Đề án sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp do Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ngày 14/4 quyết định bãi bỏ cấp huyện. Điều này đồng nghĩa với việc các mô hình quen thuộc như thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố, quận, huyện và thị xã sẽ chấm dứt mô hình hoạt động.
Nền tảng cho sự thay đổi mang tính đột phá này bắt nguồn từ chủ trương đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Trung ương thống nhất thông qua tại hội nghị lần thứ 11 (Trung ương 13) với mục tiêu tối thượng là xây dựng một bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả hơn.
Trong mô hình hành chính mới, cấu trúc bộ máy sẽ đơn giản hóa, chỉ còn cấp tỉnh (bao gồm tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương) và cấp xã (gồm xã, phường và các đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố). Tất cả các đơn vị hành chính đang được xác định là cấp huyện trên cả nước sẽ chính thức kết thúc hoạt động từ ngày 1/7/2025.
Hiện nay, Việt Nam có 85 thành phố trực thuộc tỉnh, 53 thị xã, cùng hai đô thị đặc biệt là Thủ Đức (TP HCM) và Thủy Nguyên (Hải Phòng), vốn là các "thành phố trong thành phố". Dựa trên Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành, tất cả các đô thị này đều thuộc cấp huyện nên sẽ không còn được duy trì trong cấu trúc hành chính mới.
Các thành phố thuộc tỉnh và thành phố thuộc thành phố từ lâu đã đóng vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, dịch vụ và đầu mối giao thông quan trọng của tỉnh, thậm chí có ảnh hưởng đến cả vùng liên tỉnh hoặc quốc gia. Các đô thị này cũng thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và các vùng lân cận.
Trong số thành phố, thị xã thuộc tỉnh từ Bắc đến Nam có hàng chục đô thị tuổi đời từ vài chục đến cả trăm, có bề dày văn hóa, lịch sử. Tên gọi nhiều đô thị đã trở thành biểu tượng in dấu thời gian như Hà Giang, Cao Bằng, Việt Trì, Sa Pa, Vinh, Hội An, Nha Trang, Đà Lạt, Mỹ Tho...
"Thành phố thuộc tỉnh là sản phẩm của sự phát triển lâu dài", GS Nguyễn Quốc Sửu, Phó giám đốc Học viện Hành chính và Quản trị công, nói.
Trái ngược với những đô thị có lịch sử lâu đời, hai thành phố trực thuộc thành phố lại có tuổi đời rất trẻ. TP Thủ Đức mới được thành lập 5 năm, còn TP Thủy Nguyên chỉ mới hơn 4 tháng. Nhiều thành phố khác cũng được thành lập gần đây như Hoa Lư, Đông Triều, Bến Cát, Phú Mỹ.
Sự phân bố số lượng thành phố trực thuộc tỉnh cũng rất đa dạng. Bình Dương và Quảng Ninh là hai tỉnh có nhiều thành phố trực thuộc nhất, mỗi tỉnh có 5 thành phố. Quảng Ninh bao gồm Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả, Móng Cái, Đông Triều, trong khi Bình Dương có Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên, Bến Cát.
Đặc biệt, mức độ đô thị hóa cao được thể hiện rõ ở nhiều thành phố khi chỉ có các phường mà không có xã trực thuộc, như Bắc Ninh, Từ Sơn, Thủ Dầu Một, Dĩ An, Đông Hà, Sóc Trăng, Vĩnh Long.
Những thành phố du lịch
Cách Hà Nội 160 km, TP Hạ Long là thủ phủ của tỉnh Quảng Ninh, được thành lập năm 1993, trên cơ sở thị xã Hòn Gai. Sở hữu di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, nơi đây trở thành đô thị du lịch nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Theo phương án của tỉnh Quảng Ninh, Hạ Long có thể tách thành 11 phường và 2 xã.
Đầu năm 2025, TP Hoa Lư thành lập trên cơ sở nhập huyện Hoa Lư và TP Ninh Bình. Hoa Lư từng là kinh đô của Việt Nam từ năm 968 đến 1010, trải qua ba triều đại Đinh - Tiền Lê - Lý. Đây là một trong bốn vùng lõi của quần thể di sản thế giới Tràng An được UNESCO công nhận. Thành phố dự kiến tách thành 4 phường là Hoa Lư và 3 phường cùng tên chia theo hướng Đông, Tây, Nam.
Tại miền Trung, TP Hội An nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1999. Thương cảng Hội An hình thành thế kỷ 15-16 và thịnh đạt trong hai thế kỷ sau đó. Nơi đây từng là trung tâm buôn bán lớn vùng Đông Nam Á. Sau khi đất nước thống nhất, Hội An là thị xã của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.
Đầu năm 2008, Chính phủ thành lập TP Hội An thuộc tỉnh Quảng Nam. Năm 2024, Hội An đón 4,4 triệu lượt khách du lịch, tổng doanh thu hơn 5.230 tỷ đồng. Sắp tới, ba phường mới là Hội An, Thanh Châu, Thanh Hà và xã Tân Hiệp sẽ được hình thành trên cơ sở chia tách TP Hội An hiện nay.
Nằm ở trung tâm tỉnh Khánh Hòa, thành phố du lịch Nha Trang có tuổi đời vài chục năm. Năm 1937, vua Bảo Đại ra đạo dụ chuyển Nha Trang từ thị trấn lên thị xã. Đất nước thống nhất, tháng 3/1977, Nha Trang được nâng lên thành phố. Hơn 30 năm sau, Thủ tướng công nhận Nha Trang là đô thị loại I, trực thuộc tỉnh Khánh Hòa. Nơi đây có bãi biển dài đẹp chạy dọc thành phố. Vịnh Nha Trang có nhiều đảo nổi tiếng, thu hút du khách trong và ngoài nước. Thành phố du lịch này dự định sẽ tách thành ba phường Nha Trang, Bắc Nha Trang, Nam Nha Trang.
Nằm trên cao nguyên Lâm Viên (Lang Biang), Đà Lạt hình thành từ năm 1893, khi bác sĩ Alexandre Yersin đặt chân lên đây và thuyết phục toàn quyền Đông Dương Paul Doumer xây dựng khu nghỉ dưỡng. Từ đó, đô thị Đà Lạt hình thành, đến nay trải qua không ít thăng trầm. Dự kiến, TP Đà Lạt sẽ chia thành 5 phường là Xuân Hương - Đà Lạt, Cam Ly - Đà Lạt, Lâm Viên - Đà Lạt, Xuân Trường - Đà Lạt và Lang Biang - Đà Lạt.
Nhiều thành phố du lịch nổi tiếng khác của Việt Nam như Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Phan Thiết (Bình Thuận), Phú Quốc (Kiên Giang)... cũng sẽ được chia thành các phường xã hoặc đặc khu, theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Đô thị trăm tuổi
Nằm ở nơi hội tụ sông Đà, sông Lô, sông Thao, Việt Trì - thủ phủ tỉnh Phú Thọ còn được gọi là "thành phố ngã ba sông". Nơi đây xưa là kinh đô của nhà nước Văn Lang thời đại các vua Hùng dựng nước. Năm 2020, Việt Trì được Thủ tướng phê duyệt định hướng là thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam. Quy hoạch đến năm 2040, Việt Trì là trung tâm vùng, cực phát triển phía Tây Bắc Thủ đô Hà Nội, là thành phố du lịch, văn hóa, lịch sử quốc gia. Theo phương án sắp xếp của Phú Thọ, TP Việt Trì dự kiến sẽ tách thành 4 phường và một xã.
Cách Hà Nội 90 km về phía Tây Bắc, TP Nam Định đã có lịch sử hơn 750 năm hình thành và phát triển. Năm 1262, nhà Trần đã xây dựng Nam Định thành phủ Thiên Trường dọc bờ hữu ngạn sông Hồng. Năm 1831, nhà Nguyễn đặt tên là tỉnh Nam Định. Dưới thời Nguyễn, Nam Định là một thành phố lớn cùng với Hà Nội và Huế. Thời đó Nam Định còn có trường thi Hương, thi Hội, có Văn Miếu.
Năm 1921, Nam Định được toàn quyền Đông Dương công nhận là thành phố. Cách mạng thành công, năm 1945, Nam Định là thành phố đặt dưới quyền cấp kỳ (Bắc Bộ). Trong 11 năm từ 1945 đến 1956, Nam Định là thành phố trực thuộc Trung ương. Sau đó, TP Nam Định sáp nhập vào tỉnh Nam Định, là thủ phủ của địa phương này. Dự kiến, TP Nam Định sẽ tách thành 8 phường cùng tên, đánh số thứ tự từ 1 đến 8.
Với bề dày lịch sử hơn 200 năm, TP Thanh Hóa trước đây là trấn lỵ Hạc Thành - trung tâm kinh tế, văn hóa của trấn Thanh Hoa. Năm 1889, thị xã Thanh Hóa được thành lập. Năm 1994, Thanh Hóa được nâng cấp lên thành phố và là đô thị loại I năm 2014. Dự kiến TP Thanh Hóa sẽ tách thành 7 phường, gồm Hạc Thành đánh số từ 1 đến 4 và Đông Sơn đánh số từ 1 đến 3.
TP Vinh, tỉnh Nghệ An cũng có tuổi đời hàng trăm năm. Năm 1788, hoàng đế Quang Trung xây dựng Phượng Hoàng - Trung Đô tại vùng đất Yên Trường, nay thuộc phường Trung Đô, TP Vinh. Năm 1898, vua Thành Thái ra đạo dụ lập thị xã Vinh. Năm 1927, toàn quyền Đông Dương hợp nhất thị xã Vinh, Bến Thủy, Trường Thi lập TP Vinh.
Những năm đầu thế kỷ 20, Vinh là đô thị có nhiều nhà máy, xí nghiệp, bến cảng, hãng buôn, nhà băng, thu hút hàng chục nghìn công nhân. Đất nước độc lập, năm 1945, Vinh là thị xã của tỉnh Nghệ An. Gần 20 năm sau, Bộ Chính trị lập TP Vinh. Năm 2008, Vinh được mở rộng và trở thành đô thị loại I. Dự kiến có 6 phường được tách ra từ TP Vinh, gồm Cửa Lò và Vinh 1 đến 5.
Với tuổi đời hơn 340 năm, TP Mỹ Tho là một trong hai trung tâm thương mại lớn nhất Nam Bộ cuối thế kỷ 17. Trong quyển Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức mô tả "Mỹ Tho đại phố có nhà ngói cột chạm, đình cao, chùa rộng... ghe thuyền sông biển ở các ngã đến đậu đông đúc, làm thành một chốn đại đô hội, phồn hoa huyên náo". Mỹ Tho dự định tách thành 5 phường, trong đó một phường mang tên thành phố hiện nay.
Theo chủ trương đã thống nhất, chính quyền cấp huyện sẽ chấm dứt hoạt động sau khi Quốc hội thông qua việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025.
>> Danh sách thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trên cả nước
Vũ Tuân