Người Việt dần ít quan tâm xe gầm thấp cỡ nhỏ

Ba năm qua (2022-2024), doanh số nhóm xe hatchback cỡ A và sedan cỡ B giảm lần lượt 67% và 39%.


Doanh số thị trường ôtô những năm gần đây ngày càng tăng, đi cùng là hàng loạt thương hiệu mới đổ bộ vào Việt Nam. Lựa chọn trong một tầm giá nào đó đi kèm nhiều lựa chọn hơn trước. Trong bối cảnh này, thói quen mua xe của khách hàng cũng có nhiều thay đổi, đặc biệt ở các phân khúc giá rẻ nhất thị trường.


Nhu cầu dịch chuyển


Theo biểu đồ thống kê doanh số ở trên, trong ba năm 2022-2024, duy nhất phân khúc CUV cỡ B với những cái tên tiêu biểu như Hyundai Creta, Toyota Yaris Cross, Mitsubishi Xforce... tăng doanh số (74%). Riêng CUV cỡ A+ với ba mẫu xe là Hyundai Venue, Toyota Raize, Kia Sonet, doanh số gần như đứng yên (tăng 3%), quanh quẩn ở mức 16.000 xe.


Do VinFast không công bố doanh số đều đặn các năm, nên nếu tính dung lượng xe mới bán ra từ Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), các hãng nhập khẩu và Hyundai Thành Công, toàn thị trường 2024 bán ra 407.310 xe, giảm 16% so với 2022. Tiêu thụ thị trường nói chung giảm nhưng hai phân khúc CUV cỡ A+ và B tăng cho thấy xu hướng mua xe của người dân đang ưu tiêu gầm cao.


Hồi 2022, doanh số sedan cỡ B dẫn đầu thị trường với hơn 60.000 xe bán ra. Nhưng sau đó giảm 37% xuống còn hơn 38.000 xe vào 2024. Phân khúc này từng nhiều năm là trụ cột của thị trường xe trong nước nhưng dần bị thay thế bởi MPV và CUV cỡ B. 2024 là năm đầu tiên số lượng người mua ở hai phân khúc này vượt trội so với sedan cỡ B.


Nhỏ hơn Toyota Vios, Hyundai Accent về kích thước là nhóm B- với những cái tên như Mitsubishi Attrage, Kia Soluto. Phân khúc này cũng giảm doanh số (-46%) sau ba năm qua. Nếu gộp hai nhóm sedan B và B-, tổng doanh số giảm khoảng 39%.


Nhóm CUV thuần cỡ B tăng doanh số nhưng B+ lại giảm (-48%). Thực tế doanh số phân khúc này phụ thuộc gần như hoàn toàn vào Toyota Corolla Cross, đối thủ Mazda CX-30 rất mờ nhạt. Mẫu xe của Toyota không duy trì được sức hút khiến doanh số phân khúc cũng giảm theo.


Thuộc hàng ăn khách nhất, vượt qua sedan cỡ B vào 2023 để thống lĩnh doanh số thị trường nhưng MPV cỡ B bắt đầu chững lại vào 2024. Doanh số nhóm này đạt 46.667 xe vào 2024, giảm nhẹ 2% so với 2023 và giảm 11% so với 2022.


Nhưng giảm mạnh nhất trong 3 năm qua là nhóm hatchback cỡ A với những đại diện như Hyundai i10, Kia Morning, Toyota Wigo. Năm 2024, phân khúc này bán ra 9.261 xe, mất đến 67% doanh số so với hai năm trước. So với mức giảm chung của toàn thị trường, tốc độ giảm của xe cỡ A gấp 4 lần.


Như vậy, về mặt tổng quan, thị hiếu người dùng đang ưu tiên cho các mẫu xe gầm cao cỡ B với giá bán từ khoảng 600-750 triệu đồng. MPV cỡ nhỏ vẫn là sản phẩm hút khách hàng đầu thị trường nhưng giờ đây gặp nhiều cạnh tranh hơn, doanh số phần nào chậm lại. Trong khi đó, những phân khúc xe gầm thấp, giá rẻ nhất thị trường đang cho thấy sự thoái trào.


Nguyên nhân từ đâu?


Sau ba năm chạy thuê cho một hãng taxi, anh Trịnh Quốc Huy (35 tuổi, TP HCM) ngừng việc. Ban đầu anh tính mua một chiếc Toyota Vios để kinh doanh dịch vụ. Nhưng sau đó, anh chọn mua một chiếc VinFats VF 5 vì thấy ít tốn chi phí vận hành hơn, lại được miễn lệ phí trước bạ.


"Xe xăng không lo trạm sạc, nhưng xe điện thì tiền sạc rẻ hơn đổ xăng, chạy dịch vụ dễ có lời hơn", anh Huy nói. "Tôi chạy chủ yếu ở thành phố nên cũng ít lo về chuyện đi xa không có chỗ sạc".


Theo các chuyên gia bán hàng, những phân khúc xe gầm thấp giá rẻ trang bị động cơ đốt trong như hatchback cỡ A, sedan cỡ B chịu tác động lớn nhất khi xu hướng chọn xe điện cỡ nhỏ để kinh doanh dịch vụ hoặc sử dụng cá nhân tăng lên ở Việt Nam những năm gần đây. Điều này cộng hưởng với việc thị trường có thêm các lựa chọn CUV cỡ A+, B, khiến thói quen mua xe của khách thay đổi.


"Nhiều khách chuyển sang mua xe điện để chạy xe công nghệ vì chi phí vận hành thấp", quản lý bán hàng một showroom Hyundai ở TP HCM cho biết. "Các dòng hatchback cỡ A hay sedan cỡ B ít được quan tâm hơn, phần vì cạnh tranh của xe điện, phần vì khách thích những mẫu xe gầm cao lớn hơn, nhiều công nghệ hơn".


Hatchback cỡ A từng có giai đoạn dài là phân khúc giá rẻ nhất thị trường. Điều này mất đi khi những mẫu xe điện siêu nhỏ (minicar) như Wuling mini EV giá dưới 200 triệu đồng, VinFast VF 3 dưới 300 triệu đồng xuất hiện. Nhiều doanh nghiệp chọn mini EV để kinh doanh dịch vụ. Còn với VinFast, mẫu xe được dùng chạy dịch vụ nhiều nhất là VF 5 (cỡ A+).


Xe điện vẫn còn nhiều bất tiện với người dùng phổ thông bởi hạ tầng trạm sạc, thời gian sạc. Nhưng nếu dùng để kinh doanh dịch vụ, phạm vi hoạt động không quá lớn (ví dụ ở đô thị), ưu thế chi phí vận hành của xe điện lại là một lợi thế mà xe xăng khó sánh bằng.


"Các doanh nghiệp thường có bãi đỗ tập trung, vừa có thể lắp trạm sạc, vừa linh động sạc cho nhiều xe khác nhau nên xe điện là giải pháp tốt để kinh doanh thay cho xe xăng, dầu", ông Vũ Tấn Công, nguyên Tổng thư ký Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam, nói.


Chi phí đầu tư ban đầu cũng là một lợi thế của xe điện. Nhờ chính sách miễn lệ phí trước bạ của nhà nước, người mua tiết kiệm hàng chục đến hàng trăm triệu đồng giá lăn bánh của một mẫu xe điện. Ví dụ như VF 5 giá 529 triệu đồng, lăn bánh tại Hà Nội khoảng 551 triệu, thấp hơn Accent 1.5AT (570 triệu đồng) hay Vios E CVT (568 triệu đồng). Xét về giá, hai mẫu xe Hyundai và Toyota lần lượt 488 triệu và 489 triệu đồng, đều thấp hơn VF 5.


Wuling mini EV không được nhà phân phối tiết lộ doanh số. VinFast đến 2024 mới công bố số liệu bán hàng cụ thể. Đại diện hãng này nói doanh số VF 5 (cỡ A+) tăng liên tục qua các năm và lập đỉnh vào 2024 với khoảng 32.000 xe. Kể cả phân khúc hatchback cỡ A hay sedan cỡ B giai đoạn bùng nổ nhất, đều chưa có mẫu nào đạt được doanh số như VF 5.


Nhu cầu sụt giảm mạnh khiến nhiều hãng cân nhắc lại chiến lược kinh doanh. Từ cuối 2024, Wigo lượt bỏ bản số sàn tại Việt Nam, chỉ còn bản số tự động. Morning cũng giảm từ 4 phiên bản xuống còn 2. Riêng mẫu xe của Hyundai vẫn giữ nguyên số lượng tùy chọn. Năm 2022, phân khúc này cũng chứng kiến sự rời đi của Honda Brio và VinFast Fadil. Mẫu xe VinFast từng lập đỉnh hơn 24.000 xe bán ra ở 2021.


Nhóm xe CUV cỡ A+ dùng động cơ đốt trong như Venue, Raize, Sonet có giá tương đồng với VF 5 nhất. Sở hữu xe của nhóm này hầu hết là cá nhân, di chuyển hàng ngày, hiếm dùng để kinh doanh nên ít chịu tác động của xu hướng điện hóa xe dịch vụ. Doanh số của bộ ba Hàn, Nhật từ 2022 đến 2024 gần như đi ngang, quanh ngưỡng 16.000 xe, riêng Venue đến cuối 2023 mới bán. Điều này cho thấy dù có thêm lựa chọn nhưng độ giãn nở thị phần của phân khúc này là rất ít.


Nhóm MPV cỡ B, nơi Mitsubishi Xpander thống lĩnh thị phần liên tiếp 6 năm qua, cũng có xu hướng giảm doanh số do thị trường có thêm nhiều lựa chọn mới để kinh doanh dịch vụ. Không chỉ xe điện, mà còn là sự xuất hiện của những nhãn mới từ Trung Quốc với kích thước nhỉnh hơn một chút, ví dụ như BYD M6, GAC M6 Pro hay gần đây là MG G50.


Nhóm xe kinh doanh dịch vụ ở Việt Nam hiện nay gồm chủ yếu là xe hatchback/sedan cỡ A, sedan và MPV cỡ B. Sau nhóm xe cỡ A, tác động của xe điện lên nhóm xe kinh doanh dịch vụ trong những năm tới nhiều khả năng là MPV giá dưới một tỷ đồng.


Trước 2024, nhóm xe MPV thường được dùng để chạy dịch vụ chưa có sản phẩm nào thuần điện. BYD là hãng tiên phong khi giới thiệu M6 vào tháng 10/2024. Tiếp đến, VinFast sẽ bán ra chiếc Limo Green 7 chỗ vào nửa cuối 2025. Sự xuất hiện của hai mẫu xe này, với tham vọng của BYD lẫn VinFast, hứa hẹn tạo nên cuộc đua sôi động ở nhóm xe đang có doanh số thuộc hàng cao nhất thị trường Việt, chỉ sau CUV cỡ B (tính trong 2024).


Thành Nhạn









Nguoi Viet dan it quan tam xe gam thap co nho


Ba nam qua (2022-2024), doanh so nhom xe hatchback co A va sedan co B giam lan luot 67% va 39%.

Người Việt dần ít quan tâm xe gầm thấp cỡ nhỏ

Ba năm qua (2022-2024), doanh số nhóm xe hatchback cỡ A và sedan cỡ B giảm lần lượt 67% và 39%.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá