Các nhà làm Luật Bóng đá đang cân nhắc mở rộng quyền hạn của Trợ lý Trọng tài Video (VAR), gồm cả các tình huống phạt góc và rút thẻ vàng thứ hai của trọng tài chính trước thềm World Cup 2026. IFAB cũng có thể xem xét thay đổi cả luật phạt đền, theo đó một tình huống phạt đền sẽ được coi là kết thúc hoàn toàn nếu thủ môn cản phá được cú sút, và bàn thắng sẽ không thể được ghi từ pha bóng tiếp theo.
Những thảo luận này đã diễn ra một thời gian, nhưng cần được thông qua tại cuộc họp đại hội đồng của IFAB vào tháng 3/2026. Một khi phê chuẩn, luật mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1/6 cùng năm, kịp cho World Cup 2026 tổ chức ở Bắc Mỹ.
Theo The Times (Anh), ý tưởng cho phép VAR can thiệp vào các quyết định dựa trên thực tế, ví dụ như sửa sai khi một quả phạt góc được trao nhầm trong trường hợp bóng chạm cầu thủ đội tấn công thay vì cầu thủ đội phòng ngự, đang nhận được nhiều ủng hộ.
Tuy nhiên, việc cho phép VAR can thiệp vào việc rút thẻ vàng thứ hai của trọng tài chính lại gây tranh cãi, vì đây thường là quyết định chủ quan. Với các tình huống rút thẻ, IFAB trước nay luôn rất thận trọng cho phép mở rộng quyền hạn của VAR. Những người ủng hộ thay đổi thì cho rằng việc rút thẻ vàng thứ hai – tương đương thẻ đỏ – thường ảnh hưởng lớn đến trận đấu, vậy nên VAR cần can thiệp.
Dù thế nào, IFAB vẫn muốn đảm bảo VAR sẽ không làm tăng thời gian trì hoãn trong trận đấu và các quyết định phải được đưa ra trong vài giây.
Trong khi, ý tưởng thay đổi luật phạt đền còn triệt để hơn: Người sút penalty hoặc đồng đội của người này sẽ không có cơ hội thứ hai nếu thủ môn cản phá được cú sút. Quan điểm ủng hộ cho rằng đội được hưởng penalty vốn đã có nhiều lợi thế, và thay đổi này còn giúp tránh hành vi xâm nhập vùng cấm địa trước khi cú sút được thực hiện.
The Times bình luận thêm rằng IFAB thường là một cơ quan bảo thủ, luôn cố gắng tránh những thay đổi luật dẫn đến hậu quả ngoài ý muốn, nhưng gần đây họ đã cho thấy sự cởi mở với các quyết định quan trọng, đặc biệt là với VAR.
Bất kỳ thay đổi nào trong luật liên quan tới VAR sẽ không cần thử nghiệm trước, nhưng thay đổi về luật phạt đền nếu được thông qua sẽ cần được thử nghiệm dài hạn.
Quy trình thông thường cho việc thay đổi luật là các đề xuất sẽ được đưa ra tại cuộc họp thường niên của IFAB vào tháng 11, sau đó được bỏ phiếu tại đại hội đồng vào tháng 3 năm sau. Ngoại lệ là năm nay, vì FIFA tổ chức Club World Cup, nên đại hội đồng IFAB đã chấp thuận đề xuất đổi luật, với việc thủ môn sẽ bị phạt một quả phạt góc thay vì đá phạt gián tiếp nếu giữ bóng quá 8 giây.
IFAB gồm Liên đoàn Bóng đá Anh, Scotland, Bắc Ireland và Wales, mỗi liên đoàn có một phiếu bầu, và FIFA có sẵn bốn phiếu bầu. Bất kỳ thay đổi nào đối với Luật Bóng đá đều cần ít nhất 6/9 phiếu thuận để được thông qua.
Phương Hà (theo The Times)