Lăng mộ vua nhà Hậu Lê bị xâm hại

Thanh Hóa - Kẻ gian dùng thiết bị dò tìm xuyên lòng đất quanh lăng mộ vua Lê Túc Tông ở khu di tích Lam Kinh nhằm tìm kiếm, đánh cắp đồ tùy táng có giá trị.


Ngày 7/5, ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn Di sản Thanh Hóa, cho biết đơn vị đang phối hợp với công an và cơ quan liên quan làm rõ vụ xâm phạm lăng mộ vua Lê Túc Tông. Sự việc được cho là có liên quan đến nhóm người nước ngoài chuyên đào trộm mộ cổ, đánh cắp cổ vật.


Khoảng 21h30 ngày 3/5, cán bộ Ban Quản lý di tích lịch sử Lam Kinh ra khu lăng mộ vua Lê Túc Tông nằm trên xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc làm lễ dâng hương và kiểm tra di tích thì phát hiện quanh khu mộ có nhiều dấu vết bất thường, nghi bị kẻ gian xâm hại.


Sau khi kiểm tra kỹ lưỡng, Ban Quản lý di tích lịch sử Lam Kinh phát hiện thiết bị săn tìm cổ vật đang cắm sâu dưới lòng đất, cách tường bao lăng mộ vua Lê Túc Tông khoảng 8-10 m. Ban đã thu được cây săm kim loại (loại chuyên săm tìm đồ cổ) cắm dưới lòng đất khoảng 5 m. Cây săm gồm 10 đoạn, được nối với nhau bằng gen tiện.


Ngoài ra, hiện trường còn một số chai nước lọc, dép tông xốp và điện thoại di động hiển thị toàn tiếng Trung. Phần ốp lưng điện thoại có một thẻ chứng nhận thân phận (tương tự thẻ căn cước công dân) ghi đầy đủ tên tuổi, quê quán, nơi cư trú của một người đàn ông ở Quảng Tây, Trung Quốc.


Nhận định lăng mộ vua Lê Túc Tông đang bị xâm phạm, Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn di sản Thanh Hóa đã thông báo cho công an lập biên bản bàn giao tang vật, khám nghiệm hiện trường, điều tra sự việc.


Chiều 4/5, cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Quảng Ninh bắt giữ hai nghi can Deng Zhui, 41 tuổi và Shen Jiang Yang, 43 tuổi, đều trú tại Quảng Tây, Trung Quốc khi đang bắt taxi ra Móng Cái tìm cách vượt biên về quê. Vị trí hai nghi can bị bắt cách hiện trường lăng mộ vua Lê Túc Tông gần 400 km.


Công an tỉnh Thanh Hóa đã di lý hai người này về thực nghiệm hiện trường với nghi vấn có hành vi xâm phạm mồ mả, hài cốt. Động cơ và thủ đoạn gây án cụ thể chưa được công bố.


Theo nhà chức trách, từ đầu năm 2025 có hai người đàn ông lạ mặt đến địa bàn TP Thanh Hóa thuê xe máy tự lái đi tham quan di tích lịch sử Lam Kinh. Nhóm này đã dò xét tất cả khu lăng mộ ở Lam Kinh, trong đó có lăng bia vua Lê Túc Tông. Có thể sau khi khảo sát địa hình kỹ lưỡng, đến ngày 3/5, lợi dụng đêm khuya vắng người, nhóm này đã hành động.


Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn Di sản Thanh Hóa, cho biết ngoài các dấu vết nêu trên, chưa phát hiện khu lăng mộ vua Lê Túc Tông bị đào bới. Các lăng mộ cổ khác ở Lam Kinh cũng chưa ghi nhận dấu hiệu bất thường.


Vua Lê Túc Tông (1488-1505) tên thật là Lê Thuần, con trai thứ ba của Lê Hiến Tông. Tháng 7/1504, sau khi vua Lê Hiến Tông qua đời, Lê Thuần lên ngôi lấy niên hiệu Thái Trinh.


Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Lê Túc Tông lâm bệnh nặng rồi băng hà ở điện Hoàng Cực ngày 12/1/1505, hưởng dương 17 tuổi, tại vị chỉ 6 tháng. Sau khi nhà vua qua đời, tháng 3 âm lịch cùng năm, linh cữu ông được đưa về Tây Kinh (hay Lam Kinh) an táng ở Kính Lăng.


Khu lăng mộ trước kia thuộc làng Giao Xá, huyện Thụy Nguyên, nay thuộc xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc. Mộ vua Lê Túc Tông nằm trong quần thể khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, cách khu vực trung tâm khoảng 4 km về phía đông, trên một sườn đồi thoai thoải.


Bia Kính Lăng (Đại Việt Lam Sơn Kính Lăng Bi) nằm gần mộ phần vua Lê Túc Tông, tạc dựng năm 1505, đã được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2020.


Lê Hoàng









Lang mo vua nha Hau Le bi xam hai


Thanh Hoa - Ke gian dung thiet bi do tim xuyen long dat quanh lang mo vua Le Tuc Tong o khu di tich Lam Kinh nham tim kiem, danh cap do tuy tang co gia tri.

Lăng mộ vua nhà Hậu Lê bị xâm hại

Thanh Hóa - Kẻ gian dùng thiết bị dò tìm xuyên lòng đất quanh lăng mộ vua Lê Túc Tông ở khu di tích Lam Kinh nhằm tìm kiếm, đánh cắp đồ tùy táng có giá trị.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá