Phát biểu lạ về `Người tiên phong cô độc` của hiệu trưởng đại học nổi tiếng

TRUNG QUỐC - "Con đường đổi mới ít khi bằng phẳng và người tiên phong thường phải đi qua hoài nghi, cô độc" - phát biểu của Hiệu trưởng ĐH Thanh Hoa, GS Lý Lộ Minh tại lễ tốt nghiệp năm 2025 để lại dư âm sâu sắc với sinh viên và cộng đồng giáo dục.


“Hôm nay là ngày Hạ chí, mùa hè rực rỡ chính thức bắt đầu. Chúng ta cùng tụ họp để chúc mừng hơn 3.000 sinh viên đã hoàn thành bậc đại học và chuẩn bị bước vào hành trình mới của cuộc đời”, GS Lý Lộ Minh mở đầu bài phát biểu của mình.


Trong bài diễn văn mang tiêu đề “Hiểu chuyện xưa, khai mở hành trình mới”, GS Lý kể lại hành trình gần 70 năm của AI, từ những năm tháng bị ruồng bỏ đến khoảnh khắc rực rỡ hôm nay. “AI không phải là thứ bỗng dưng xuất hiện chỉ sau một đêm mà là kết quả của gần 70 năm phát triển liên tục, kết tinh trí tuệ và tâm huyết của biết bao thế hệ.
Hy vọng các em có thể nhận ra: Phải nắm vững quy luật đổi mới, nhạy bén nắm bắt cơ hội sáng tạo và chủ động nuôi dưỡng phẩm chất đổi mới”, ông nói.


Hiệu trưởng Đại học Thanh Hoa, GS Lý Lộ Minh tại lễ tốt nghiệp đại học năm 2025. Ảnh: Tsinghua University

Ông dẫn câu chuyện về Geoffrey Hinton - cha đẻ của thuyết học sâu (deep learning) và là người dám đi ngược dòng, kiên trì với mạng neuron suốt hàng thập kỷ trong sự cô lập để rồi cuối cùng tạo ra cuộc cách mạng công nghệ làm thay đổi cả thế giới. Hinton từng bị xem là kẻ viển vông nhưng ông chưa bao giờ bỏ cuộc.


Đến năm 2006, ông trình làng mô hình deep learning - khởi nguồn cho ChatGPT, AlphaFold, Copilot mà ngày nay sinh viên đang sử dụng mỗi ngày.


“Con đường đổi mới không có đại lộ bằng phẳng và người đi tiên phong thường phải chịu đựng hoài nghi và cô độc. Chỉ khi giữ được đam mê với chân lý, dũng cảm đối diện khó khăn và ý chí không lùi bước, ta mới có thể chạm đến đỉnh cao rực rỡ”, GS Lý nhắn nhủ.


"Quyền lực công nghệ dễ dàng thì đạo đức công nghệ lại càng cần khắc sâu trong tim"


Vượt lên cảm hứng cá nhân, vị hiệu trưởng của ngôi trường danh giá nhất châu Á nhấn mạnh: Đằng sau sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo là một tinh thần học thuật mở, chia sẻ và liên ngành. Từ thống kê học đặt nền móng cho học máy (machine learning), đến thần kinh học soi sáng thiết kế mạng neuron và tâm lý học hành vi mở đường cho học tăng cường (reinforcement learning), AI là kết tinh của sự giao thoa và cộng hưởng giữa nhiều lĩnh vực.


Hãy luôn ghi nhớ nguyên tắc: Lấy con người làm trung tâm, lấy thiện lành làm định hướng công nghệ, đặt đạo đức lên trên kỹ thuật”- lời nhắn nhủ của vị hiệu trưởng cho sinh viên trong kỷ nguyên AI. Ảnh: Baidu

GS Lý đặc biệt nhấn mạnh sức mạnh của tinh thần khai phóng trong cộng đồng học thuật toàn cầu. Ông dẫn lại khoảnh khắc mang tính bước ngoặt năm 2017, khi 8 nhà khoa học công bố công khai mô hình Transformer - một thiết kế tưởng chừng thuần kỹ thuật nhưng lại vô tình mở ra cả một kỷ nguyên mới của trí tuệ nhân tạo tạo sinh.


“Việc công bố Transformer đã châm ngòi cho làn sóng AI thế hệ mới: Từ lý thuyết hàn lâm đến ứng dụng thực tiễn, từ phòng thí nghiệm nhỏ bé đến các ngành công nghiệp tầm vóc, từ những mô hình đơn lẻ đến các đại mô hình toàn cầu”, vị hiệu trưởng nói.


Từ thành tựu ấy, ông kêu gọi sinh viên hãy mở rộng khung tư duy, vượt qua giới hạn của chuyên ngành, và chủ động dấn thân vào các liên kết học thuật đa lĩnh vực.


“Đổi mới ngày nay không đến từ một người giỏi mà từ nhiều người dám cùng nhau. Hãy vượt khỏi ranh giới chuyên môn. Hãy học cách suy nghĩ lớn hơn ngành học của mình”.


Theo Bắc Kinh Nhật Báo, một trong những đoạn gây xúc động nhất trong bài phát biểu là khi GS Lý nhắc đến Viện sĩ Trương Bột - người được mệnh danh là “cha đẻ AI Trung Quốc”. Năm 1978, khi cả nước chưa biết AI là gì thì Viện sĩ Trương đã lặng lẽ bước vào lĩnh vực còn bị xem là “vô dụng”. Gần 50 năm sau, ở tuổi 90, ông vẫn là người dẫn dắt Viện AI Thanh Hoa, vẫn viết, giảng dạy và truyền lửa.


“Một bước đột phá không thể hoàn thành trong một sớm một chiều. Cần kiên định với nghiên cứu dài hạn và bền bỉ”, hiệu trưởng Lý dẫn dắt.


Dù dành nhiều kỳ vọng cho AI, GS Lý không né tránh những trăn trở. Ông ví công nghệ như một con dao hai lưỡi, mang lại phúc lợi nếu được dùng đúng và gây hủy hoại nếu lạc hướng.


“Hãy luôn ghi nhớ nguyên tắc: Lấy con người làm trung tâm, lấy thiện lành làm định hướng công nghệ, đặt đạo đức lên trên kỹ thuật. Hãy là những người hành động có trách nhiệm. Khi quyền lực công nghệ trở nên dễ nắm trong tay thì đạo đức công nghệ lại càng cần được khắc sâu trong trái tim”, hiệu trưởng Thanh Hoa nhấn mạnh.


Khép lại bài phát biểu, GS Lý mong mỏi mỗi sinh viên khi bước ra khỏi cánh cổng Đại học Thanh Hoa đều với tinh thần đổi mới: “Các em đang ở độ tuổi đẹp nhất, hãy chủ động nắm bắt thời đại AI và những công nghệ mới, hãy dùng tinh thần đổi mới để kiến tạo tương lai, dùng tinh thần nhân văn để giữ vững phương hướng, mang trong tim tình yêu quê hương, ý chí phụng sự tổ quốc, góp phần làm rạng danh đất nước”.


Giám đốc, hiệu trưởng xếp hàng ăn cơm sinh viên, giá 15.000 đồng/suất Ông Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, các phó giám đốc và Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn đã tới bếp ăn sinh viên, cùng ăn trưa với suất cơm giá 15.000 đồng.