Trẻ TP HCM giảm sâu răng

Hơn 6.500 học sinh tiểu học tại TP HCM khám sức khỏe răng miệng, kết quả 40% bị sâu răng, giảm 24% so với lần khám đầu và 11% so với lần hai.


Ngày 8/5, Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng cho biết đây là kết quả thuộc thí điểm mô hình trường - trạm về nha học đường tại 7 trường ở quận 1, quận 5, quận 6 và huyện Cần Giờ, trước khi triển khai toàn thành phố. Chương trình khám, kiểm tra sức khỏe răng miệng, điều trị dự phòng đợt một thực hiện trong tháng 4, tháng 5 năm ngoái, tái khám đợt hai sau 6 tháng và đợt ba từ 12/3 đến 18/4.


Khảo sát tổng thể cho thấy tỷ lệ sâu răng chung giảm còn 40%. Trong đó, sâu răng sữa từ 49% còn 33%, sâu răng vĩnh viễn còn 8% và sâu răng cối vĩnh viễn chỉ còn 7%. Tỷ lệ viêm nướu cũng giảm xuống mức 10%, thay vì 45% như đợt đầu.


Theo ông Thượng, những con số này cho thấy hiệu quả rõ rệt của chương trình thí điểm trong phát hiện, theo dõi và điều trị kịp thời các vấn đề răng miệng cho học sinh. Trẻ mắc bệnh được báo cáo cho giáo viên, phụ huynh để đưa đi điều trị, đồng thời thực hiện các biện pháp phòng ngừa như bôi vecni fluor cho 100% học sinh được khám và trám bít hố rãnh cho các em có nguy cơ cao.


Đây là mô hình thí điểm trong khuôn khổ Đề án nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe răng miệng giai đoạn 2021-2030 của Bộ Y tế. Đề án nhằm cải thiện sức khỏe răng miệng cho học sinh thông qua khám, tư vấn, điều trị ngay tại trường, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho phụ huynh và giảm gánh nặng hệ thống y tế. Mô hình này còn giúp thu thập dữ liệu toàn diện về tình trạng răng miệng trẻ em, góp phần nâng cao năng lực chuyên môn cho y tế cơ sở.


Từ kết quả sau ba đợt thí điểm, Sở Y tế sẽ xây dựng kế hoạch nhân rộng mô hình trường - trạm trong năm học 2025-2026 và các năm tiếp theo.


Các thống kê ở Việt Nam ghi nhận tỷ lệ sâu răng ở trẻ em hơn 86%, tức hầu như trẻ nào cũng gặp tình trạng này, trong đó tỷ lệ sâu ở răng vĩnh viễn rất cao. Trẻ bị sâu răng nhiều hơn người lớn do ý thức chăm sóc, bảo vệ răng chưa cao. Trẻ ăn vặt nhiều, thiếu vệ sinh răng miệng, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, mảng bám thức ăn gây sâu răng. Hơn nữa, răng trẻ em cũng chưa cứng, chắc như người trưởng thành, dễ bị tổn thương hơn.


Sâu răng ở trẻ không điều trị kịp thời dễ viêm tủy răng, hoại tử tủy. Tình trạng này còn gây các vấn đề như viêm xoang hàm, viêm hạch, viêm tủy xương... Sâu răng gây ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày của trẻ trong việc ăn uống, giấc ngủ, tinh thần học tập. Riêng với trẻ bị sâu răng sữa, nếu không điều trị kịp thời sẽ mất răng sữa sớm, dẫn đến lệch lạc răng, ảnh hưởng quá trình mọc răng vĩnh viễn.


Lê Phương









Tre TP HCM giam sau rang


Hon 6.500 hoc sinh tieu hoc tai TP HCM kham suc khoe rang mieng, ket qua 40% bi sau rang, giam 24% so voi lan kham dau va 11% so voi lan hai.

Trẻ TP HCM giảm sâu răng

Hơn 6.500 học sinh tiểu học tại TP HCM khám sức khỏe răng miệng, kết quả 40% bị sâu răng, giảm 24% so với lần khám đầu và 11% so với lần hai.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá