Tài xế xe ôm `bán mạng`

Suốt 5 năm qua, Hùng, 38 tuổi, gần như không có ngày nghỉ. Anh bắt đầu ca làm từ lúc bình minh đến tận khuya, có ngày kéo dài 18 tiếng.


Ban đầu, Hùng, ở Thanh Trì (Hà Nội), chỉ chạy xe ôm "tranh thủ" ngoài giờ làm văn phòng để trang trải chi phí sinh hoạt. Áp lực tiền thuê nhà và nuôi con ngày một tăng, anh buộc phải gác lại công việc văn phòng ít ỏi để lao vào chạy xe toàn thời gian, bình quân 14 tiếng mỗi ngày, những hôm cao điểm từ 5 giờ sáng đến 11 giờ đêm.


Áp lực cơm áo khiến Hùng bị thiếu ngủ trầm trọng, mỗi ngày chỉ chợp mắt 4-5 tiếng. Dù mọi người liên tục cảnh báo về sức khỏe, anh vẫn chủ quan: "Ngủ thế là đủ, miễn có tiền là được". Gần đây, sức khỏe của Hùng bắt đầu báo động với các cơn đau cổ vai gáy, tê bì hai tay, đặc biệt sau các cuốc xe kéo dài trên ba tiếng. Dịp nghỉ lễ 30/4, trong một chuyến chạy xe, Hùng loạng choạng, suýt gục xuống giữa đường vì kiệt sức và tụt huyết áp. Khi nhập viện, anh được chẩn đoán thoái hóa đốt sống cổ, viêm dạ dày, rối loạn tiền đình và thiếu máu não vì ngồi lâu, ít vận động.


Bác sĩ Ngô Quảng Hải, nguyên Phó giám đốc Trung tâm đào tạo và chỉ đạo tuyến (Bệnh viện Châm cứu Trung ương), cho biết sau khi điều trị, Hùng buộc phải giảm giờ làm, chú trọng nghỉ ngơi, dinh dưỡng và tập luyện nhẹ nhàng để phục hồi chức năng cơ xương khớp.


Tương tự, Định, 42 tuổi, ở Gia Lâm, suốt 4 năm chạy xe công nghệ, luôn tự nhủ phải "tỉnh táo chiến đấu", song cơ thể ngày càng suy kiệt. Anh liên tục làm việc 18 tiếng mỗi ngày, khởi động từ 4 giờ sáng đến 10 giờ tối, nhiều khi ăn uống vội vã, bỏ lửng bữa trưa. Để bám trụ qua những đêm vắng, Định tiêu thụ 3-4 lon nước tăng lực kèm cà phê mỗi ngày, con số đó còn cao hơn vào những hôm nắng gắt.


Từ cuối năm ngoái, Định xuất hiện các dấu hiệu đánh trống ngực, hồi hộp về đêm, khó ngủ kéo dài, đau dạ dày dai dẳng. Khi nhập viện vì sốt cao và choáng váng, các bác sĩ xác định anh bị rối loạn nhịp tim do lạm dụng caffein và thức uống có đường, viêm loét dạ dày nặng kèm mất ngủ mạn tính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thần kinh.


Xe ôm hiện trở thành mắt xích quan trọng trong hệ thống giao thông của nhiều thành phố lớn châu Á, nơi nhiều tài xế làm việc kéo dài dưới điều kiện thời tiết khắc nghiệt và môi trường ô nhiễm. Tuy nhiên, các vấn đề sức khỏe của lực lượng lao động đặc thù này vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ.


Tháng 3/2021, một khảo sát thực hiện tại Hà Nội trên 549 tài xế xe ôm cho thấy, 22,6% tài xế bị mệt mỏi, 22% mắc chứng đau lưng dưới. Khảo sát này đăng trên Tạp chí Giao thông và Sức khỏe, phát hiện yếu tố thừa cân, uống rượu, số giờ lái xe dài liên quan trực tiếp đến nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe. Các tác giả nhấn mạnh sự cần thiết phải áp dụng kiểm tra sức khỏe bắt buộc đối với tài xế xe ôm để giảm nguy cơ bệnh tật cũng như tai nạn giao thông.


Một công trình khác đăng vào tháng 6/2024, thực hiện trên nhóm tài xế xe ôm hoạt động ở khu vực Bangkok và các tỉnh lân cận, nơi ô nhiễm không khí ở mức báo động do bụi mịn và khói xe, cho thấy sự suy giảm rõ rệt các thông số chức năng phổi so với nhóm đối chứng. Họ thường xuyên tiếp xúc với bụi hô hấp (PM2.5, PM10) trong suốt nhiều giờ mỗi ngày, đặc biệt vào giờ cao điểm và trên các tuyến đường có mật độ giao thông lớn. Hệ quả, tỷ lệ mắc các triệu chứng về hô hấp như ho, khó thở, khò khè, viêm họng, tức ngực cao của nhóm này cũng cao hơn, kéo theo nguy cơ mắc các bệnh lý hô hấp mãn tính như viêm phế quản mạn, hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)....


Theo nghiên cứu của NIH, tài xế thường xuyên hít phải các chất độc hại như oxide nitơ, carbon monoxide, sulfur dioxide, chất hữu cơ dễ bay hơi và hạt bụi mịn – tất cả đều tác động tiêu cực đến chức năng phổi, làm tăng rủi ro bệnh lý hô hấp.


Cùng quan điểm, bác sĩ Hải nhận định nhóm tài xế công nghệ là đối tượng đặc biệt dễ gặp vấn đề cơ xương khớp do phải ngồi lâu, vận động sai tư thế kéo dài dẫn đến đau lưng, cổ, vai, gáy. Cầm lái lâu còn dễ gây mỏi cơ, viêm khớp cổ tay, khớp vai. Việc tập trung cao độ và giữ nguyên tư thế trong thời gian dài làm cản trở lưu thông máu tới vùng cổ vai gáy, lâu dài gây xơ hóa, co cứng, đau, thậm chí gây tổn thương đĩa đệm cột sống cổ. Khi bị tổn thương, người bệnh không chỉ đau mỏi, mà đôi khi còn nghe tiếng "rắc" ở cổ, cảm giác tê lan xuống vai.


Từ góc nhìn y học cổ truyền, triệu chứng này phản ánh sự rối loạn khí huyết, tạng phủ và ảnh hưởng từ thời tiết, nhất là khi thường xuyên di chuyển ngoài trời, vào sáng sớm hoặc khuya muộn, dẫn đến tê buốt, co rút, đau nhức cơ xương.


Bác sĩ Lê Văn Thiệu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, phân tích thêm, làm việc ngoài trời còn khiến tài xế thường xuyên phơi nắng, dầm mưa, từ đó tăng nguy cơ cảm cúm, sốt, sốc nhiệt. Sốc nhiệt – trạng thái thân nhiệt tăng quá 40 độ C đi kèm rối loạn chức năng thần kinh, tuần hoàn, hô hấp – hoàn toàn có thể gây rối loạn ý thức, thậm chí hôn mê, nhất là trong mùa nóng đỉnh điểm. Không ít ca nhập viện vì sốc nhiệt nghiêm trọng đã ghi nhận tại các cơ sở y tế lớn, chỉ sau vài giờ phơi nắng.


Dưới ánh nắng gắt, tài xế còn đối diện nguy cơ mắc viêm da, dị ứng ánh nắng, bỏng nắng hoặc thậm chí ung thư da. Cộng với tình trạng ăn vội uống nhanh, sử dụng thực phẩm, nước giải khát không đảm bảo vệ sinh, họ dễ mắc viêm dạ dày, rối loạn tiêu hóa.


Việc lạm dụng đồ uống tăng lực, nhiều caffein, nhiều đường khiến cơ thể ngỡ như tỉnh táo, nhưng thực chất che mờ cảm giác mệt mỏi, lâu dần dẫn đến kiệt sức, rối loạn chuyển hóa, loạn nhịp tim, tổn thương gan thận.


Các chuyên gia khuyên tài xế cần giữ đúng tư thế khi lái xe, mỗi 1-2 tiếng nên dừng lại vươn vai, xoay cổ, xoay khớp cổ tay, cổ chân 10 vòng kèm hít thở chậm 5 lần để làm thông kinh lạc. Thực hiện các bài dưỡng sinh cổ truyền nhằm hỗ trợ điều khí huyết, mạnh cân cốt.


Mang khẩu trang lọc bụi, kính chắn gió, áo khoác chống nắng hoặc mưa để tránh tác động thời tiết. Trang bị mũ bảo hiểm chất lượng, găng tay, áo phản quang để đảm bảo an toàn giao thông.


Uống đủ nước, hạn chế nước tăng lực và đồ ngọt. Ăn đúng bữa, chọn thức ăn hợp vệ sinh, tránh đồ ăn nhanh liên tục. Sắp xếp thời gian ngủ đủ giấc, tránh chạy cuốc xuyên đêm kéo dài. Nên khám sức khỏe tổng quát 1-2 lần mỗi năm, nhất là mắt, tim mạch và cơ xương khớp, chú ý các dấu hiệu sớm của đau lưng, mất ngủ, stress để can thiệp kịp thời.


Mặt khác, giới chức cần quy định khám sức khỏe bắt buộc định kỳ đối với tài xế xe ôm, kết nối dữ liệu y tế với các hãng vận tải công nghệ để hỗ trợ theo dõi sức khỏe chủ động, phát hiện sớm các bệnh nghề nghiệp. Chính phủ và doanh nghiệp cũng nên hợp tác triển khai các chương trình tập huấn về an toàn lao động, trang bị miễn phí hoặc trợ giá các phương tiện bảo hộ cá nhân như khẩu trang, kính chống bụi, áo khoác chống nắng, đặc biệt ưu tiên nhóm tài xế hoạt động thường xuyên ở khu vực ô nhiễm cao.


Về lâu dài, thành phố cần mở rộng mảng xanh, tăng cường các khu vực nghỉ ngơi cho tài xế tại các bến đỗ, điểm giao thông quan trọng, tạo điều kiện cho họ hồi phục sức khỏe giữa các ca làm việc.


"Tất cả giải pháp này không chỉ giảm thiểu rủi ro bệnh tật mà còn nâng cao chất lượng dịch vụ và đảm bảo an ninh giao thông đô thị bền vững", ông Hải nhấn mạnh.


Thúy Quỳnh









Tai xe xe om 'ban mang'


Suot 5 nam qua, Hung, 38 tuoi, gan nhu khong co ngay nghi. Anh bat dau ca lam tu luc binh minh den tan khuya, co ngay keo dai 18 tieng.

Tài xế xe ôm 'bán mạng'

Suốt 5 năm qua, Hùng, 38 tuổi, gần như không có ngày nghỉ. Anh bắt đầu ca làm từ lúc bình minh đến tận khuya, có ngày kéo dài 18 tiếng.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá