Mục đích cốt lõi của công nghệ là phục vụ loài người
Ngày 17/4, Diễn đàn văn hóa công nghiệp hội tụ 2025 CICON Việt Nam 2025 diễn ra với chủ đề "Thời đại AI: Hợp tác kinh tế giữa Hàn Quốc và Việt Nam". Sự kiện này quy tụ hàng trăm lãnh đạo cấp cao, doanh nhân, nhà sáng tạo và nhà đầu tư từ Việt Nam và Hàn Quốc.
Một trong những nội dung quan trọng được Giáo sư, Tiến sĩ Young-Sup Joo, Giáo sư trường Đại học Seoul, Cựu Bộ trưởng Bộ quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc, làm rõ là vai trò của công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) trong thời kỳ phát triển mới của thế giới.
Ông Young-Sup cho biết trước đây, thế giới phân biệt rất rõ giữa các nước phát triển, đang phát triển và kém phát triển nhưng hiện nay AI là cơ hội cho các nước vượt lên.
"Chúng ta đang ở trong thời đại chuyển đổi rất nhanh của cách mạng công nghiệp lần 4, ứng dụng AI", ông Young-Sup nhận định.

Hiện nay, thế giới có nhiều vấn đề mới cần quan tâm giải quyết như sự phân cực của các mối quan hệ giữa các nước, chuyển đối số, xử lý khủng hoảng khí hậu, trung hòa carbon, chuyển đổi xanh. Mục đích cuối cùng của trí tuệ nhân tạo là công cụ ứng dụng giải quyết các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội và môi trường. Ông khẳng định, mục đích cuối cùng công nghệ là phục vụ sự phát triển của nhân loại.
Chuyên gia này cho rằng chúng ta cần có tư duy xem AI là công cụ hỗ trợ trong công cuộc cách mạng để đạt được mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Mục tiêu của các quốc gia khi sử dụng công nghệ hiện nay là con người phải được đặt ở vị trí trung tâm.
Vấn đề cần đặt ra trước khi phát triển bất kỳ công nghệ đều cần xoay quanh mục đích cao nhất, cốt lõi nhất là phục vụ loài người, đảm bảo sự phát triển bền vững của loài người. Ông Young-Sup nhấn mạnh hướng đi này mới giúp công nghệ phát triển bền vững.
"Điều này đòi hỏi các quốc gia trên thế giới phải đi chung trên một lộ trình. Các doanh nghiệp cũng không nằm ngoài mục đích chung khi sử dụng công nghệ", Giáo sư Đại học quốc gia Seoul khẳng định.
Theo đó, nền tảng cốt lõi để phát triển kinh tế trong thời kỳ mới là tận dụng sức ảnh hưởng của con người kết hợp với AI. Và AI phải xử lý được những vấn đề của con người, sự phát triển bền vững của nhân loại.
Việt Nam đang đi đúng hướng
Tại phiên thảo luận, Tiến sĩ Nguyễn Quân - Cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - cho biết rất ấn tượng với phần trình bày của giáo sư Joo, Young Sup về vai trò của công nghệ, chuyển đổi số, đặc biệt là gắn với liền với sự phát triển của nền văn minh nhân loại.
Ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Khởi nghiệp và Doanh nghiệp công nghệ - đánh giá cách tiếp cận khai thác AI theo hướng mở rộng năng lực của con người, giải quyết nỗi đau của con người, hướng tới phát triển bền vững là cách tiếp cận rất đúng đắn. Hiện nay, Việt Nam cũng hướng tới tận dụng đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, AI để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP đạt mức 2 chữ số.

Cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ thêm, Việt Nam từ rất sớm xác định chủ động tham gia vào cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 với nòng cốt là chuyển đổi số, cấp độ cao hơn là chuyển đổi AI. Năm 2020, Việt Nam đã thông qua chiến lược chuyển đổi AI đồng thời có chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Việt Nam sắp ban hành các ngành công nghiệp chiến lược và các sản phẩm công nghệ chiến lược, trong đó có thành tố AI, chip AI sẽ được đưa vào danh mục. Chính phủ sẽ có chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho sự phát triển của AI trong nền kinh tế Việt Nam.
"Mục tiêu của Việt Nam đến năm 2030 kinh tế số sẽ đóng góp 30% GDP quốc gia. Kinh tế số sẽ chắc chắn dựa trên chuyển đổi số như AI. Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi dự kiến sẽ đầu tư 2% GDP quốc gia cho nghiên cứu phát triển, chủ yếu tập trung cho chuyển đổi số doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước và đào tạo nguồn nhân lực AI", ông Nguyễn Quân khẳng định.
Giáo sư Young-Sup rất ấn tượng bởi con số 2% GDP được đưa ra và đánh giá phương hướng phát triển này của Việt Nam rất đúng đắn. Hàn Quốc cũng đang dành ngân sách lớn cho khoa học công nghệ và gần đây là AI. Trước đây, Hàn Quốc cũng dành 2% GDP quốc gia cho nghiên cứu phát triển và nâng dần lên 4%.
Ông Phạm Hồng Quất cũng bổ sung thêm ý kiến Việt Nam đang hướng tới mục tiêu phát triển thế hệ doanh nhân mới trong lĩnh vực AI. Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ bày tỏ mong muốn có sự hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc giữa các viện nghiên cứu, trường đại học để phát triển nguồn nhân lực về AI.
Cũng trong khuôn khổ diễn đàn, ông Trần Đình Tùng - Chủ tịch Hiệp hội Kỹ sư xây dựng Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn TRV - cũng kêu gọi sự hợp tác giữa Hàn Quốc và Việt Nam để cùng xây dựng các chương trình đào tạo, trao đổi và công nhận chứng chỉ để kỹ sư Việt Nam vươn xa hơn.

Mặc dù Việt Nam có đội ngũ kỹ sư xây dựng trẻ tuổi nhưng nhiều kỹ sư chưa được tiếp cận đầy đủ với các tiêu chuẩn quốc tế như Eurocode, AS, BS, ASTM hay các công nghệ tiên tiến như BIM và AI.
Bên cạnh đó, khoảng cách về kỹ năng quản lý dự án, giao tiếp và hợp tác quốc tế vẫn còn hạn chế. Việc chuẩn hóa năng lực và công nhận chuyên môn theo tiêu chuẩn toàn cầu vẫn là một hành trình khá dài và nhiều chông gai.
Ông Tùng cũng đề xuất các trường đại học và tổ chức đào tạo Hàn Quốc hỗ trợ nâng cao chất lượng giảng dạy, cung cấp cơ hội thực tập và hướng dẫn nghề nghiệp cho thế hệ kỹ sư trẻ tại Việt Nam.