Các khảo sát PMI toàn cầu do S&P Global Market Intelligence thực hiện cho biết chỉ số đơn hàng xuất khẩu mới toàn cầu giảm xuống mức 47,5 trong tháng 4, từ 50,1 của tháng 3. Đây là mức thấp nhất kể từ cuối năm 2022 và dưới trung bình dài hạn. Dưới ngưỡng 50 phản ánh hoạt động bị thu hẹp.
Theo hãng phân tích dữ liệu Mỹ, điều kiện thương mại quốc tế đã xấu đi trong tháng trước, sau khi ổn định vào cuối quý I, chủ yếu do tác động của các mức thuế bổ sung của chính quyền ông Trump.
Xuất khẩu hàng hóa cũng quay lại đà sụt giảm, chấm dứt giai đoạn tạm ổn định ngắn ngủi. Đà đi xuống này mạnh nhất kể từ 8/2023.
Các công ty được khảo sát cho biết bắt đầu chịu tác động từ đợt công bố thuế đối ứng ngày 2/4 của Mỹ. Tuy nhiên, tình hình có thể còn xấu thêm, bởi hoạt động tháng qua vẫn còn được hỗ trợ từ việc doanh nghiệp tranh thủ nhập hàng trong thời gian tạm hoãn 90 ngày.
Giới kinh tế dự báo tình trạng "chạy trước" nhập khẩu vẫn tiếp diễn. "Các doanh nghiệp rõ ràng đang tìm lối đi giữa thời kỳ biến động chưa từng có, nhưng điều tệ nhất vẫn chưa xảy ra", Christopher Rupkey, Kinh tế trưởng tại FWDBonds nhận định.
Niềm tin kinh doanh lĩnh vực sản xuất vì vậy giảm mạnh. Chỉ số kỳ vọng sản lượng tương lai xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2022, tiệm cận ngưỡng năm 2019 – thời điểm làn sóng bảo hộ thương mại trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump.
Xuất khẩu dịch vụ cũng đi xuống trong tháng 4, lần đầu tiên kể từ cuối năm 2023. Tốc độ giảm còn khiêm tốn, nhưng đây vẫn là mức mạnh nhất kể từ tháng 12/2022.
Xét theo khu vực, dữ liệu PMI tháng 4 ghi nhận tình trạng xấu đi trên diện rộng, trong đó các nền kinh tế phát triển chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Sụt giảm xuất khẩu hàng hóa tại các nước phát triển đã kéo dài gần 3 năm.
Tại các thị trường mới nổi, xuất khẩu cũng lần đầu đi xuống trong năm nay, với tốc độ mạnh nhất kể từ tháng 7/2023. Suy giảm chủ yếu đến từ đơn hàng xuất khẩu thu hẹp trở lại. Trước đó, đơn hàng vẫn tăng trong quý I nhờ vào hoạt động tranh thủ đặt hàng trước thời điểm tăng thuế.
Trong nhóm 10 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới, chỉ còn Ấn Độ ghi nhận chỉ số xuất khẩu tăng trong tháng 4. Nước này có mức tăng đơn hàng từ nước ngoài cao thứ hai trong hơn 14 năm, do các đối tác tranh thủ đặt mua trước khi thuế tăng.
Ngược lại, Anh giảm xuất khẩu hàng hóa mạnh nhất trong top 10, theo sau là Canada. Xuất khẩu hàng hóa của Mỹ giảm mạnh nhất gần 2 năm.
Còn theo khảo sát của Reuters với 32 chuyên gia kinh tế, giá trị xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 4 được dự báo chỉ tăng 1,9% so với cùng kỳ 2024, giảm mạnh so với mức 12,4% của tháng 3. Số liệu xuất khẩu chính thức của nước này dự kiến công bố vào 9/5.
Phiên An (theo S&P, Reuters)