Theo BS.CK1 Lê Thị Thúy Hằng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM - Cơ sở 3, cuộc sống hiện đại dẫn đến sự thay đổi của nhiều thói quen sinh hoạt con người, trong đó không ít thói quen xấu gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và điều này đặt ra nhu cầu thanh lọc cơ thể.
Thói quen xấu phổ biến là ăn uống không hợp lý như tiêu thụ nhiều thực phẩm có tính nhiệt (thịt đỏ, gia vị cay nóng, rượu bia) hay các món ăn chứa nhiều dầu mỡ, trong khi ít sử dụng rau, củ, quả; uống không đủ nước mỗi ngày khiến cơ thể dễ bị nóng. Ngoài ra thói quen ít vận động, lo âu, căng thẳng cũng góp phần làm cơ thể sản sinh thêm nhiệt, gây mất cân bằng trong việc điều hòa năng lượng.
Cơ thể tích nhiệt sẽ xuất hiện những dấu hiệu như nóng trong người, khát nước, cảm giác bứt rứt; da mặt đỏ, nóng, hoặc xuất hiện mụn nhọt, vết loét; miệng và họng khô, có cảm giác ngứa, rát; táo bón, nước tiểu vàng đậm; chóng mặt, khó ngủ, cảm giác bồn chồn; mồ hôi nhiều, cơ thể dễ bị nóng, đôi khi có cảm giác sốt nhẹ.
Để thanh lọc cơ thể, y học cổ truyền có nhiều phương pháp hiệu quả như sử dụng các bài thuốc thanh nhiệt giải độc, châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, xông ngâm tắm thảo dược, tập dưỡng sinh sao cho cân bằng cơ thể theo nguyên lý âm dương ngũ hành.
Dưới đây là 6 thảo dược thanh lọc cơ thể phổ biến:
Cúc hoa
Cúc hoa không chỉ là vị thuốc giải biểu, thanh nhiệt quen thuộc trong các bài thuốc thang, mà còn là nguyên liệu chế biến nhiều món ăn, thức uống phổ biến trong dân gian, như trà hoa cúc hay nước sâm bông cúc.
Theo y học cổ truyền, thuốc có vị ngọt, hơi đắng, tính hàn, quy kinh Phế, Can, Thận với tác dụng tuyên tán phong nhiệt, thanh Can minh mục, thanh nhiệt, giải độc. Thuốc thường được dùng để chữa chữa đau đầu, đau mắt, chảy nước mắt, trị mụn nhọt...
Dưới góc nhìn y học hiện đại, cúc hoa có các chất flavonoid, terpenoid, phenylpropanoid và các acid phenolic có tác dụng chống oxy hóa, kháng viêm, kháng ung thư, điều hòa miễn dịch và bảo vệ gan.
Kim ngân hoa
Nói tới thanh nhiệt giải độc không thể bỏ qua kim ngân hoa, là thuốc có vị ngọt, tính hàn, quy kinh Phế, Tâm, Vị, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lương huyết, tán phong nhiệt. Thuốc thường được dùng để chữa mụn nhọt, mày đay, mẩn ngứa, viêm mũi dị ứng, sốt nóng, sốt rét, ban sởi, đậu, tiêu chảy, lỵ, thấp khớp, giang mai, và rôm sảy.
Theo y học hiện đại, thuốc chứa flavonoid (lonicerin, rutin), saponin, tannin, carotenoid cùng nhiều loại tinh dầu. Thuốc có phổ kháng khuẩn rộng, ức chế nhiều loại vi khuẩn, ức chế một số nấm ngoài da, chống dị ứng, chống oxy hóa và làm bền thành mạch.
Diệp hạ châu
Thường được biết với tên dân gian cây chó đẻ răng cưa. Theo y học cổ truyền, diệp hạ châu có vị ngọt, đắng, tính mát, quy kinh Can, Phế với tác dụng thanh nhiệt giải độc, tán ứ, thông huyết, lợi tiểu. Diệp hạ châu thường dùng để chữa các bệnh như mụn nhọt, viêm ruột tiêu chảy, rắn rết cắn, bế kinh đau bụng, sỏi tiết niệu.
Đặc biệt diệp hạ châu thường dùng kèm với các loại thuốc tây trong điều trị viêm gan với hiệu quả tốt. Theo y học hiện đại, thuốc chứa lignan (phyllanthin, hypophyllanthin), alkaloid, flavonoid, saponin và tannin. Thuốc chống oxy hóa, bảo vệ tim mạch, kháng ung thư, hạ đường huyết, bảo vệ gan thận, giảm đau, kháng viêm, điều hòa miễn dịch, kháng virus, lợi tiểu.
Bồ công anh
Còn gọi là diếp dại, mũi mác hay rau mũi cày. Thuốc có vị đắng, ngọt, tính hàn, qui kinh Can, Vị với tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu viêm tán kết. Bồ công anh được dùng để chữa nhiều bệnh như đau mắt đỏ, sưng viêm vú, mụn nhọt, sang lở, viêm ruột, nhiễm trùng tiểu, đau họng.
Theo y học hiện đại, thuốc chứa flavonoid (rutin, quercetin), chất đắng nhóm sesquiterpen lacton (lactucin) với tác dụng lợi mật, nhuận tràng, tăng đào thải độc tố qua gan thận, kháng khuẩn, chống viêm, chống oxy hóa.
Ngư tinh thảo
Dân gian thường gọi là diếp cá, không chỉ là rau sống thông dụng mà còn là một loại kháng sinh thực vật có nhiều công dụng kháng khuẩn. Theo y học cổ truyền, thuốc có tính cay, hơi hàn, qui kinh Phế, tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu ung bài nùng, lợi niệu thông lâm.
Thuốc thường được dùng để trị chứng phế ung thổ nùng (ho ra máu mủ), phế nhiệt khái thấu, mụn nhọt lở loét, chứng thấp nhiệt lâm chứng.
Theo y học hiện đại, toàn thân cây chứa tinh dầu. Thuốc ức chế tùy mức độ đối với trực khuẩn thương hàn, tụ cầu vàng, song cầu khuẩn, liên cầu khuẩn, trực khuẩn lao, tăng cường khả năng đại thực bào, tăng cường khả năng miễn dịch, giãn động mạch thận, tăng lưu lượng tuần hoàn động mạch thận, giảm đau, cầm máu, giảm ho.
Đậu xanh
Đậu xanh vừa là vị thuốc, vừa là món ăn vô cùng thông dụng. Thuốc có tính ngọt, lạnh, qui kinh Tâm, Vị với tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu thử lợi niệu.
Đậu xanh thường dùng để điều trị mụn nhọt sưng đau, trừ phiền chỉ khát, trị ngộ độc thuốc và thức ăn như ngộ độc phụ tử, ba đậu bằng cách dùng nước ngâm bột đậu xanh uống, hoặc uống nước sắc đậu xanh với cam thảo.
Ngoài ra, để thanh lọc cơ thể, có thể áp dụng một số giải pháp khác như châm cứu, xoa bóp bấm huyệt; xông hơi, ngâm tắm thảo dược; dưỡng sinh. Đồng thời, người bệnh cũng cần lưu ý tránh các thói quen xấu như thức khuya, lạm dụng thực phẩm giàu chất béo, đường, thịt đỏ, hay uống quá nhiều bia rượu và hút thuốc lá, các thuốc và thực phẩm không rõ nguồn gốc. Chú trọng uống đủ nước, ăn nhiều rau xanh và trái cây ít ngọt để thanh nhiệt, bảo vệ sức khỏe.
Mỹ Ý