Hai nguyên nhân khiến nam thanh niên đột quỵ tuổi 23

Khoảng 13h ngày 4/7, người thân phát hiện nam thanh niên đột ngột lơ mơ, không nói được và liệt nửa người phải.


Nam bệnh nhân 23 tuổi (trú tại thành phố Cần Thơ) được người nhà phát hiện lơ mơ, mất ngôn ngữ, liệt nửa người phải nên đưa đến bệnh viện chiều 4/7. Bác sĩ xác định anh nhồi máu não bán cầu trái, tắc động mạch cảnh và động mạch não giữa trái.


Người bệnh lập tức được đưa vào phòng cấp cứu can thiệp hút huyết khối. Sau đó, mạch máu được tái thông. Anh đang được theo dõi tại phòng Hồi sức cấp cứu.


Bác sĩ CK1 Tô Văn Tân cho biết, đây là ca đột quỵ thể nhồi máu não hiếm gặp ở người trẻ. Thông thường, đột quỵ ở độ tuổi 20 thường do xuất huyết não vì túi phình hoặc dị dạng mạch máu, nhưng trường hợp này lại là nhồi máu não - một dạng đột quỵ thường gặp ở người lớn tuổi.


Theo gia đình, bệnh nhân không có bệnh lý nền, nhưng có thói quen thức khuya (ngủ lúc 1-2h sáng) và hút 10 điếu thuốc lá mỗi ngày từ năm 17 tuổi. Những yếu tố này, theo bác sĩ Tân, là “kẻ thù âm thầm” làm tăng xơ vữa mạch máu, đẩy nhanh lão hóa và dẫn đến đột quỵ dù tuổi còn trẻ.


Nam thanh niên vẫn đang phải hồi sức tích cực. Ảnh: Đ.Thịnh.

Theo Tiến sĩ Trần Chí Cường, Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TPHCM, đột quỵ không còn là bệnh của người già. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 15 triệu ca đột quỵ toàn cầu, với gần 6 triệu người tử vong và 5 triệu người tàn phế. Tại Việt Nam, hơn 200.000 ca đột quỵ được ghi nhận mỗi năm, tương đương 500 ca mỗi ngày. Đáng lo ngại, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ đang gia tăng, đặc biệt ở những người có lối sống thiếu khoa học.


Đột quỵ ở người trẻ thường liên quan đến thói quen sống không lành mạnh: hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, stress kéo dài, thiếu ngủ, ít vận động, sử dụng chất kích thích. Huyết áp cao, rối loạn mỡ máu, béo phì cũng là những “kẻ đồng lõa”.


Tiến sĩ Cường nhấn mạnh, 90% bệnh nhân đột quỵ biết trước nguy cơ của mình nhưng chủ quan, không kiểm soát kịp thời. Đặc biệt, thói quen hút thuốc lá và thức khuya, như trường hợp nam thanh niên trên, là những yếu tố đẩy nhanh quá trình xơ vữa mạch máu, dẫn đến hậu quả khó lường.


Đột quỵ có 3 dấu hiệu chính: mặt méo; yếu hoặc liệt tay chân; nói khó hoặc mất ngôn ngữ. Khi phát hiện một người có các dấu hiệu trên, cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay trong “thời gian vàng” (4-6 giờ đầu) để tăng cơ hội cứu sống. Hậu quả của đột quỵ rất nặng nề: 30% số bệnh nhân để lại di chứng nhẹ, 40% tàn phế một phần, 30% tàn phế nặng hoặc tử vong. Chỉ 3/10 bệnh nhân có thể trở lại cuộc sống bình thường.


Bác sĩ Cường cho rằng đột quỵ không phải số phận mà là hệ quả của lối sống. Để phòng ngừa, cần bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia; ngủ đủ giấc, giảm stress, cố gắng duy trì thói quen ngủ 7-8 giờ mỗi đêm, tránh thức khuya. Tập thể dục thường xuyên, kiểm soát sức khỏe định kỳ, đo huyết áp, kiểm tra mỡ máu, đường huyết để phát hiện sớm nguy cơ.


Trẻ 14 tuổi đột quỵ, lòng vòng qua 3 bệnh viện bỏ lỡ thời gian 'vàng'Theo bác sĩ Nguyễn Huy Thắng, việc đưa bệnh nhân đến đúng cơ sở y tế có khả năng điều trị đột quỵ sẽ cứu được nhiều mạng sống và giảm gánh nặng tàn phế.
Nỗi ân hận của người thợ hồ trẻ sau cơn đột quỵ lúc giữa trưa33 tuổi, anh T. hút thuốc lá hơn 10 năm, chưa một lần khám sức khỏe tổng quát và khi đang làm việc tại công trường đã bất ngờ bị đột quỵ.