang Pháp, học hỏi thêm nghệ thuật sân khấu phương Tây. Tại đây, bà được tiếp thu những phương pháp chuyên nghiệp trong cách dàn dựng vở, thủ pháp viết lời thoại cô đọng, nội dung kịch tính, phong phú hơn. Sau khi về nước, bà gom kiến thức để tạo dựng nền móng cho đoàn Kim Cương - Mùa thoại kịch, tức đoàn kịch nói Kim Cương sau này.


Sự thay đổi của nghệ sĩ Kim Cương bị vấp phải phản đối của những khán giả yêu thương bà. Bấy giờ, kịch nói chưa được ưa chuộng tại Sài Gòn cũng như lục tỉnh Nam kỳ, khó cạnh tranh với cải lương - vốn đang trong giai đoạn hoàng kim. Khi biết Kim Cương làm kịch, nhiều người lớn tuổi cho rằng đó là điều không tưởng.


Thời điểm đó, đoàn đối diện muôn vàn thử thách, mà áp lực lớn nhất là khâu kịch bản và diễn viên. Các soạn giả tên tuổi đương thời đều dồn lực cho cải lương vì được trả nhuận bút cao. Không bỏ cuộc, bà chắt lọc những trải nghiệm lúc bôn ba với đoàn hát, tự viết kịch bản với bút danh Hoàng Dũng. Về dàn diễn viên, bà chiêu mộ những tên tuổi cùng chí hướng như Vân Hùng, Xuân Phát, Phi Bằng, Thúy Hồng, Lan Phương, hầu hết đều chưa qua trường lớp.


Vở đầu tiên - Tôi là mẹ, nhờ sự kết hợp với phần tân nhạc của ban hợp ca Thăng Long cùng nhiều ca sĩ, lập tức chinh phục khán giả. Thừa thắng xông lên, bà cho ra đời loạt vở diễn như Lá sầu riêng, Dưới hai màu áo, Trà hoa nữ, Áo người trinh nữ, Cánh hoa tàn. Những vở kịch của đoàn gây tiếng vang lớn sau khi được phát trên truyền hình. Nghệ sĩ cải lương Minh Vương nhớ khi ấy chỉ có tivi trắng đen, nhưng hôm nào đài báo phát kịch Kim Cương, bà con hàng xóm ngồi chật nhà để cùng khóc, cười với nhân vật.


Trong sách Lịch sử sân khấu kịch và điện ảnh Việt Nam, tác giả Nguyễn Đức Hiệp cho rằng kịch Kim Cương thành công nhờ chú trọng vào diễn xuất đậm chất đời, cách đối nhân xử thế. "Ban kịch Kim Cương đã làm được điều mà không ai trước đó nghĩ, là sân khấu kịch miền Nam có thể phát triển như miền Bắc - nơi sân khấu kịch đã ra đời và phát huy từ lâu. Kim Cương thu hút đông đảo khán giả của cải lương và khán giả mới - đa số là thành phần trí thức và trung lưu. Đây là thành tựu lớn nhất trong cuộc đời nghệ sĩ Kim Cương", tác giả nhận định.


Thập niên 1960-1970, đông đảo khán giả thổn thức với số phận truân chuyên của cô Diệu trong Lá sầu riêng, cô Bê bán hột vịt lộn trong Dưới hai màu áo. Họ không còn khen bà hát hay, ngoại hình khả ái, mà chỉ nhớ đến chất giọng "rặt" Nam bộ cùng bộ dạng tần tảo, khắc khổ của các nhân vật bà hay đóng.


Nghệ sĩ nhớ một lần về tỉnh diễn Lá sầu riêng, có đoạn Diệu tâm sự với con trai: "Hồi nhỏ mẹ chỉ cho con gói bánh, gói kẹo, con đã theo mẹ cả ngày. Giờ này, mẹ cho con cả cuộc đời mà sao con không nhận vậy Sang?". Bà vừa dứt câu thoại, dưới hàng ghế khán giả vang lên những tiếng khóc rưng rức. Lúc ra về, nhiều người lại bắt tay, ôm Kim Cương và vờ trách: "Chị ác quá, làm tụi tui khóc quá trời".


Trong sách Mẹ trên sân khấu Kim Cương, giáo sư Hoàng Như Mai đánh giá dòng kịch Kim Cương tiêu biểu cho kịch nói miền Nam, "chiếm vị trí độc nhất vô nhị đối với loại hình nghệ thuật này". "Xét về tính nhân văn, kịch Kim Cương đã hoàn thành xuất sắc chức năng, nhiệm vụ của mình, tạo nên mọi giá trị mà một vở kịch cần đạt được, nhất là những vở diễn về đề tài người mẹ", ông nhận xét.


Kim Cương trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều thi nhân, văn sĩ, trong đó có nhà thơ Bùi Giáng. Bà gặp ông lần đầu năm 19 tuổi khi đi hát. Sau vài lần gặp gỡ, từ đó, Bùi Giáng say mê bà rồi cầu hôn, song nghệ sĩ từ chối. Ông khắc ghi mối tình si qua các vần thơ:


"Vô ngần tao ngộ đầu tiên
Em bao giờ biết anh phiền ưu sao
Yêu em từ những kiếp nào
Về sau cũng niệm nguyên màu ban sơ".


Sau này, Kim Cương gọi tình cảm Bùi Giáng dành cho bà là "tình yêu kỳ dị". "Đó là tình cảm hồn nhiên, bản năng và vô điều kiện.


Sau năm 1975, đoàn kịch của bà bước sang giai đoạn hưng thịnh mới nhờ có sân khấu diễn thường trực. Một thời gian dài, kịch Kim Cương đêm nào cũng có suất diễn. Những ngày lễ Tết, bà phải tăng cường ba suất mỗi ngày mới đáp ứng nổi nhu cầu khán giả. Đến đầu thập niên 1990, đoàn dần ngưng hoạt động vì bối cảnh khó khăn chung của sân khấu.


Hàng chục năm rời sân khấu, Kim Cương tiếp tục thực hiện tâm nguyện của mẹ. Sinh thời, bà Bảy Nam thường âm thầm làm việc thiện. Khi mẹ mất, mở ngăn tủ, Kim Cương tìm thấy những biên lai từ các đơn vị từ thiện, bà không ký tên thật mà lấy tên các nhân vật từng đóng, vì muốn ẩn danh.


Bằng uy tín, "kỳ nữ" kêu gọi nhiều nguồn lực lớn, góp phần mang lại ánh sáng cho hàng nghìn người mù, chữa trị cho trẻ em bệnh tim, đem lại nụ cười cho nhiều bé bị dị tật môi bẩm sinh.


Sau Covid-19, bà cùng Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo TP HCM tổ chức chương trình Trái tim yêu thương, chăm lo cho 150 trẻ mồ côi về vật chất lẫn tinh thần, đến khi các em đủ 18 tuổi. Gần 10 năm, bà đều đặn khởi xướng Nghệ sĩ tri âm, giúp diễn viên nghèo và công nhân hậu đài sân khấu có cái Tết no ấm. "Tôi dặn lại với con trai khi tôi qua đời, con hãy thay má duy trì học bổng Bảy Nam. Để di sản của gia tộc, của má tôi, mãi được tiếp nối", nghệ sĩ nói.


Mai Nhật









Nghe si Kim Cuong - 'ky nu' san khau Sai Gon


Khi nghe si Kim Cuong dien "La sau rieng" tren san khau thap nien 1970, hang nghin khan gia khoc theo noi dau cua Dieu - nguoi me bi con choi bo.

Nghệ sĩ Kim Cương - 'kỳ nữ' sân khấu Sài Gòn

Khi nghệ sĩ Kim Cương diễn "Lá sầu riêng" trên sân khấu thập niên 1970, hàng nghìn khán giả khóc theo nỗi đau của Diệu - người mẹ bị con chối bỏ.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá