ThS.BS.CKII Huỳnh Hoàng Khang, Trưởng khoa Ngoại tim mạch, Trung tâm Tim mạch Can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, chẩn đoán bệnh nhân bị hẹp khít van hai lá, hẹp và hở van động mạch chủ, hở van ba lá nặng. Bệnh biến chứng dẫn tới tăng áp phổi, hai buồng thất và buồng nhĩ giãn lớn khiến tim to gấp đôi bình thường. Chức năng co bóp tim giảm nặng (EF còn 35%), bệnh nhân còn bị suy thận giai đoạn 3B.
Hẹp van hai lá là tình trạng van tim hai lá không thể mở hoàn toàn để máu đổ từ tâm nhĩ trái xuống tâm thất trái. Lượng máu ứ lại tâm nhĩ trái làm tăng áp lực và khiến máu ứ ở phổi gây mệt, khó thở. Nếu không điều trị sớm, bệnh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như tăng áp phổi, suy tim, rung nhĩ, đột quỵ...
Theo bác sĩ Khang, nếu anh Huệ phẫu thuật khi phát hiện bệnh vào 17 năm trước thì chỉ cần sửa hoặc thay van hai lá, các van tim còn lại không bị hư hỏng. Nay bệnh tiến triển, anh phải trải qua ca mổ phức tạp để sửa chữa và thay các lá van. Nếu không chữa trị, một thời gian nữa chức năng co bóp tim kém đi có thể gây suy tim toàn bộ, đồng thời tăng áp phổi nặng hơn dẫn đến phù phổi, khó thở song lúc này không thể can thiệp ngoại khoa được nữa.
Êkíp phẫu thuật thay van hai lá và van động mạch chủ, sửa van ba lá cho người bệnh. Anh Huệ bị suy thận, phải chạy máy tuần hoàn ngoài cơ thể khi mổ có thể gây suy tim, suy thận cấp khi mổ. Để giảm rủi ro, các bác sĩ hồi sức tích cực, đặt bóng đối xung, lọc thận liên tục. Sau hai ngày chức năng tim thận ổn định, anh được ngưng bóng đối xung, ngưng chạy thận.
Sức khỏe anh Huệ cải thiện dần, chức năng co bóp tim tăng lên 56% tương đương người bình thường, các buồng tim có khả năng thu nhỏ dần. Anh xuất viện 10 ngày, không phải chạy thận định kỳ.
Hẹp van hai lá ở những giai đoạn đầu không có dấu hiệu rõ rệt. Bệnh tiến triển chậm trong nhiều năm, người bệnh thường tình cờ phát hiện khi siêu âm tim. Bệnh diễn tiến nặng dần sẽ có triệu chứng khó thở khi gắng sức hoặc khó thở kịch phát về đêm, mệt mỏi, dễ cảm thấy đuối sức khi hoạt động gắng sức như chạy bộ, leo cầu thang, phù chân, hồi hộp, tim đập nhanh, chóng mặt hoặc ngất, ho ra máu, đau và khó chịu vùng ngực.
Sau khi thay van mới, người bệnh cần theo dõi tái khám định kỳ, theo dõi hoạt động của van nhân tạo. Người bệnh cần hạn chế thức ăn, nước uống nhiều muối, duy trì cân nặng, cố gắng giảm cân nếu bị béo phì, không uống rượu hay hút thuốc lá, hạn chế tiêu thụ cafein vì làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim, giảm các hoạt động gắng sức, tập thể dục đều đặn. Uống thuốc và tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ. Phụ nữ ở lứa tuổi sinh sản nếu mắc bệnh hẹp van hai lá nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi có thai.
Thu Hà
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |