Phản ứng của chủ các ngân hàng trước tác động thuế quan Mỹ

Lãnh đạo một số ngân hàng khẳng định thuế quan của Mỹ không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, số khác lại duy trì góc nhìn thận trọng.


Tác động thuế đối ứng của Tổng thống Donald Trump là một trong những mối quan tâm được nhà đầu tư đặt ra với lãnh đạo các ngân hàng trong mùa đại hội cổ đông năm nay, dù chuyên gia đánh giá ngành này không ảnh hưởng trực tiếp.


"Chính sách thuế quan tác động lớn đến chúng tôi, và mạnh hơn các ngân hàng khác", ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Vietcombank trả lời trước cổ đông tại phiên họp thường niên năm nay. Lãnh đạo Vietcombank thể hiện sự thận trọng khi ngân hàng quốc doanh này có dư nợ cho vay gần 1,5 triệu tỷ đồng, cao thứ hai toàn ngành sau BIDV, tính đến cuối quý I.


Ông Tùng lý giải nguyên nhân chịu tác động lớn do nhiều khách hàng của Vietcombank là doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ trong các lĩnh vực điện tử, gỗ, thủy sản, nhựa... Ngoài ra, họ đang cho các công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vay số tiền lớn hơn các ngân hàng khác. Đây đều là những ngành dễ bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan.


Theo số liệu từ Chứng khoán SSI, các công ty FDI chiếm khoảng 10,2% tổng dư nợ của Vietcombank, ở mức148.000 tỷ đồng, cao nhất trong các ngân hàng niêm yết. Vì vậy, SSI đánh giá ngân hàng này chịu tác động không nhỏ từ thuế quan Mỹ.


Tuy nhiên, Vietcombank có chính sách ứng phó. Ông Nguyễn Thanh Tùng thông tin ngân hàng đã chủ động cùng khách hàng đưa ra giải pháp giảm thiểu tác động, gồm hỗ trợ tài chính, đa dạng thị trường xuất khẩu.


Chẳng hạn, Vietcombank ký biên bản ghi nhớ (MOU) với Vietnam Airlines để hãng hàng không quốc gia mua 50 máy bay thân hẹp từ Boeing, hay họ cho các doanh nghiệp vay nhập khí LNG của Mỹ. Đây là một trong những cách giúp Việt Nam giảm thặng dư thương mại với nền kinh tế lớn nhất thế giới.


Tương tự, lãnh đạo Eximbank cũng tỏ ra thận trọng trước chính sách thuế mới của Tổng thống Trump. Theo báo cáo tài chính 2024, tỷ trọng cho vay khách hàng thương mại, bán buôn, bán lẻ của ngân hàng này là trên 53.000 tỷ đồng, chiếm 33% tổng dư nợ.


"Căng thẳng thương mại sẽ ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng tín dụng, cũng như chất lượng tài sản, nợ xấu của ngân hàng", ông Nguyễn Cảnh Anh, Chủ tịch Eximbank nhận định.


Ông phân tích ngành đang chịu nhiều tác động như lãi suất trên thị trường quốc tế, tỷ giá, lạm phát tăng... Điều này khiến các nhà băng, trong đó có Eximbank mất nhiều chi phí đầu vào hơn.


Để ứng phó, ông Cảnh Anh cho biết Eximbank sẽ tăng trưởng tín dụng có chọn lọc, kiểm soát nợ xấu ở mức thấp. Ngoài ra, ngân hàng muốn cải thiện chất lượng tài sản, tái cơ cấu nguồn vốn, đẩy mạnh số dư CASA (tiền gửi không kỳ hạn) và kiểm soát chi phí huy động vốn.


Tuy nhiên, một số lãnh đạo ngân hàng lại cho rằng tác động từ chính sách thuế quan đến họ không lớn. Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB cho biết số khách hàng lĩnh vực xuất khẩu của ngân hàng chiếm tỷ trọng thấp. "Tác động không lớn nhưng chúng tôi không chủ quan và đã chuẩn bị sẵn phương án để ứng phó ", ông nói.


Việt Nam là một trong 6 nước được Mỹ ưu tiên đồng ý đàm phán. Đoàn trao đổi cấp kỹ thuật của Việt Nam đã sang Mỹ, làm việc với các cơ quan liên quan của nước này về đàm phán thương mại song phương. Dự kiến, phiên đàm phán đầu tiên sẽ diễn ra ngày 7/5.


Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cũng trấn an cổ đông khi khẳng định điều tương tự. Hiện dư nợ khách hàng xuất khẩu và FDI chỉ chiếm khoảng 3% và 0,6% tổng cho vay của nhà băng này, theo số liệu thống kê từ Chứng khoán SSI.


Tuy nhiên, CEO VPBank cảnh báo nếu căng thẳng thương mại thế giới kéo dài có thể ảnh hưởng đến sức mua của người dân. Trong khi đó, VPBank là ngân hàng bán lẻ, với nhiều khách hàng có thu nhập trung bình và thấp.



BIDV - ngân hàng có tổng số tiền cho vay lớn nhất hệ thống ngân hàng hiện nay - ghi nhận dư nợ bị ảnh hưởng bởi thuế quan khoảng 300.000 tỷ đồng, chiếm 15% tổng nợ vay, theo số liệu từ SSI Research. Tuy nhiên, Chủ tịch BIDV Phan Đức Tú nhìn nhận chính sách thuế quan mới không ảnh hưởng lớn đến nhà băng này. Ngay sau thông tin Mỹ áp thuế đối ứng, nhà băng này đã lập ban chỉ đạo ứng phó, theo ông Tú.


Chính quyền của Tổng thống Donald Trump hiện hoãn áp thuế đối ứng ở mức cao với hàng chục đối tác thương mại trong 90 ngày, trong đó có Việt Nam. Mức thuế tạm thời được áp là 10%.


Theo đánh giá từ Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), ngành ngân hàng chịu ảnh hưởng gián tiếp từ câu chuyện thuế quan Mỹ. "Khi lợi nhuận của các doanh nghiệp giảm sút, dòng tiền trả nợ và nhu cầu tín dụng sẽ giảm, khiến các ngân hàng ảnh hưởng", VCBS phân tích.


VCBS chỉ ra các ngân hàng có dư nợ xuất nhập khẩu, FDI lớn là nhóm nhà băng quốc doanh như Vietcombank, BIDV, Vietibank. Một số ngân hàng đang đẩy mạnh tiếp cận nhóm FDI gồm VPBank, Techcombank hay MB cũng sẽ gặp thách thức ngắn hạn trong mở rộng tín dụng mảng này.


Tuy nhiên, nhóm phân tích từ VCBS nhận định dư nợ cho vay xuất khẩu chỉ chiếm trên 5% tổng dư nợ toàn hệ thống ngân hàng, còn khu vực FDI khoảng 2% nên tác động không quá lớn.


Ở góc độ ngân hàng, Chủ tịch BIDV Phan Đức Tú cho rằng căng thẳng thương mại dự báo sẽ tác động đến tín dụng, huy động vốn và chất lượng tài sản, kéo theo lợi nhuận suy giảm. Tuy nhiên, giống nhiều nhà băng khác, họ dự kiến trích lập dự phòng khoảng 21.000 tỷ đồng năm nay, tương đương mức thực hiện năm 2024. Tỷ lệ trích lập trên tổng dư nợ có xu hướng giảm nhẹ nhờ kỳ vọng tín dụng tăng trưởng 16%.


Trọng Hiếu









Phan ung cua chu cac ngan hang truoc tac dong thue quan My


Lanh dao mot so ngan hang khang dinh thue quan cua My khong anh huong den hoat dong kinh doanh, so khac lai duy tri goc nhin than trong.

Phản ứng của chủ các ngân hàng trước tác động thuế quan Mỹ

Lãnh đạo một số ngân hàng khẳng định thuế quan của Mỹ không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, số khác lại duy trì góc nhìn thận trọng.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá