Sài Gòn ngày 30/4/1975 trong hồi ức bác sĩ

Đọc những dòng hồi ký 50 năm trước, GS.TS.BS Trần Tịnh Hiền, 75 tuổi, như sống lại trong sự "yên tĩnh lạ lùng đến không ngủ được" của đêm 30/4/1975.


"Tôi may mắn sống trong sự yên tĩnh lạ lùng đến không ngủ được khi ngả lưng trong phòng nội trú bệnh viện đêm 30/4 giải phóng", bác sĩ Hiền, nguyên phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, nhớ lại. Không khí vắng lặng này đã "để lại hồi ức sâu sắc", bởi từ lúc ông còn nhỏ đến khi ấy, đêm nào cũng có tiếng súng, tiếng gầm rú của phi cơ.


Trong ký ức bác sĩ Hiền, sáng 29/4/1975 các thông tin về chiến sự lan khắp nơi. Quân giải phóng sắp tiến vào Sài Gòn. Ông Hiền, khi ấy là bác sĩ thực tập nội trú tại Bệnh viện Chợ Quán (nay là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM - bệnh viện lâu đời nhất Việt Nam) đến gặp bác sĩ Huỳnh Ngọc Xuân phụ trách Bộ môn Nội khoa, được dặn dò "các bác sĩ nội trú còn ở lại thì vẫn khám cho bệnh nhân như thường". Buổi trình bệnh (họp giao ban) buổi sáng chấm dứt chỉ sau 5-10 phút thay vì 60-90 phút như bình thường, mọi người lo lắng chộn rộn.


Tối hôm trước, bác sĩ Hiền nằm trong khu nội trú bệnh viện, nghe những âm thanh hỗn độn của pháo kích dội lại từng lúc. Khoảng 6h ngày 29/4/1975, đứng trên cầu thang lộ thiên, ông thấy hai chiếc máy bay Skyraider nhào lộn thả bom ở hướng Phú Lâm - phía Nam Sài Gòn. Một vệt sáng từ dưới vút lên, chiếc phi cơ còn đang lấy độ cao thì bị trúng đạn vào đuôi, nổ tung. Không thấy dù của phi công bung ra. Chiếc thứ hai nhào xuống, tiếng bom lục bục vọng về lẫn khói đen bốc lên. Đột nhiên, một chiếc C119 bay thấp bên kia sông Hàm Tử kéo theo một vệt khói đen rồi mấy phút sau ông Hiền thấy đám khói lớn vươn lên phía quận 6 và một tiếng nổ lớn.


Ngày hôm ấy, chỉ có vài người trong tổng số 14 bác sĩ nội trú vào viện làm việc. Bác sĩ Hiền khám bệnh nhân xong, cùng một người bạn nhỏ hơn hai khóa lên nhà dì ở Phú Nhuận để bạn đổi tiền. Ngoài đường, xe cộ hối hả ngược xuôi chở theo nhiều trẻ em và phụ nữ. Mấy chiếc trực thăng sơn chữ ICCS (The International Commission of Control and Supervision - Ủy ban Kiểm soát và Giám sát việc thi hành Hiệp định Paris) quần trên một số nóc nhà.


"Đến nhà, dì tôi bảo cả nhà đi ra bến tàu, tôi sang nhà bạn gái hy vọng có thể đổi tiền nhưng cũng không còn ai", bác sĩ Hiền nhớ lại cô bạn "nước mắt ràn rụa thông báo 'cả nhà sắp di tản'". Họ nói "tạm biệt" bằng tiếng Pháp, mãi nhiều năm về sau mới gặp lại khi cả hai đều đã có gia đình.


Đài phát thanh FM của Mỹ ở Sài Gòn vang lên tiếng nhạc I’m Dreaming of a White Christmas - dấu hiệu khởi động cuộc di tản bằng phi cơ. Điện văn cuối cùng của Sứ quán gửi đi thông điệp "Hy vọng lịch sử sẽ không bao giờ được lặp lại. Đây là Sài Gòn - Xin từ biệt". Bác sĩ Hiền và người bạn lại sang nhà anh họ, được khuyên "hai đứa ở đây đi, bây giờ ở ngoài lộn xộn lắm". Khoảng 2-3h chiều, nghe nhiều tiếng máy bay, ông ngước nhìn: "Một cảnh tượng chưa từng có: bầu trời Sài Gòn như có một đàn ong vỡ tổ". Tầng trời cao là máy bay F4 Phantom, bay ở tầng thấp là trực thăng. Vài đốm đen nổ bùng ra - đó là pháo cao xạ được bắn lên rải rác.


Đêm đến, cả nhóm bác sĩ nội trú di chuyển về đường Nguyễn Tri Phương, cùng ngủ ở nhà của một người trong nhóm. Suốt đêm, trực thăng rì rầm, tiếng súng và hỏa châu vang khắp Sài Gòn.


Sáng 30/4/1975, các hãng truyền thông nước ngoài loan tin Mỹ tuyên bố "chiến dịch di tản chấm dứt". "Bầu trời tự nhiên trống trải lạ thường, trên cao tít có một chiếc phi cơ thám thính bay vòng vòng nhưng sau một loạt cao xạ nó đã bay mất dạng về hướng đông", theo bác sĩ Hiền. Trưa hôm ấy, nhóm bác sĩ nội trú của ông Hiền lại cùng nhau đến Bệnh viện Bình Dân hỗ trợ khám bệnh bởi "bệnh nhân bị thương vào đông quá".


Một thanh niên bị trúng đạn ở đầu, sau khi băng bó bác sĩ chuyển đi Bệnh viện Chợ Rẫy. Thế nhưng súng nổ vang nhiều hướng, bệnh nhân đã được đưa ra băng ca nhưng chưa có y bác sĩ nào lên xe cấp cứu để chuyển đến Chợ Rẫy. Bác sĩ Hiền nhảy lên xe cấp cứu, gọi theo một y tá và bảo tài xế mở còi ưu tiên chạy ngược đường Phan Thanh Giản (Điện Biên Phủ bây giờ) cho nhanh. Xe vừa tới ngã bảy đường này, ba thiếu niên mang AK-47 chĩa súng vào đầu xe hỏi "mấy anh đi đâu". Ông nhoài người ra báo "có người trúng đạn vào đầu cần chuyển về Chợ Rẫy gấp", được cho phép đưa người bệnh đi.


Bệnh viện Chợ Rẫy ngày này, khu cấp cứu vẫn hoạt động bình thường, người ra vào tấp nập. Sau khi đưa bệnh nhân vào bàn giao, bác sĩ Hiền về lại bệnh viện Bình Dân, tiếng súng nhỏ vẫn rải rác khắp nơi. Rảnh tay hơn, các bác sĩ rủ nhau lên sân thượng bệnh viện ngồi nhìn xuống đường. Một đoàn xe tăng đang tiến vào trên đường Trần Quốc Toản (nay là đường 3 Tháng 2) - thời khắc giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.


Sau chiến tranh


Bệnh viện Chợ Quán ngày 1/5/1975, các bác sĩ nội trú còn gần như đầy đủ, ban giảng huấn cũng gần như nguyên vẹn. Chính quyền thành phố chuyển giao, song bệnh nhân thì vẫn phải chữa bệnh. Bác sĩ Hiền chọn đi ICU (hồi sức cấp cứu) vì có nhiều bệnh nhân nặng.


Ông tiếp tục ở lại làm việc trong viện, đôi khi về ở nhà của một người bạn trên đường Nguyễn Cảnh Chân. Hai bác sĩ trẻ chở nhau trên chiếc xe đạp sườn ngang đến bệnh viện theo đường Bến Hàm Tử, ngang qua nhà máy điện Chợ Quán thấy khẩu đại bác 105 bỏ bên đường từ tháng 4. Trẻ con chiều chiều trèo lên nòng đại bác chơi đùa.


Bệnh nhân đến viện đông dần so với hôm 30/4, có những ca sốt rét ác tính thể não, nhiễm não mô cầu tối cấp, các ca phù phổi cấp do suy tim, tai biến mạch não... Thuốc men, vật tư không đủ đáp ứng, việc cứu chữa của các bác sĩ gặp nhiều khó khăn. Mỗi ngày, bác sĩ Hiền ở tại ICU gần 12 giờ, từ sáng sớm đến tối mới về nhà nghỉ.


Tết Bính Thìn 1976, các bác sĩ nội trú khác về nhà, ông Hiền và một đồng nghiệp ở lại trong khu nội trú bệnh viện. Ngả lưng sau ngày dài khám chữa bệnh mệt nhoài, ông được nghe tiếng pháo giao thừa nổ vang khắp nơi - cái Tết Độc lập đầu tiên của đất nước khi non sông đã thu về một mối.


GS.TS.BS Trần Tịnh Hiền tốt nghiệp bác sĩ nội trú ĐH Y Dược TP HCM năm 1978. Ông trải qua nhiều vị trí tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, từ trưởng khoa Hồi sức cấp cứu đến trưởng khoa Sốt rét vào năm 1985, Trưởng Phòng Y vụ năm 1987. Ông được bổ nhiệm phó giám đốc bệnh viện năm 1989.


Ông nhận bằng tiến sĩ tại Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng của Đại học Oxford và ĐH Mở Vương quốc Anh năm 2004, làm giáo sư thỉnh giảng về bệnh truyền nhiễm tại ĐH Oxford và là thành viên của Bác sĩ Hoàng gia Anh Quốc từ năm 2004.


Từ năm 2008, GS Hiền là thành viên Ban đánh giá về đạo đức trong nghiên cứu Y sinh học trên người Bộ Y tế. Từ năm 2010, ông đảm nhiệm cương vị Giám đốc Nghiên cứu Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng ĐH Oxford.


Ông được Hiệp hội Hoàng gia về Y tế và Vệ sinh Nhiệt đới trao Huy chương Mackay năm 2010 vì những thành tích nổi bật trong điều trị các bệnh lây nhiễm tại Việt Nam. Ông dành trọn tâm sức để nghiên cứu chống lại bệnh sốt rét, góp công tìm ra cách chữa trị bệnh này từ chiết xuất của cây thanh hao hoa vàng. Ông cũng là một trong những người đi đầu trong cuộc chiến chống SARS, cúm A/H5N1, cùng nhiều đóng góp trong các bệnh truyền nhiễm như lao phổi, viêm màng não, bệnh bạch hầu, bệnh dịch hạch...


Được mệnh danh là "bậc thầy của những người thầy", ông góp công lớn trong việc đào tạo nhiều thế hệ bác sĩ giỏi, kế thừa và phát triển các thành tựu y học nước nhà.


Lê Phương









Sai Gon ngay 30/4/1975 trong hoi uc bac si


Doc nhung dong hoi ky 50 nam truoc, GS.TS.BS Tran Tinh Hien, 75 tuoi, nhu song lai trong su "yen tinh la lung den khong ngu duoc" cua dem 30/4/1975.

Sài Gòn ngày 30/4/1975 trong hồi ức bác sĩ

Đọc những dòng hồi ký 50 năm trước, GS.TS.BS Trần Tịnh Hiền, 75 tuổi, như sống lại trong sự "yên tĩnh lạ lùng đến không ngủ được" của đêm 30/4/1975.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá