Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) vừa có văn bản kiến nghị UBND TPHCM xem xét một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh.
Đơn vị này đề nghị các sở, ngành rà soát 371 dự án tương đương hơn 2.000ha đất tại TPHCM (trước sáp nhập) và 245 khu đất tương ứng 1.592ha thuộc Bình Dương (trước sáp nhập) đăng ký thực hiện thí điểm. Tổng diện tích rà soát là hơn 3.500ha.
Trong đó, 371 dự án tại TPHCM (cũ) bao gồm 121 dự án đang có quyền sử dụng đất; 73 dự án đang có quyền sử dụng đất hoặc dự kiến nhận quyền sử dụng đất; 159 dự án dự kiến nhận quyền sử dụng đất; 14 dự án diện di dời và 4 dự án diện ô nhiễm, không phù hợp quy hoạch.

Hiệp hội đề nghị UBND TPHCM chỉ đạo rà soát khoảng 220 dự án vướng mắc pháp lý của TPHCM (cũ) theo kết luận tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình vào tháng 11/2024.
Các bộ, ngành đề xuất hướng xử lý, giải quyết đối với 68 dự án nhà ở thương mại đã bị dừng triển khai hoặc chưa triển khai thực hiện, theo Báo cáo với Đoàn giám sát của Quốc hội về thị trường bất động sản và nhà ở xã hội giai đoạn 2015-2023.
UBND TPHCM cùng các sở, ngành cũng được đề nghị rà soát khoảng 10 dự án khu dân cư nhà ở thương mại thực hiện theo cơ chế chủ đầu tư chính (cấp I) - các chủ đầu tư thành phần (cấp II).
Trong đó, chủ đầu tư chính thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng kết cấu hạ tầng chính, đường giao thông trục chính của dự án. Các chủ đầu tư thành phần đóng góp tài chính cho chủ đầu tư chính và được đầu tư kinh doanh trong dự án thành phần.
Tuy nhiên, hơn 20 năm qua, nhiều dự án theo cơ chế này còn dở dang, chưa hoàn thành bồi thường, giải phóng mặt bằng, chưa xây dựng được kết cấu hạ tầng. Điển hình là dự án khu dân cư Bình Trưng Đông - Cát Lái có diện tích 154ha, Hiệp hội đã đề xuất xem xét giải quyết nhiều lần từ năm 2014.
Hay dự án khu nhà ở do Công ty Him Lam đầu tư trên diện tích 3ha đất sạch, đã đầu tư cơ sở hạ tầng nội bộ dự án thành phần hoàn chỉnh, nhưng đến nay vẫn chưa được cấp sổ hồng.
Trong nửa đầu năm, HoREA đánh giá thị trường bất động sản TPHCM tăng trưởng dương 9,1% về mặt doanh thu so với cuối năm trước. Chỉ 4 nhà ở thương mại với hơn 3.300 căn đủ điều kiện huy động vốn, thuộc phân khúc cao cấp, không có nhà ở trung cấp, không có nhà ở giá vừa túi tiền.