Tại tọa đàm về thuế tiêu thụ đặc biệt với ngành nước giải khát diễn ra ngày 4/4, PGS.TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, ngoài áp lực từ Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, ngành đồ uống đang đứng trước lo ngại tác động kép từ thuế quan đối ứng Mỹ công bố mới đây.
Mức thuế này được đưa ra trong bối cảnh doanh nghiệp và cơ quan quản lý đang phải nỗ lực để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% năm nay và tăng 2 chữ số cho giai đoạn 2026-2030.

Với thuế tiêu thụ đặc biệt, ông Nguyễn Minh Đức, đại diện Hội đồng Doanh nghiệp Hoa Kỳ - ASEAN, dẫn thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về việc tại các quốc gia đã áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường như Hungary, Pháp, Mexico, tỷ lệ dân số béo phì và thừa cân vẫn tiếp tục tăng trong những năm qua.
Một số nước đã bỏ thuế này sau một thời gian áp dụng. Một số nước không áp dụng, thay vào đó Chính phủ tập trung vào các chiến dịch giáo dục về dinh dưỡng, thể dục và khuyến khích lối sống tích cực.
Theo ông, cải cách thuế cần phải cân bằng giữa mục tiêu tài chính và động lực kinh tế. Việc tăng thuế đột ngột có thể làm giảm sức mua, gián đoạn hoạt động kinh doanh và ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư. Ông kiến nghị chưa bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5 gram trong 100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Ngoài ra, nên xem xét lùi thời hạn áp thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng nước giải khát có đường tới năm 2028 với mức thuế suất khởi đầu là 5%, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị nguồn lực tài chính, điều chỉnh công thức sản phẩm.
TS Nguyễn Quốc Việt, chuyên gia chính sách công tại Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng so với phương án thuế suất 10%, mức thuế 5% có mức tác động nhẹ hơn, giảm tác động đối với doanh nghiệp mà vẫn điều tiết được tiêu dùng, đảm bảo mục tiêu thu ngân sách.
Trước đó, tại dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi đang lấy ý kiến Quốc hội và dự kiến thông qua vào tháng 5 tới, Bộ Tài chính đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có hàm lượng đường trên 5 gram trong 100ml là 10%.
Theo Bộ Tài chính, đây là mặt hàng mới được đề xuất bổ sung vào diện chịu thuế nên đề xuất mức 10% để khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu loại có lượng đường thấp, nâng nhận thức, điều chỉnh hành vi của người tiêu dùng.
Một trong những lý do khác được Bộ Tài chính đưa ra để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát là để bảo vệ sức khỏe người dân, giảm thiểu tình trạng thừa cân, béo phì.