BS.CKI Lê Thị Trúc Phương, Chuyên viên Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, giải thích như trên, thêm rằng đến nay khi phát bệnh dại, 100% người bệnh và động vật sẽ tử vong. "Cách phòng ngừa bệnh dại duy nhất hiện nay là tiêm vaccine dại ngay sau khi bị động vật cắn hoặc cào, kể cả vật nuôi, tiêm đủ liều và đúng lịch theo chỉ định của bác sĩ", bác sĩ Trúc Phương cho hay. Việt Nam hàng năm ghi nhận nhiều ca tử vong do bệnh dại, như hai tháng đầu năm nay có hơn 10 ca tử vong do dại và đều không tiêm vaccine sau khi bị chó cắn, cào.
Virus dại rất nhạy bén, theo bác sĩ Phương. Khi xâm nhập vào cơ thể người, virus dại nhân lên ở vị trí vết thương sau đó đi vào trong thần kinh cơ. Mầm bệnh tiếp tục theo dây thần kinh ngoại biên để tiến đến tủy sống và não bộ với tốc độ ước tính mỗi ngày 12-24 mm. Trong suốt quá trình này, virus dại hầu như không gây triệu chứng, không kích thích phản ứng viêm mạnh. Do đó, hệ miễn dịch không thể nhận diện và tiêu diệt kịp thời.
Một phần của virus dại có cấu trúc tương tự nọc độc của rắn hổ mang, tiết ra chất độc mạnh, gây ức chế các tế bào thần kinh não. Đồng thời, virus kích hoạt cơ chế ảnh hưởng tới hàng rào mạch máu não. Hàng rào này vốn có nhiệm vụ bảo vệ, ngăn các chất nguy hiểm tấn công não, nay bị virus ức chế, khóa chặt. Việc này dẫn đến nỗ lực dùng thuốc tiêu diệt virus dại bị vô hiệu hóa, khiến người bệnh tử vong.
Virus dại gây hai thể bệnh gồm dại hung dữ và dại thể liệt. Khoảng 80% người mắc thể dại hung dữ với các hành vi co thắt hầu họng, tăng động, ảo giác, sợ gió, sợ nước. Người bệnh tử vong sau vài ngày do ngừng tim và suy hô hấp. Còn thể dại liệt diễn tiến chậm hơn, người bệnh bị liệt dần các cơ bắt đầu từ vị trí vết thương và lan ra toàn thân, cuối cùng dẫn tới tử vong.
Thời gian ủ bệnh tùy thuộc vào vị trí, tình trạng, số lượng vết cắn, lượng virus đi vào cơ thể. Quá trình này càng ngắn nếu vết cắn càng sâu, nhiều vết cắn, chảy máu, gần khu vực thần kinh trung ương như vùng đầu mặt cổ, đầu các ngón tay, ngón chân.
Do đó, các khuyến cáo phòng chống bệnh dại hiện nay đều kêu gọi người dân tiêm phòng dại càng sớm càng tốt sau khi bị động vật cắn, đồng thời tiêm vaccine cho vật nuôi. Can thiệp sớm trước khi bệnh dại khởi phát và dự phòng bệnh trong cộng đồng giúp bảo vệ nhiều sinh mạng trước căn bệnh này.
Hiện, y học đã có vaccine, huyết thanh kháng dại hiệu quả. Vaccine dại có khả năng kích hoạt hệ thống miễn dịch và tạo ra các kháng thể nhận diện virus và tiêu diệt chúng, bảo vệ cơ thể.
Việt Nam có hai loại vaccine dại gồm Verorab (Pháp) và Abhayrab (Ấn Độ). Phác đồ tiêm gồm 5 mũi vào các ngày 0, 3, 7, 14, 28.
Người chưa bị cào, cắn hoặc có nguy cơ cao phơi nhiễm bệnh dại như bác sĩ thú y, nhân viên vườn thú, làm việc tại cơ sở chăm sóc thú cưng... nên tiêm vaccine để dự phòng. Phác đồ gồm ba mũi vaccine vào ngày 0, 7, 21 hoặc 28.
Người đã tiêm đủ phác đồ dự phòng trước phơi nhiễm hoặc đã tiêm đủ liều ở lần bị cắn trước đó, chỉ cần tiêm thêm hai mũi vaccine và không cần tiêm huyết thanh dù có vết thương nặng khi bị cào, cắn.
Ngoài vaccine, bác sĩ Phương khuyên khi bị chó mèo cắn, cào, liếm trên vết thương hở, cần rửa sạch vết thương dưới vòi nước chảy trong 15 phút. Sau đó, sát khuẩn bằng cồn 45-70 độ hoặc cồn iốt để làm giảm thiểu lượng virus dại tại vết cắn, chủng ngừa dại càng sớm càng tốt. Không điều trị bằng thuốc nam và các phương thuốc dân gian, gia truyền, làm chậm trễ cơ hội dự phòng dại.
Diệu Bình