Ngày 8/5, đại diện Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc cho biết bệnh nhi sốt cao, khó thở, chỉ số nhiễm khuẩn PCT cao vượt ngưỡng hiển thị của máy. Bình thường chỉ số này nhỏ hơn 0.05, tăng lên 4 là nhiễm khuẩn nặng, hôm sau đo được kết quả nhiễm khuẩn 234.
Bác sĩ nhận định trẻ mắc biến chứng nặng do sởi, nguy cơ tử vong rất cao. Sau 6 tiếng nhập viện, bệnh tiến triển thành hội chứng ARDS (hội chứng suy hô hấp cấp tính), xét nghiệm khí máu rất xấu, kết quả chụp X-quang phổi trắng xóa.
Bé được hồi sức chống sốc, thở máy, sử dụng kháng sinh tĩnh mạch. Những ngày đầu, trẻ phải thở máy thông số cao, dùng hai thuốc vận mạch liều cao phối hợp mới giữ được huyết áp đạt đích. Ngoài ra còn là vấn đề tăng áp phổi, suy gan, rối loạn đông máu, cân bằng nước và điện giải.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Thảo, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, nhận định đây là trường hợp rất nặng, không đến viện sớm khiến biến chứng xảy ra. May mắn sau 7 ngày điều trị, bệnh nhi sức khỏe ổn định dần.
Bệnh sởi được xếp vào bệnh nguy hiểm nhóm B, tức nhóm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.
Sởi lây lan rất nhanh qua tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang bệnh, hoặc bệnh lây gián tiếp qua vật dụng, đồ chơi có dính dịch tiết khi trẻ ho, hắt hơi, sổ mũi. Sởi thường gây biến chứng ở đường hô hấp, chủ yếu là viêm phổi. Ngoài ra, một số trẻ có thể viêm ruột, nhiễm trùng máu, viêm loét giác mạc, thậm chí sốt, co giật nặng dẫn đến viêm não.
Phụ huynh đưa con đến các trạm y tế để tiêm vaccine. Giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên và vệ sinh nhà cửa sạch sẽ. Cung cấp chế độ dinh dưỡng lành mạnh, đầy đủ chất dinh dưỡng, duy trì chế độ vận động, luyện tập thể dục thể thao khoa học để nâng cao sức đề kháng. Hạn chế tiếp xúc với người có triệu chứng nghi ngờ sởi như sốt, phát ban và viêm long hô hấp như ho, chảy nước mũi...
Khi có biểu hiện sốt phát ban dạng sởi thì cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Thúy Quỳnh