Nguy cơ gì từ đơn thuốc 90 ngày?

Việc kê đơn dài ngày tiềm ẩn nguy cơ như bệnh nhân không được theo dõi sát tác dụng phụ, hoặc khi bệnh chuyển biến thì không kịp đánh giá để điều chỉnh phác đồ, theo các chuyên gia.


Bộ Y tế vừa ban hành quy định mới cho phép kê đơn thuốc điều trị ngoại trú tối đa 90 ngày đối với 252 loại bệnh mạn tính cho người có thẻ bảo hiểm y tế. Danh mục này bao gồm các bệnh mạn tính phổ biến như tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản, phổi tắc nghẽn mạn tính, rối loạn lo âu và trầm cảm. Ngoài ra, viêm gan B mạn tính, HIV/AIDS, suy giáp, suy tuyến yên, Parkinson, Alzheimer và sa sút trí tuệ cũng nằm trong danh sách được áp dụng.


Ông Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cho rằng thay đổi này sẽ giảm gánh nặng đi lại và chi phí cho người bệnh, đồng thời nâng cao hiệu quả điều trị liên tục. Tuy nhiên, việc kê đơn dài ngày cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, ông Dương nói.


Đơn cử, người bệnh có thể không đảm bảo điều kiện bảo quản thuốc hoặc không được theo dõi sát các tác dụng phụ. Trong trường hợp bệnh tiến triển cần điều chỉnh phác đồ mà chưa được đánh giá lại kịp thời, hoặc thuốc bị mất hay không sử dụng hết sẽ gây lãng phí.


Đại diện Cục Khám chữa bệnh nói thêm quy định này không áp dụng đại trà, mà bác sĩ phải đánh giá đầy đủ tình trạng lâm sàng, tiên lượng ổn định mới được kê đơn kéo dài.


Tương tự, ThS.BSCKII Trần Thái Sơn, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai, cũng cho hay quyền kê đơn 90 ngày không có nghĩa là bệnh nhân nào cũng nên được kê như vậy. Bác sĩ buộc phải đánh giá thật kỹ tình trạng cụ thể của từng người bệnh.


"Quan điểm của chúng tôi là kê đơn cần cá thể hóa, mỗi người bệnh một phác đồ, không máy móc. Làm được như vậy thì vừa tiết kiệm cho quỹ BHYT, vừa giúp người bệnh tuân thủ điều trị tốt hơn", ông Sơn nhận định.


TS.BS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết và Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai, khuyến cáo người bệnh mạn tính cần đảm bảo uống thuốc đúng cách để không ảnh hưởng đến kết quả điều trị.


Đầu tiên, bệnh nhân cần đọc kỹ đơn thuốc trước khi rời bệnh viện. Nếu có bất kỳ điều gì chưa hiểu, cần trao đổi ngay với bác sĩ khám bệnh hoặc dược sĩ phát thuốc để được giải đáp thắc mắc.


Bên cạnh đó, việc bảo quản thuốc là rất quan trọng do số lượng thuốc lĩnh được nhiều hơn, có nguy cơ để lẫn các loại thuốc, đặc biệt khi trong gia đình có nhiều người mắc bệnh mạn tính. Đối với những bệnh nhân đái tháo đường điều trị insulin, cần có tủ lạnh để bảo quản thuốc vì các loại insulin chỉ có thể để ở nhiệt độ thường dưới 4 tuần.


Người bệnh phải tuân thủ lịch uống thuốc đầy đủ và đúng giờ, có thể đặt thuốc ở vị trí dễ thấy hoặc cài đặt nhắc nhở. Cần theo dõi thường xuyên các chỉ số như nhịp tim, huyết áp, đường máu tại nhà hoặc tại trạm y tế địa phương. Khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, người bệnh nên liên hệ ngay với bác sĩ, không cần chờ đủ 60 hay 90 ngày theo lịch hẹn.


Riêng với bệnh nhân ung thư, bác sĩ Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm y học hạt nhân và ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết chính sách cấp thuốc tối đa ba tháng hiện áp dụng cho ba nhóm bệnh là ung thư tuyến giáp, ung thư vú và ung thư phổi không tế bào nhỏ. Người bệnh phải trong tình trạng điều trị ổn định mới được cấp thuốc theo chu kỳ này.


"Tuy nhiên, bệnh ung thư vẫn có nguy cơ tiến triển, tái phát hoặc di căn bất kỳ lúc nào. Nếu xuất hiện các triệu chứng bất thường như ho, đau ngực hay khó chịu, người bệnh cần đến khám sớm, không nên đợi đến lịch tái khám", bác sĩ Phương khuyến cáo.


Lê Nga









Nguy co gi tu don thuoc 90 ngay?


Viec ke don dai ngay tiem an nguy co nhu benh nhan khong duoc theo doi sat tac dung phu, hoac khi benh chuyen bien thi khong kip danh gia de dieu chinh phac do, theo cac chuyen gia.

Nguy cơ gì từ đơn thuốc 90 ngày?

Việc kê đơn dài ngày tiềm ẩn nguy cơ như bệnh nhân không được theo dõi sát tác dụng phụ, hoặc khi bệnh chuyển biến thì không kịp đánh giá để điều chỉnh phác đồ, theo các chuyên gia.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá