Ngày 15/7, BSCKII Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho hay, hè năm nay, bệnh viện liên tục tiếp nhận các trường hợp trẻ em bị động vật tấn công, phải đi cấp cứu.
Trường hợp đầu tiên là một bé trai tên H.T.K. (5 tuổi) bị chó tấn công khi đang chơi với bạn.
Trước thời điểm nhập viện 10 phút, bé K. chơi đùa với các trẻ khác trong sân nhà, không biết con chó đang ngủ trong hốc tủ gần đó. Chú chó tưởng bị tấn công nên vùng dậy cắn bé ở vùng mắt và má phải. Vết thương phức tạp, chảy máu nhiều, trẻ được người nhà đưa vào Bệnh viện Nhi đồng Thành phố ngay sau đó.
Tại thời điểm nhập viện, các bác sĩ ghi nhận bé K. có vết thương phức tạp vùng mặt phải gồm 10 vết đứt sâu. Đặc biệt, vết rách phạm vào mi mắt dưới phải đang rỉ ít máu. Bé được chẩn đoán bị thương phức tạp vùng đầu mặt cổ do chó cắn.

Trẻ được cầm máu, tiêm huyết thanh và vaccine kháng dại, kháng uốn ván, kháng sinh, giảm đau, rửa vết thương, khâu vết thương ngắt quãng khoảng 20 mũi khâu. Sau 4 ngày điều trị, tình trạng trẻ cải thiện dần, bé K. được tiếp tục liệu trình tiêm vaccine ngừa dại.
Qua trường hợp này, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến khuyến cáo, phụ huynh giáo dục trẻ không chơi đùa giỡn trước mắt chó, không chọc chó… để tránh bị chó tấn công.
Điều này không chỉ gây tổn thương thân thể mà còn có thể lây truyền bệnh dại với tỷ lệ tử vong lên tới 100%. Lúc này, phụ huynh phải đưa trẻ đến cơ sở y tế để trẻ được chăm sóc vết thương và được hướng dẫn tiêm phòng dại.
Trường hợp khác là một bé trai tên Đ.Q.H. (6 tuổi, ngụ Cà Mau) bị rắn cắn khi đang chơi với bạn.
Khai thác bệnh sử, cách nhập viện 4 giờ, trẻ chạy qua nhà hàng xóm chơi cầu tuột, trên đường đi qua, trẻ bị rắn lục đuôi đỏ rơi từ giàn mướp phía trên xuống, cắn vào ngón chân cái bên trái, gây đau và chảy máu.

Ngay lập tức, người nhà cầm máu cho bé H., bắt rắn và tức tốc đưa trẻ đến bệnh viện địa phương, sơ cứu cầm máu, truyền dịch rồi chuyển Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Tại đây, các bác sĩ ghi nhận con rắn cắn bé là rắn lục đuôi đỏ. Trong khi đó, trẻ sưng bầm ngón cái, bàn cổ chân trái; chảy máu thấm gạc; lừ đừ; kết quả xét nghiệm có biểu hiện rối loạn đông máu nặng.
Bệnh nhi được truyền huyết thanh kháng nọc rắn lục nhưng không đáp ứng sau 6 giờ nên được truyền tiếp lần 2. Sau 12 giờ, trẻ hết chảy máu, vết thương rắn cắn bớt sưng bầm.
Từ trường hợp này, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến khuyến cáo, vào mùa mưa, phụ huynh cần phát quang xung quanh nhà tránh cho rắn, ong, côn trùng vào nhà tấn công trẻ.
Ngoài ra, trẻ em cũng được giáo dục không được đi lại dưới ruộng cỏ lùm cây để tránh dễ bị rắn độc tấn công.
Ngoài ra, mọi người cần mang giày ủng khi lao động, làm việc vùng đồng cỏ, ruộng vườn, tránh đi chân đất, tránh trèo cây vì cũng có thể bị rắn lục cắn hoặc nguy cơ té ngã cao.