Gia đình cho biết, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng bất thường như tức ngực, run tay chân, khó thở sau vài giờ uống rượu không rõ nguồn gốc. Ông được đưa đến Trung tâm Y tế thành phố Bắc Giang, sau đó chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh để cấp cứu.
Các bác sĩ Khoa Cấp cứu thăm khám, chỉ định dùng thuốc vận mạch, bù dịch và thực hiện xét nghiệm khí máu. Kết quả cho thấy tình trạng toan chuyển hóa nghiêm trọng do ngộ độc rượu, đe dọa tính mạng. Bệnh nhân tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường tuýp 2 và nghiện rượu lâu năm.
Bác sĩ chỉ định dùng thuốc vận mạch, bù dịch, điều trị nội khoa kết hợp lọc máu liên tục (CRRT) nhằm loại bỏ methanol và các chất chuyển hóa độc hại ra khỏi cơ thể.
Lọc máu liên tục là phương pháp điều trị hiện đại trong hồi sức cấp cứu, cứu sống nhiều bệnh nhân nặng, đặc biệt là các trường hợp sốc nhiễm khuẩn và suy đa tạng. Bệnh nhân được lọc máu càng sớm thì có tỷ lệ sống càng cao. Thống kê cho thấy kỹ thuật lọc máu liên tục giúp cứu sống thêm 20-50% ca nặng, giảm thời gian thở máy, nằm viện.
Sau 24 giờ lọc máu, bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, tự thở, không còn nhìn mờ, các chỉ số toan kiềm và sinh hóa trở về gần mức bình thường.
Ngày 9/5, sau 5 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã ổn định hoàn toàn, dự kiến sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.
BS.CKI Thái Văn Tiệp, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang cho biết đơn vị tiếp nhận nhiều trường hợp ngộ độc methanol với mức độ từ nhẹ đến rất nặng. Nhiều bệnh nhân nhập viện muộn đã không qua khỏi do toan chuyển hóa quá nặng, tổn thương não, tổn thương đa cơ quan không hồi phục.
"Trường hợp trên may mắn được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, đặc biệt là sử dụng kỹ thuật lọc máu hiện đại trong hồi sức chống độc nên hồi phục", bác sĩ nói.
Bác sĩ khuyến cáo người dân tuyệt đối không nên sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, đặc biệt là rượu pha chế thủ công hoặc tự nấu. Methanol là chất cực độc, chỉ cần một lượng nhỏ cũng có thể gây tổn thương não, mù vĩnh viễn, suy đa tạng, thậm chí tử vong.
Trường hợp ngộ độc methanol, khi mới uống thường có biểu hiện loạng choạng, hoa mắt giống hệt cảm giác say rượu khiến nhiều người lầm tưởng là say. Sau 1-2 ngày, chất độc bắt đầu chuyển hóa, bệnh nhân mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh do rối loạn axit máu, co giật, hôn mê. Các biểu hiện khác là da, môi, móng tay tím tái hoặc nhợt, lạnh; đại tiện, tiểu tiện ra quần, đái ít (lượng nước tiểu ít hơn bình thường), nhìn mờ, rối loạn cảm nhận về màu sắc, nôn nhiều.
Thùy An