Nghiên cứu của giáo sư trường sư phạm: Học thêm nhiều dễ khiến học sinh chán học

MỸ - Học thêm thường được kỳ vọng giúp cải thiện kết quả học tập, nhưng một nghiên cứu mới đây do giáo sư Soo-yong Byun (Trường ĐH Sư phạm, ĐH bang Pennsylvania) dẫn dắt cho thấy điều ngược lại: học sinh tiểu học học thêm nhiều dễ chán học trên lớp.


Nghiên cứu tập trung vào học sinh tiểu học ở Hàn Quốc, nơi hơn 80% trẻ em tham gia học thêm dưới nhiều hình thức, và được công bố trên tạp chí Comparative Education Review. Tuy nhiên, theo các tác giả, phát hiện này có ý nghĩa toàn cầu trong bối cảnh nhiều quốc gia đang đẩy mạnh các chương trình học phụ trợ.


Sử dụng dữ liệu từ Nghiên cứu Giáo dục Hàn Quốc 2013 (KELS), nhóm ĐH Stanford nghiên cứu đã phân tích hành vi và mức độ tham gia học tập của hơn 7.000 học sinh lớp 5 và lớp 6 - giai đoạn cuối bậc tiểu học. Kết quả cho thấy: Những học sinh học thêm liên tục trong cả hai năm này có xu hướng dễ bị xao nhãng, mệt mỏi và thậm chí ngủ gật khi học chính khóa.


Học thêm quá nhiều có thể khiến trẻ mệt mỏi, mất hứng thú với việc học trên lớp. Ảnh minh họa: Unsplash

“Các nhà hoạch định chính sách Hàn Quốc từ lâu đã lo ngại rằng học thêm quá mức có thể gây tổn hại đến sức khỏe và tinh thần học sinh. Giờ đây, chúng tôi đã có bằng chứng thực nghiệm cho thấy mối lo ấy là hoàn toàn có cơ sở”, giáo sư Byun nhận định.


Nghiên cứu đã kiểm soát nhiều yếu tố như kết quả học tập, điều kiện kinh tế, môi trường gia đình và đặc điểm trường học… để đảm bảo đánh giá chính xác tác động riêng biệt của học thêm đến hành vi học tập.


Dù mức độ ảnh hưởng không quá lớn, nhưng theo nhóm tác giả, đây là sự khác biệt có ý nghĩa trong bối cảnh các chương trình can thiệp giáo dục thường có hiệu quả hạn chế, và điều này có thể tác động đến hàng triệu học sinh trên toàn thế giới.


Ở Hàn Quốc, việc học thêm phổ biến đã tạo ra gánh nặng tài chính lớn cho các gia đình và làm gia tăng bất bình đẳng giáo dục. Trong khi học sinh từ gia đình khá giả dễ dàng tiếp cận các lớp luyện thi chất lượng cao, thì học sinh có hoàn cảnh khó khăn bị tụt lại phía sau cả về học lực lẫn sự gắn kết với nhà trường.


Tại Mỹ, dù tỷ lệ học thêm chưa cao như ở Hàn Quốc, nhưng xu hướng này đang gia tăng, đặc biệt khi các bậc phụ huynh ngày càng chú trọng đến thành tích và kỳ vọng vào các kỳ thi chuẩn hóa.


“Nhiều chính quyền bang ở Mỹ xem việc dạy kèm là cách giúp học sinh yếu kém theo kịp chương trình. Nhưng nếu quá lệ thuộc, học sinh có thể cảm thấy xa rời lớp học chính, ảnh hưởng đến sự kết nối với thầy cô và bạn bè”, ông Byun cảnh báo.


Một trong những thách thức lớn hiện nay là làm thế nào để quản lý lĩnh vực học thêm - vốn hoạt động chủ yếu trong khu vực tư nhân và nằm ngoài sự kiểm soát trực tiếp của chính phủ.


Giáo sư Byun cho rằng: Giải pháp là đầu tư vào các chương trình sau giờ học chất lượng cao do nhà trường tổ chức, nhằm thu hẹp khoảng cách về cơ hội học tập ngoài lớp học giữa các nhóm thu nhập khác nhau.


Ông cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của giáo viên và ban giám hiệu trong việc nhận diện sớm những học sinh có dấu hiệu mất hứng thú học và hỗ trợ kịp thời, tránh ảnh hưởng đến không khí học tập chung của lớp.


“Học thêm không xấu, nhưng nếu quá tải và thiếu kiểm soát, nó có thể làm tổn hại đến sự phát triển toàn diện của trẻ - không chỉ về học lực, mà cả về tinh thần và cảm xúc”, giáo sư Byun nói.


Theo ông, cần có thêm nhiều cuộc đối thoại chính sách và hợp tác quốc tế để giải quyết bài toán “giáo dục bóng tối” - thuật ngữ chỉ các hoạt động học thêm diễn ra ngoài hệ thống giáo dục chính quy.


“Từ một vấn đề mang tính khu vực tại Đông Á, học thêm đang trở thành hiện tượng toàn cầu. Chúng ta cần nhiều nghiên cứu và chính sách hơn để đảm bảo hệ thống giáo dục thực sự công bằng và nuôi dưỡng động lực học tập bền vững cho học sinh”, ông khẳng định.


Theo trang thông tin Pennstate, nhóm nghiên cứu của giáo sư Soo-yong Byun còn có sự tham gia của nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Penn State, Suyoung Park; giảng viên Đại học Sư phạm Quốc gia Hàn Quốc Hee Jin Chung, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại ĐH Stanford là Jilli Jung, giảng viên Đại học Ewha Womans (Hàn Quốc) Tae Seob Shin, giáo sư tại ĐH Monmouth (Mỹ) Jieon Kim.


Tiến sĩ Trần Nam Dũng: Không học thêm cũng có thể làm tốt đề môn Toán tốt nghiệp Tiến sĩ toán học Trần Nam Dũng cho rằng, về khách quan, đề môn Toán thi tốt nghiệp 2025 khá chuẩn. Đề thi khó vì dài, nhiều câu hỏi đưa bối cảnh trong đề nên được tiết chế.
Quốc hội thông qua Luật Nhà giáo: Không cấm dạy thêm, học thêm Quốc hội kỳ họp thứ 9 sáng nay biểu quyết thông qua Luật Nhà giáo, trong đó nêu rõ không cấm việc dạy thêm, học thêm, chỉ quy định nhà giáo không được ép buộc học thêm dưới mọi hình thức.