Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC) ngày 7/5 dẫn số liệu từ thống kê Điều tra quốc gia các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm. Theo đó, tỷ lệ người có cholesterol máu cao (cholesterol toàn phần từ 5 mmol/L trở lên hoặc đang phải dùng thuốc điều trị) đã tăng vọt từ khoảng 30% lên 44,1%.
Theo BS.CK2 Nguyễn Huân, Phó Khoa Phòng khám, HCDC, nếu không nhanh chóng có những biện pháp can thiệp hiệu quả, gánh nặng bệnh tật do rối loạn mỡ máu (tăng lipid máu) và các biến chứng tim mạch sẽ ngày càng gia tăng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và hệ thống y tế.
Rối loạn mỡ máu xảy ra khi nồng độ các chất béo trong máu bị mất cân bằng. Mức cholesterol "xấu" (LDL) cao sẽ tích tụ trong thành động mạch, hình thành các mảng xơ vữa, gây hẹp lòng mạch và cản trở lưu thông máu. Ngược lại, cholesterol "tốt" (HDL) có vai trò vận chuyển cholesterol dư thừa từ các mô về gan để đào thải ở mức thấp. Triglyceride cao cũng liên quan đến tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
"Quá trình này diễn ra âm thầm trong nhiều năm, thường không có triệu chứng cho đến khi xảy ra biến chứng như đau tim hoặc đột quỵ", bác sĩ chia sẻ.
Rối loạn mỡ máu hoàn toàn có thể phòng ngừa nếu được phát hiện sớm và kiểm soát đúng phương pháp. Do đó, nên kiểm tra sức khỏe định kỳ và xét nghiệm mỡ máu, thực hiện lối sống lành mạnh. Trong đó, chế độ dinh dưỡng đóng vai trò then chốt trong việc kiểm soát nồng độ mỡ máu. Hạn chế chất béo bão hòa, tránh xa chất béo chuyển hóa.
Tăng cường chất béo không bão hòa (omega-3, omega-6) từ cá béo, dầu thực vật, các loại hạt. Ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt, bổ sung chất xơ hòa tan. Hạn chế đường, tinh bột tinh chế và kiểm soát lượng muối tiêu thụ
Tăng cường hoạt động thể chất. Duy trì cân nặng hợp lý, tránh thừa cân, béo phì. Bỏ thuốc lá, hạn chế uống rượu bia.
Lê Phương