Ngày 3/7, Bộ Thương mại Mỹ thông báo trong tháng 5, tổng kim ngạch xuất khẩu (hàng hóa, dịch vụ) của nước này hạ 4% so với tháng trước đó, còn 279 tỷ USD. Ngược lại, tổng kim ngạch nhập khẩu hạ 0,1% về 350,5 tỷ USD. Việc này khiến thâm hụt thương mại của Mỹ tăng 18,7% lên 71,5 tỷ USD. Trong tháng 4, số liệu này từng giảm mạnh về 60,3 tỷ USD, do làn sóng nhập khẩu sớm để né thuế.
Riêng với hàng hóa, xuất khẩu sụt về 180,2 tỷ USD, do nhóm nguyên vật liệu và nguồn cung cho công nghiệp. Nhập khẩu hàng hóa giảm còn 277,7 tỷ USD, khiến thâm hụt tăng 13% lên 97,5 tỷ USD.
Xuất nhập khẩu dịch vụ cũng giảm, còn lần lượt 98,8 tỷ USD và 72,8 tỷ USD, chủ yếu do dịch vụ du lịch và vận tải đi xuống.
Washing cũng giảm mua hàng tiêu dùng trong tháng 5, phần lớn là dệt may, đồ gia dụng, thể thao...
Trước đó trong quý I, thâm hụt thương mại khiến GDP Mỹ giảm 0,5%. Kinh tế Mỹ được kỳ vọng tăng trưởng trở lại vào quý II, dù đóng góp từ thương mại có thể chịu tác động phần nào từ tiêu dùng yếu.
Đầu năm nay, chính sách thuế nhập khẩu chưa từng có tiền lệ của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã buộc nhiều doanh nghiệp và hộ gia đình mua trước hàng hóa để né thuế. Ngày 2/4, Tổng thống Mỹ công bố áp thuế đối ứng với toàn bộ đối tác thương mại, 10-50%. Một tuần sau, ông thông báo hoãn áp thuế ở mức cao, tạm thời mức 10% trong 90 ngày, để các nước có thời gian đàm phán với Mỹ.
Dù vậy, giới chuyên gia cho rằng xu hướng nhập khẩu sớm có thể chưa chấm dứt. Một số doanh nghiệp vẫn tranh thủ đặt hàng do chưa rõ điều gì sẽ xảy ra sau giai đoạn hoãn thuế.
Đến nay, Mỹ mới đạt thỏa thuận với Anh và Việt Nam, đồng thời thống nhất tạm giảm thuế với Trung Quốc. Thỏa thuận với Ấn Độ, vốn được kỳ vọng lớn, vẫn chưa hoàn thành. Các nhà đàm phán châu Âu hôm 4/7 cho biết chưa đạt đột phá trong cuộc thảo luận với chính quyền Trump. Đàm phán với Nhật Bản cũng đang gặp bế tắc.
Hà Thu (theo Reuters)