Bệnh nhân mua sản phẩm "từ nước ngoài" với giá gần 400.000 đồng một hộp để giảm cân, thải độc, tăng cường miễn dịch và cải thiện làn da. Sau một tháng uống, các nốt ban đỏ xuất hiện ở hai tay rồi lan ra chân, mặt và toàn thân. Da xuất hiện mụn nước, trợt loét ở môi, niêm mạc miệng họng viêm xung huyết kèm ngứa, đau rát.
Ngày 4/7, ThS.BS Danh Bảo Khánh, Khoa Da liễu - Dị ứng, Bệnh viện Quân y 175, cho biết người bệnh bị phát ban dát sẩn, hồng ban do dị ứng thuốc chưa rõ nguồn gốc, nguy cơ diễn tiến thành hội chứng Stevens-Johnson, hội chứng Lyell. Đây là những thể nặng của dị ứng thuốc, tỷ lệ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời.
Xét nghiệm cho thấy bệnh nhân có nhiều chỉ số bất thường "đáng báo động", bạch cầu tăng cao, men gan tăng, suy giảm chức năng thận, các chỉ số viêm đều tăng. Sau gần hai tuần điều trị tích cực với phác đồ chống dị ứng, thuốc ức chế phản ứng miễn dịch của cơ thể, thuốc kháng sinh chống bội nhiễm, chăm sóc da, bệnh nhân dần phục hồi, hết sốt, các tổn thương cải thiện.
Bác sĩ khuyến cáo không tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc hay thực phẩm chức năng nào, dù theo lời khuyên của người quen hay các quảng cáo hấp dẫn trên mạng xã hội. Thuốc chỉ nên dùng khi thật sự cần thiết và phải tuân thủ nghiêm chỉ định của bác sĩ. Thực phẩm chức năng cần được sử dụng một cách thận trọng, chỉ khi cơ thể thật sự cần bổ sung và phải tìm hiểu kỹ nguồn gốc, chất lượng, cũng như tư vấn y tế.
"Dị ứng thuốc có thể xảy ra với bất kỳ ai, ở bất kỳ thời điểm nào và diễn tiến rất nhanh, nguy hiểm", bác sĩ nói. Khi có dấu hiệu bất thường như phát ban, sốt, nổi mụn nước, loét miệng, cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.
Lê Phương