10 cuốn sách nổi bật của Margaret Atwood

"Chuyện người tùy nữ" là tác phẩm tiêu biểu nhất của nữ văn sĩ Canada Margaret Atwood, theo Guardian.


Dịp Margaret Atwood sắp ra mắt hồi ký Book of Lives: A Memoir of Sorts vào cuối năm, tờ Guardian điểm lại một số tác phẩm của bà - từ những câu chuyện viễn tưởng về biến đổi khí hậu đến người tùy nữ.


1. The Handmaid's Tale (Chuyện người tùy nữ) - 1985


Trong tác phẩm, Margaret Atwood đặt ra giả tưởng về Cộng hòa Gilead, nơi nước Mỹ cũ trở thành quốc gia thần quyền cực đoan. Phụ nữ thời kỳ đó mất đi quyền tự do, bị đóng đinh vào các vai trò cố định. Chẳng hạn, tùy nữ (Handmaid) là nguời buộc trở thành công cụ sinh sản cho quân trưởng và phu nhân hiếm muộn.


Nhân vật chính, tùy nữ Offred, sống trong sự giám sát, chịu đựng cực hình nhục dục, mất danh tính. Tuy vậy, cô vẫn cố bám víu vào ký ức, tìm kiếm cơ hội chống lại áp bức và hy vọng đuợc giải thoát. Tác phẩm là lời cảnh tỉnh về vấn đề quyền tự do, bình đẳng giới.


Đây là một trong những tiểu thuyết phản địa đàng kinh điển của thế kỷ 20 - thể loại hư cấu, miêu tả xã hội phát triển theo hướng đen tối, suy tàn. Cuốn sách ảnh hưởng đến văn hóa đại chúng, thúc đẩy các cuộc thảo luận về nữ quyền, chính trị và nhân quyền. Tại Việt Nam, Chuyện người tùy nữ được nhà xuất bản Văn học, công ty Nhã Nam phát hành lần đầu năm 2009, tái bản năm 2019.


2. Cat's Eye (Mắt mèo) - 1988


Cat's Eye là câu chuyện về Elaine Risley, một họa sĩ trở về Toronto tổ chức triển lãm. Chuyến đi ấy gợi lại ký ức thơ ấu, cụ thể là mối quan hệ với nhóm bạn gái từng thao túng và bắt nạt cô. Để chữa lành vết thương tâm lý, Elaine tìm đến nghệ thuật và tự soi chiếu bản thân sau những ám ảnh. Tác phẩm khám phá các chủ đề như ký ức, sự tàn nhẫn trong tình bạn nữ giới, vai trò của nghệ thuật, đồng thời phản ánh những biến đổi của xã hội Canada từ giữa thế kỷ 20.


Theo Guardian, Cat's Eye phơi bày sự thật "phức tạp và tàn nhẫn" của môi trường học đường. Tác phẩm được ví như Wolf Hall (Lâu đài sói) của Hilary Mantel dành cho các cô gái tuổi thiếu niên.


3. Alias Grace (Gọi thêm về duyên dáng) - 1996


Alias Grace được sáng tác dựa trên một vụ giết người có thật ở Canada vào thập niên 1840.


Câu chuyện xoay quanh Grace Marks, người hầu trẻ tuổi bị cho là giết chủ nhà - Thomas Kinnear và quản gia Nancy Montgomery. Dù bị tuyên có tội với hình phạt tù chung thân, Grace khẳng định không nhớ gì về vụ án mạng. 15 năm sau, bác sĩ trẻ Simon Jordan được cử đến phỏng vấn Grace để tìm hiểu cô có thực sự mắc bệnh tâm thần hay chỉ giả vờ mất trí. Thông qua những buổi trò chuyện, cuộc đời đầy tủi nhục, bi kịch của Grace - từ người nhập cư nghèo khó đến người hầu bị lạm dụng - dần được hé lộ. Atwood đan xen lời kể của nhân vật chính "đầy mơ hồ và mâu thuẫn" với các chứng cứ, suy đoán của Jordan.


Tác phẩm khám phá các chủ đề như ký ức và sự thật, danh tính, bất công mà phụ nữ thế kỷ 19 đối mặt. Đồng thời, cuốn tiểu thuyết đặt câu hỏi về vấn đề có tội và vô tội: Grace là một kẻ giết người hay chỉ là nạn nhân của hoàn cảnh và những âm mưu xung quanh. Atwood giữ bí mật để người đọc tự phán đoán về bản chất nhân vật.


Năm 1996, tác phẩm được đề cử giải Booker và giành giải thưởng Giller Prize.


4. Burning Questions: Essays 2004-2021 (Những bài tiểu luận từ 2004-2021) - 2022


Cuốn sách thể hiện mối quan tâm của tác giả đối với vấn đề đạo đức và xã hội thế kỷ 21. Atwood bàn luận về khủng hoảng khí hậu, chính trị, nữ quyền, nhân quyền, văn học và quá trình sáng tác của chính bà. Với văn phong dí dỏm mà uyên bác, bà đặt ra nhiều câu hỏi, khuyến khích độc giả suy tư về thế giới và những thách thức toàn cầu.


5. Paper Boat: New and Selected Poems - 1961-2023 (Thuyền giấy: Tuyển tập thơ mới và chọn lọc) - 2024


Atwood bắt đầu viết văn năm 16 tuổi, khi một bài thơ bất ngờ hiện lên trong tâm trí khi đang đứng trên sân bóng trường. Paper Boat là tập thơ được bà viết trong 60 năm sự nghiệp. Tác phẩm ra mắt một năm sau khi Graeme Gibson, người bạn đời 48 năm của nữ văn sĩ mất. Theo Guardian, Atwood gọi thơ là "thể loại văn học đem lại niềm vui nhất". Người đọc được thấy Atwood trong trạng thái "dịu dàng và chân thật":


"Làm sao đếm được từng ngày?
Mỗi ngày đều rực rỡ, mỗi ngày đều cô đơn? Rồi mỗi ngày lại qua đi.
Tôi giữ lại một vài ngày trên giấy, trong ngăn kéo
Những ngày ấy nay đang phai nhòa".


6. The Blind Assassin (Sát thủ mù) - 2000


Cuốn sách giúp bà giành giải Booker đầu tiên năm 2000, xoay quanh ký ức và bí mật gia đình. Tác phẩm kể về Iris Chase Griffen, một phụ nữ lớn tuổi viết lại lịch sử gia đình mình và tiết lộ bí mật về cái chết của em gái Laura.


Tác giả sử dụng thủ pháp truyện lồng truyện: Iris kể về cuộc đời các nhân vật khác, kèm theo tác phẩm The Blind Assassin, được cho là do Laura viết. Cuốn sách ấy tái hiện mối tình bị cấm đoán và phản chiếu đời thực của chị em nhà Iris.


Nhà phê bình Michiko Kakutani của New Yorker nhận xét đây là "tiểu thuyết mang tính giải trí thuần túy nhất" trong tất cả tác phẩm của Atwood.


7. The Edible Woman (Người phụ nữ bị nuốt chửng) - 1969


The Edible Woman là tiểu thuyết đầu tay của Margaret Atwood, kể về Marian MacAlpin, một phụ nữ trẻ mắc kẹt trong những kỳ vọng của người yêu và xã hội. Khi chuẩn bị kết hôn, cô mất đi khả năng ăn uống một số loại thực phẩm và cảm giác như cơ thể mình dần tan biến.


Tác phẩm châm biếm chủ nghĩa tiêu dùng và sự kỳ thị nữ giới. Ở đó, nhà văn vạch trần cách xã hội "nuốt chửng" và đóng khung phụ nữ trong hôn nhân và vai trò giới.


Theo The Guardian, đây là tiểu thuyết "tiền nữ quyền" vì khi ra đời năm 1965, phong trào nữ quyền chưa xuất hiện, thể hiện sự đi trước thời đại của Margaret Atwood trong vấn đề này.


8. Hag-Seed (Hạt thần) - 2016


Tác phẩm tái hiện vở kịch The Tempest (Giông tố) của William Shakespeare trong bối cảnh đương đại. Câu chuyện xoay quanh Felix Phillips, đạo diễn sân khấu bị đồng nghiệp phản bội và mất đi vị trí giám đốc nghệ thuật tại liên hoan kịch Shakespeare. Ám ảnh bởi nỗi đau mất con gái và khao khát trả thù, Felix ẩn mình và đổi tên thành Mr. Duke. Ông tìm đến một nhà tù để dạy kịch, lên kế hoạch báo thù thông qua vở The Tempest. Bằng cách dàn dựng vở kịch này với các diễn viên là tù nhân, Felix tạo ra "sân khấu" đối mặt với kẻ phản bội và nhìn nhận lại nỗi mất mát của chính mình.


9. Oryx and Crake (Dê rừng và gà nước) - 2003


Oryx and Crake là cuốn sách mở đầu bộ ba tiểu thuyết phản địa đàng MaddAddam của Atwood. Câu chuyện lấy bối cảnh thế giới hậu tận thế, nơi đại dịch toàn cầu đã xóa sổ gần như toàn bộ nhân loại.


Nhân vật chính, Snowman (tên thật là Jimmy), là người sống sót cuối cùng. Anh lang thang trong thế giới có những sinh vật biến đổi gen kỳ lạ. Thông qua đoạn hồi tưởng của Snowman, cuộc sống trước đây của nhân vật cùng người bạn thân Crake tài năng hay cô gái Oryx mà cả hai yêu mến dần hé lộ.


Cuốn sách khắc họa tương lai, nơi công nghệ sinh học và kỹ thuật di truyền phát triển vượt tầm kiểm soát, dẫn đến hậu quả khôn lường. Nó chất vấn trách nhiệm đạo đức trong khoa học và bản chất con người khi đối mặt sự tồn vong.


10. The Testaments (Di chúc) - 2019


The Testaments là sự tiếp nối của The Handmaid's Tale (Chuyện người tùy nữ). Lấy bối cảnh 15 năm sau các sự kiện phần trước, cuốn sách khám phá bí mật và cơ chế vận hành của Cộng hòa Gilead - chế độ phụ quyền hà khắc.


Sách gồm ba điểm nhìn: Dì Lydia - nhân vật nắm giữ nhiều thông tin mật, Agnes Jemima - cô gái trẻ lớn lên tại Gilead và Daisy - thiếu nữ sống ở Canada nhưng không biết đến mối liên hệ của mình với Gilead. Ba câu chuyện đan cài vào nhau, hé lộ âm mưu chống lại Gilead cùng nỗ lực lật đổ chế độ độc tài. Tác phẩm tập trung khai thác chủ đề quyền lực, sự kháng cự và bản chất của áp bức.


Năm 2019, tiểu thuyết giành giải thưởng Booker.


Margaret Eleanor Atwood, 85 tuổi, là một nhà thơ, tiểu thuyết gia, nhà phê bình văn học, người viết tiểu luận, nhà phát minh, nhà giáo và nhà hoạt động môi trường người Canada. Các tác phẩm của bà xoay quanh nhiều chủ đề: sức mạnh của ngôn ngữ, giới tính và bản sắc, tôn giáo và huyền thoại, biến đổi khí hậu và quyền lực chính trị. Nhiều bài thơ được lấy cảm hứng từ những câu chuyện thần thoại, truyện cổ tích mà bà hứng thú khi còn nhỏ. Atwood còn là người sáng lập Giải thưởng Thơ của Griffin và Quỹ Nhà văn Canada.


Khánh Linh (theo Guardian)









10 cuon sach noi bat cua Margaret Atwood


"Chuyen nguoi tuy nu" la tac pham tieu bieu nhat cua nu van si Canada Margaret Atwood, theo Guardian.

10 cuốn sách nổi bật của Margaret Atwood

"Chuyện người tùy nữ" là tác phẩm tiêu biểu nhất của nữ văn sĩ Canada Margaret Atwood, theo Guardian.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá