Ban Bí thư sẽ làm việc với các tỉnh thành về nhân sự sau sáp nhập

Thường trực Ban Bí thư sẽ chủ trì làm việc với các tỉnh ủy, thành ủy để thông báo chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về dự kiến nhân sự chủ chốt các địa phương sau sáp nhập.


Theo thông báo kết luận ngày 4/5 của Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã giao Ban Tổ chức Trung ương tham mưu danh sách các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư được phân công theo dõi tiến độ sáp nhập các địa phương. Từ đó, Thường trực Ban Bí thư sẽ làm việc trực tiếp với lãnh đạo các tỉnh, thành để thông báo phương án của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về nhân sự chủ chốt sau sáp nhập.


Các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo phân công sẽ chỉ đạo sát sao quá trình hợp nhất ở địa phương, đảm bảo thống nhất nguyên tắc, mục tiêu, yêu cầu trong bố trí, sử dụng cán bộ, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh. Công tác sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức sẽ được thực hiện theo hướng minh bạch, hợp lý, đi đôi với đảm bảo chế độ chính sách, tạo sự đồng thuận, đoàn kết, hạn chế khiếu kiện, tâm tư trong cán bộ, đảng viên.


Bộ Chính trị cũng yêu cầu Đảng ủy Chính phủ và Đảng ủy Quốc hội tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện các quy định pháp lý, sửa đổi Hiến pháp và các luật liên quan để triển khai hiệu quả mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Đồng thời, các cơ quan thực hiện nghiêm kết luận của Bộ Chính trị về phân cấp, phân quyền từ Trung ương đến địa phương.


Đảng ủy Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính được giao sớm hoàn tất thủ tục, bố trí kinh phí để kịp thời chi trả chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy.


Các cấp ủy, cơ quan, đơn vị trung ương và địa phương cũng được yêu cầu tập trung chỉ đạo tổ chức đại hội đảng bộ các cấp đúng tiến độ, đặc biệt chú trọng xây dựng văn kiện và nhân sự tại những địa phương có sáp nhập.


Song song với công tác tổ chức bộ máy, Bộ Chính trị và Ban Bí thư nhấn mạnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế, khoa học công nghệ, chăm lo đời sống nhân dân, với tinh thần "không để chậm trễ bất cứ công việc nào".


Theo dự thảo sửa đổi Hiến pháp đang được lấy ý kiến nhân dân, Thủ tướng có thể chỉ định chủ tịch, phó chủ tịch UBND của các tỉnh, thành phố; Thường trực HĐND cấp tỉnh chỉ định ủy viên UBND của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hình thành sau sắp xếp và chỉ định chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, trưởng các ban của HĐND, chủ tịch, phó chủ tịch UBND của đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp.


Toàn quốc hiện có 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 696 quận, huyện. Trung ương thống nhất số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương); xóa bỏ cấp huyện; và giảm từ 10.035 còn hơn 3.320 đơn vị hành chính cấp xã.


Vũ Tuân









Ban Bi thu se lam viec voi cac tinh thanh ve nhan su sau sap nhap


Thuong truc Ban Bi thu se chu tri lam viec voi cac tinh uy, thanh uy de thong bao chu truong cua Bo Chinh tri, Ban Bi thu ve du kien nhan su chu chot cac dia phuong sau sap nhap.

Ban Bí thư sẽ làm việc với các tỉnh thành về nhân sự sau sáp nhập

Thường trực Ban Bí thư sẽ chủ trì làm việc với các tỉnh ủy, thành ủy để thông báo chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về dự kiến nhân sự chủ chốt các địa phương sau sáp nhập.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá