Giới hạn của AI

Gerd Gigerenzer vẽ viễn cảnh các công ty công nghệ điều hành cuộc đời bạn, và trợ lý ảo trung thành sẽ chuyển thành siêu trí tuệ, trong "Khôn ngoan hơn thuật toán".


Là một nhà tâm lý học, Gerd Gigerenzer cho biết viết cuốn sách với kỳ vọng để độc giả trở thành những "công dân số sắc sảo" trong bối cảnh AI hiện diện ở nhiều lĩnh vực. Sách gồm hai phần: Quan hệ giữa con người và trí thông minh nhân tạo, Rủi ro cao, tác giả chỉ ra AI có thể và không thể làm gì, đồng thời cho biết cách giữ quyền kiểm soát trong một thế giới tràn ngập thuật toán.


Sách vẽ ra viễn cảnh: xuất hiện một trợ lý ảo làm mọi thứ giỏi hơn bạn. Bạn không còn tự đưa ra bất kỳ quyết định cá nhân nào mà giao cho nó làm việc, từ quản lý tài chính, soạn tin nhắn, chọn người tâm giao. "Chẳng mấy chốc mà các công ty công nghệ sẽ điều hành cuộc đời bạn, và trợ lý ảo trung thành đó sẽ chuyển thành siêu trí tuệ. Con cháu chúng ta sẽ giống như đàn cừu, hân hoan chào đón hoặc sụp xuống kính sợ chủ nhân mới", sách viết.


Tuy vậy, tác giả cho rằng không nên lo sợ. Nhân loại có xu hướng tin lời các công ty công nghệ rằng máy móc thực hiện công việc chính xác, nhanh, rẻ hơn. Thậm chí, những tác giả vẽ ra tương lai tận thế khi robot hiểu hết về con người cũng viết AI thông suốt mọi sự trên đời. Từ đó, các cuộc tranh luận xuất hiện, một bên tin tưởng, một bên sợ hãi hệ lụy của máy móc.


Theo Gigerenzer, cả hai phe đều kết luận sai. Ông nhận định AI chỉ làm tốt ở một số lĩnh vực, vượt trội hơn về xử lý lượng dữ liệu thông tin lớn, đưa ra quyết định nhanh chóng nhưng chưa có khả năng ứng biến, sáng tạo.


Ví dụ, AI có thể giúp một người tìm bạn đời thông qua thuật toán tình yêu nhưng không thể giúp ra quyết định cho mối quan hệ yêu đương lâu dài. Ông liên hệ đến cờ vua, mỗi quân cờ có một vị trí chuyên biệt. Song, với việc hẹn hò trên mạng, ghép đôi dựa vào hồ sơ cá nhân, con người có xu hướng chỉnh sửa cho đẹp thông tin của mình, hồ sơ không nắm được những khía cạnh khác nhau của họ. Vì vậy, công nghệ này chỉ xử lý tốt vấn đề ổn định, trí tuệ con người đã phát triển để giải quyết các vấn đề bất định, không phụ thuộc dữ liệu có sẵn.


Ngoài ra, các chương trình giáo dục toàn cầu tìm cách cải thiện kỹ năng sử dụng công nghệ số bằng cách mua máy tính bảng, bảng đen thông minh dùng trong lớp học và dạy học sinh sử dụng nhưng hiếm khi dạy trẻ về rủi ro mà nó mang lại. Có những dẫn chứng cho thấy thế hệ bẩm sinh số (Digital Natives, chỉ những người sinh ra trong thời đại công nghệ thông tin) không phân biệt được quảng cáo trá hình với tin tức thật sự và bị giao diện website đánh lừa, trở thành nạn nhân của tin giả.


Tác giả khẳng định: "Chúng ta phải được hưởng lợi từ AI trong những nhiệm vụ nó làm tốt hơn và nhanh hơn con người mà không bị dẫn dụ sai lạc".


Để không bị thông tin sai lệch chi phối, độc giả nên áp dụng quy tắc của những người xác minh dữ kiện chuyên nghiệp. Khi truy cập bất kỳ trang web nào, chỉ nhìn qua nội dung rồi chuyển sang các trang khác để so sánh, tìm tổ chức, cá nhân đứng sau nó. "Kết quả đầu tiên hiện ra trên máy tìm kiếm không nhất thiết là kết quả tương thích nhất, nó có thể là quảng cáo trá hình". Cần đọc kỹ phần văn bản để xác minh thông tin, quan điểm của bài viết.


Sách viết: "Giữ được thái độ tỉnh táo khôn ngoan nghĩa là hiểu tiềm năng về rủi ro của công nghệ số, và kiên định chủ động trong thế giới đầy rẫy thuật toán".


Tác phẩm cung cấp chiến lược, phương pháp để người đọc chủ động, không bị cuốn theo vòng xoáy AI, khuyến khích độc giả tin tưởng vào bản thân, nhận thức giá trị của cảm xúc, trực giác và nhấn mạnh việc hiểu rõ môi trường để có lựa chọn tối ưu.


Theo New Scientist, bằng trải nghiệm cá nhân, nghiên cứu, Gigerenzer phân tích giới hạn và nguy cơ của công nghệ nói chung và trí tuệ nhân tạo nói riêng. Trong một số phần, tác phẩm chưa phân biệt rõ công nghệ số, công nghệ thông minh, thuật toán và AI khiến người đọc dễ nhầm lẫn.


Tiến sĩ tâm lý Gary Klein cho rằng đây là cuốn sách cần đọc, cung cấp góc nhìn về trí tuệ nhân tạo cho những ai đang lo lắng về hiểm họa của AI.


Gerd Gigerenzer, 77 tuổi, là nhà tâm lý học người Đức, Giám đốc Danh dự tại Viện Phát triển Con người Max Planck, đào tạo nhiều thẩm phán, bác sĩ, nhà quản lý trong việc ra quyết định, hiểu rõ rủi ro bất định. Ông là tác giả của nhiều sách như Gut Feelings (2007), Risk Savvy (2013).


Châu Anh









Gioi han cua AI


Gerd Gigerenzer ve vien canh cac cong ty cong nghe dieu hanh cuoc doi ban, va tro ly ao trung thanh se chuyen thanh sieu tri tue, trong "Khon ngoan hon thuat toan".

Giới hạn của AI

Gerd Gigerenzer vẽ viễn cảnh các công ty công nghệ điều hành cuộc đời bạn, và trợ lý ảo trung thành sẽ chuyển thành siêu trí tuệ, trong "Khôn ngoan hơn thuật toán".
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá