Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ban hành chỉ thị về các nhiệm vụ cấp bách nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, trong đó yêu cầu Hà Nội triển khai các giải pháp để từ ngày 1/7/2026 không còn xe máy dùng xăng lưu thông trong khu vực Vành đai 1.
Chỉ đạo của Thủ tướng đánh dấu bước đi quan trọng trong quá trình chuyển đổi xanh, nhằm giảm khí thải, thúc đẩy sử dụng giao thông công cộng và nâng cao chất lượng không khí tại các đô thị.
Cần mạnh dạn triển khai đi kèm các chính sách hỗ trợ
Việc hạn chế xe máy truyền thống không chỉ là biện pháp quản lý đô thị mà còn mở đường cho quá trình chuyển đổi sang phương tiện sạch, giảm thiểu phát thải khí nhà kính.
Thế nhưng, trong bối cảnh xe máy vẫn là phương tiện cá nhân đi lại chủ yếu của người dân, việc thí điểm vẫn còn những ý kiến nhiều chiều.
Những người ủng hộ cấm xe máy chạy xăng cho rằng đây là bước đi tất yếu trong lộ trình chuyển đổi xanh, giúp giảm ô nhiễm không khí, giảm ùn tắc giao thông và khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng. Nếu việc này được triển khai đồng bộ với mạng lưới buýt điện, metro, xe đạp công cộng… sẽ tạo ra chuyển biến rõ rệt về chất lượng sống đô thị.
Xe máy vẫn là phương tiện đi lại phổ biến của người dân nội thành Hà Nội. Ảnh: Vũ Điệp
Ở chiều ngược lại, có những người lo ngại việc cấm xe máy chạy xăng quá sớm, khi hạ tầng giao thông công cộng chưa đáp ứng, có thể gây xáo trộn sinh hoạt, ảnh hưởng lớn đến người lao động và người thu nhập thấp vốn phụ thuộc nhiều vào xe máy để mưu sinh.
Tuy nhiên, nếu không mạnh dạn thí điểm và chuyển đổi, Hà Nội sẽ tiếp tục đối mặt với ô nhiễm không khí nghiêm trọng, ùn tắc triền miên và một đô thị phụ thuộc quá lớn vào xe máy.
Việc cấm xe máy chạy xăng vào khu vực Vành đai 1 Hà Nội là việc cần triển khai sớm. Tuy nhiên, để chủ trương sớm thành hiện thực, với sự ủng hộ từ hầu hết người dân, Hà Nội cần đi kèm các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ.
Trước hết, Hà Nội cần xây dựng cơ chế hỗ trợ đổi xe xăng cũ lấy xe điện với giá ưu đãi, đặc biệt với người thu nhập thấp.
Bên cạnh đó, thành phố cần cho triển khai đồng bộ hệ thống trạm sạc công cộng, tích hợp tại các bến bãi đỗ xe, khu dân cư, trường học, trung tâm thương mại… là điều kiện bắt buộc để xe điện có thể hoạt động hiệu quả.
Ngoài ra, thành phố nên đầu tư mở rộng mạng lưới xe đạp, xe đạp điện chia sẻ và thiết lập các tuyến kết nối thuận tiện với xe buýt điện, metro nhằm tạo chuỗi di chuyển linh hoạt, thuận tiện cho người dân.
Khi có hạ tầng đủ tốt và chi phí sử dụng hợp lý, việc người dân từ bỏ xe xăng sẽ không còn là điều xa vời, mà trở thành xu hướng tất yếu trong hành trình hướng tới một Thủ đô xanh, sạch và bền vững.
Miễn phí xe buýt, tạo thói quen sử dụng giao thông công cộng
Để hạn chế xe máy chạy xăng và tiến tới mục tiêu giảm dần số lượng xe máy trong nội đô, yếu tố quan trọng vẫn là phát triển đồng bộ hệ thống giao thông công cộng theo hướng chuyển đổi xanh. Trong đó, xe buýt điện đóng vai trò nòng cốt trong việc thay thế phương tiện cá nhân khi đường sắt đô thị còn hạn chế.
Để khuyến khích người dân thực sự chuyển đổi hành vi từ sử dụng phương tiện cá nhân sang giao thông công cộng, Hà Nội nên triển khai chính sách miễn phí đi xe buýt trong giai đoạn đầu thí điểm cấm xe máy chạy xăng. Đây là một giải pháp tiếp cận mềm, không tạo áp lực ngay lập tức cho người dân, đồng thời tạo điều kiện để họ trải nghiệm, cảm nhận sự tiện lợi, thân thiện của xe buýt – đặc biệt là các tuyến buýt điện đang được triển khai ngày càng nhiều.
Việc miễn phí không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp về chi phí đi lại, mà còn giúp hình thành thói quen mới, thay thế dần nhu cầu sử dụng xe máy cá nhân trong những quãng đường ngắn, nhất là ở khu vực nội đô. Khi người dân thấy rõ được lợi ích từ việc sử dụng phương tiện công cộng (không khói bụi, không lo tìm chỗ gửi xe, chi phí thấp, thời gian di chuyển hợp lý) họ sẽ có xu hướng gắn bó lâu dài hơn với loại hình này.
Tuy nhiên, miễn phí đi xe buýt cần đi kèm với những giải pháp đồng bộ như tăng số lượng tuyến buýt điện, nâng cao chất lượng phục vụ, tăng tần suất các khung giờ cao điểm và tối ưu hóa kết nối giữa các tuyến buýt, metro, xe đạp công cộng.
Chỉ khi giao thông công cộng đủ thuận tiện, sạch sẽ và dễ tiếp cận, người dân mới thực sự cảm thấy yên tâm để từ bỏ phương tiện cá nhân. Đây là yếu tố then chốt giúp chính sách chuyển đổi xanh của Hà Nội đi vào thực chất, hiệu quả.

Cấm xe máy chạy xăng vào Vành đai 1: 'Cần bàn làm, không bàn lùi'
Nhiều người dân ủng hộ đề xuất cấm xe máy chạy xăng vào Vành đai 1, coi đây là bước đi cần thiết để giảm ùn tắc, ô nhiễm, hướng Hà Nội thành đô thị xanh, văn minh tuy nhiên cũng không ít bạn đọc VietNamNet bày tỏ tâm tư.
Toàn cảnh Vành đai 1 ở Hà Nội: Tuyến đường sẽ cấm xe máy xăng từ tháng 7/2026
Đường Vành đai 1 là nút thắt quan trọng trong giao thông nội đô Hà Nội, có ý nghĩa lớn trong việc giảm tắc nghẽn, bảo tồn di sản và hiện đại hóa hạ tầng.