Thai phụ chưa tiêm vaccine phòng bệnh thế nào

Phụ nữ mang thai khi chưa kịp chủng ngừa đủ vaccine cần thiết, cần tránh các nguồn lây bệnh hô hấp, giữ ấm và ăn, uống đủ dinh dưỡng.


Khi mang thai, hệ miễn dịch của mẹ sẽ suy giảm tự nhiên để giữ thai nhi trong tử cung. Quá trình này đồng thời giảm khả năng đào thải mầm bệnh và tăng mức độ nghiêm trọng khi mắc phải các bệnh truyền nhiễm.


Theo ThS. Nguyễn Diệu Thúy, chuyên viên y khoa, Hệ thống trung tâm Tiêm chủng VNVC, tiêm vaccine là một trong những cách phòng bệnh hiệu quả và giảm thiểu các biến chứng do bệnh truyền nhiễm trong thai kỳ. Tuy nhiên, một số vaccine như thủy đậu, sởi - quai bị - rubella, phế cầu, viêm não do não mô cầu... không được chỉ định tiêm trong khi mang thai. Do đó, thai phụ chưa tiêm vaccine cần có các biện pháp phòng ngừa cụ thể để bảo vệ an toàn cho bản thân và em bé.


Tránh các nguồn lây


Phụ nữ mang thai nên tránh tiếp xúc gần với những người bệnh và nghi nhiễm, đeo khẩu trang khi phải đến bệnh viện hoặc môi trường có nhiều người bệnh. Lý do là cúm, thủy đậu, sởi - quai bị - rubella có thể lây qua đường hô hấp, ví dụ khi hắt hơi, ho. Đối với các bệnh như zona, thủy đậu, phụ nữ nên tránh chạm vào vết thương hoặc sử dụng chung đồ dùng với người bệnh.


Thời tiết trở lạnh ở miền Bắc và mưa nhiều ở miền Nam dịp cuối năm tạo điều kiện phát triển cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản. Do đó, thai phụ nên mặc quần áo dài tay, ở trong môi trường thoáng mát, ngủ màn, không đi đến nơi có vùng dịch. Phụ nữ cần vệ sinh sạch sẽ nhà ở, tránh nước tù, đọng, lật úp lọ hoa và các vật dụng có thể chứa nước để ngăn muỗi sinh sôi.


Giữ ấm vào mùa đông


Nhiệt độ của phụ nữ mang thai thường cao hơn bình thường khoảng 0,5 độ C và luôn cảm thấy nóng. Dù vậy, thai phụ vẫn nên chú ý giữ ấm khi mang thai trong các tháng lạnh, ở các vùng đầu cổ, bàn tay, bàn chân. Mẹ bầu nên mặc nhiều lớp mỏng thay cho một lớp dày, để tránh khó thở và cản trở vận động.


Cung cấp đủ dinh dưỡng


Phụ nữ mang thai cần đảm bảo đủ và cân bằng dinh dưỡng nhằm giúp em bé phát triển tốt và ổn định thể trạng của bản thân. Bữa ăn nên bổ sung nhiều rau, củ quả, thêm khoáng chất, vitamin. Mẹ bầu nên bổ sung thêm vitamin D và các thực phẩm giàu sắt, uống đủ nước, không để niêm mạc khô, lạnh.


Thai phụ nên ăn chín, uống sôi để tránh mắc các bệnh đường tiêu hóa. Khi chọn nguyên liệu, mọi người sử dụng thực phẩm rõ nguồn gốc, xuất xứ. Trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, tiếp xúc các bề mặt dùng chung, có khả năng chứa virus, mẹ bầu nên rửa tay sạch sẽ.


Tập thể dục thường xuyên


Các chuyên gia đã chỉ ra thể dục mang lại nhiều lợi ích cho thai phụ như giảm nguy cơ tiền sản giật, giúp máu lưu thông tốt hơn, giảm đau lưng, giảm tình trạng táo bón, mỏi mệt trong quá trình mang thai.


Thai phụ nên tìm các bộ môn vận động nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe trên máy cố định, yoga, pilates... Người có bệnh tim, dọa sảy thai... không thích hợp để vận động, có thể tham khảo thêm ý kiến bác sĩ chuyên khoa để tìm các bài tập hỗ trợ phù hợp.


Tiêm ngừa cho chồng, người chăm sóc


Chồng, người thân là một trong những nguồn lây bệnh chính cho thai phụ trong quá trình mang thai. Do đó, những người này cũng cần chủng ngừa để tránh nhiễm, truyền bệnh cho mẹ và em bé, ví dụ ngừa thủy đậu, sởi - quai bị - Rubella, tả, thương hàn, viêm não Nhật Bản, viêm gan B...


Vaccine nào tiêm được trong thai kỳ?


Theo thạc sĩ Thúy, nếu chưa kịp chủng ngừa trước khi mang thai, một số vaccine vẫn có thể chủng ngừa trong thai kỳ như vaccine cúm, bạch hầu - ho gà - uốn ván. Trường hợp có nguy cơ cao nhiễm viêm gan B như có chồng hoặc người chăm sóc nhiễm bệnh, làm việc trong ngành y tế, vẫn có thể được tiêm vaccine khi xét nghiệm âm tính với viêm gan B.


Cụ thể, mũi tiêm cúm nên chủng ngừa từ tam cá nguyệt thứ 2 với phác đồ một mũi tiêm. Vaccine bạch hầu - ho gà - uốn ván (3 trong 1) vào tam cá nguyệt thứ 2 hoặc thứ 3 của thai kỳ, cần 2 mũi cách nhau một tháng. Vaccine 3 trong 1 cần chích cách thời điểm sinh tối thiểu một tháng để đảm bảo đủ kháng thể bảo vệ mẹ và bé trong kỳ sinh nở.


"Thai phụ không nên quá lo lắng nếu chưa kịp chủng ngừa trước khi mang thai. Cần giữ tinh thần thoải mái, nghỉ ngơi, ăn uống hợp lý và theo sát các mũi vaccine chủng ngừa được trong thai kỳ để tăng kháng thể truyền sang con", thạc sĩ Thúy nói.


Nhật Linh


Vào 20h ngày 24/11, Hệ thống tiêm chủng VNVC phối hợp báo VnExpress tổ chức tư vấn trực tuyến: "Dinh dưỡng và vaccine cho thai kỳ - Mẹ khỏe mạnh, con thông minh".


Buổi tư vấn có sự tham gia của các chuyên gia y tế: ThS. Nguyễn Diệu Thúy, Chuyên viên Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC; ThS.BS Nguyễn Thị Thanh Tâm, Trung tâm Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM; ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng, bác sĩ dinh dưỡng, Hệ thống phòng khám dinh dưỡng Nutrihome.


Chương trình được phát sóng trực tiếp trên fanpage VnExpress, VNVC và các kênh thông tấn báo chí khác. Bạn đọc quan tâm có thể đặt câu hỏi tại đây.









Thai phu chua tiem vaccine phong benh the nao


Phu nu mang thai khi chua kip chung ngua du vaccine can thiet, can tranh cac nguon lay benh ho hap, giu am va an, uong du dinh duong.

Thai phụ chưa tiêm vaccine phòng bệnh thế nào

Phụ nữ mang thai khi chưa kịp chủng ngừa đủ vaccine cần thiết, cần tránh các nguồn lây bệnh hô hấp, giữ ấm và ăn, uống đủ dinh dưỡng.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá