Đẩy mạnh tiêm vắc xin ngăn ngừa dịch sởi trong trường học

Tại TPHCM ghi nhận nhiều ổ dịch sởi mới phát hiện, ngành y tế thành phố đã đẩy mạnh tiêm vắc xin cho học sinh chưa tiêm hoặc thiếu mũi.


Tăng cường tiêm vắc xin


Ngày 14/9, Sở Y tế TPHCM cho biết trên địa bàn tiếp tục ghi nhận 5 ổ dịch sởi tại các cơ sở giáo dục gồm Trường TH Phạm Hữu Lầu (phường Phú Mỹ, quận 7) 4 ca, Trường TH Huỳnh Văn Bánh (xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh) 3 ca, Trường TH Lại Hùng Cường (xã Vĩnh Lộc B) 2 ca, Trường TH Võ Thị Sáu (phường Phú Thạnh, quận Tân Phú) 2 ca, Trường TH Nguyễn Văn Tây (phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức) 3 ca.


Để phát hiện và ngăn chặn các ổ dịch lây lan, đơn vị y tế này đã thành lập 12 tổ phản ứng nhanh theo khu vực các trường học phát sinh dịch bệnh. Đồng thời đẩy mạnh tiêm vắc xin cho học sinh chưa tiêm hoặc thiếu mũi.


Theo ngành y tế TPHCM, hiện còn 75% số trẻ mắc bệnh chưa tiêm đủ vắc xin, 80% số trẻ mắc bệnh chưa được tiêm ngừa đủ mũi, toàn thành phố ước tính gần 61.000 trẻ từ 1-5 tuổi, khoảng 64.000 từ 6-10 tuổi chưa tiêm đủ mũi vắc xin sởi.


Tiêm phòng vắc xin sởi cho học sinh tại TPHCM. Ảnh: Sở Y tế TPHCM.

Để tăng cường tiêm vắc xin cho học sinh, Sở Y tế yêu cầu các trạm y tế phối hợp với nhà trường rà soát lịch sử tiêm chủng của tất cả học sinh và sàng lọc trẻ đủ điều kiện tiêm. Với những học sinh có bệnh lý nền, trạm y tế tư vấn phụ huynh đưa con đến bệnh viện tiêm. Ngành y tế đã phối hợp với ngành giáo dục, yêu cầu phụ huynh nộp đầy đủ sổ tiêm chủng của trẻ. Cán bộ y tế tại trạm y tế và trường học kiểm tra trên hệ thống tiêm chủng để xác định các bé đã tiêm đủ mũi hay chưa.


Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM, tính đến hết ngày 14/9, toàn thành phố có 84 điểm tiêm, với tổng cộng 6.882 mũi tiêm được thực hiện. Trong đó, nhóm trẻ từ 1-5 tuổi đã được tiêm 560 mũi và nhóm 6-10 tuổi là 6.111 mũi. Đặc biệt, các trường hợp trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao và nhân viên y tế cũng đã được đảm bảo tiêm chủng an toàn.


Kiểm soát môi trường lớp học


Theo Phó giáo sư Lê Thị Anh Thư - nguyên trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), tiêm ngừa là biện pháp nhanh chóng ngăn ngừa dịch sởi trong cộng đồng cũng như trường học.


Ngoài ra, các bệnh viện điều trị bệnh nhân sởi và cơ sở giáo dục cần tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn để ngăn ngừa dịch bệnh. Sởi lây qua đường không khí giống Covid-19 nên các biện pháp phòng ngừa bao gồm cách ly học sinh mắc bệnh, khử khuẩn làm sạch môi trường bằng các dung dịch vệ sinh sát khuẩn.


Các trường cần đẩy mạnh tuyên truyền cho học sinh về dịch bệnh trong trường học. Ảnh minh họa: P.Thúy.

Nhà trường tổ chức vệ sinh trường lớp thường xuyên. Lớp học phải lau sàn, bàn ghế, nắm đấm cửa, vật dụng đồ chơi, khu vệ sinh chung. Phòng học, phòng ngủ tăng thông khí, đầy ánh sáng tự nhiên bằng cách mở cửa sổ, cửa ra vào. Phụ huynh và thầy cô cần hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà phòng sau khi vui chơi, đi vệ sinh và trước khi ăn, thay quần áo sạch hằng ngày.


Trường hợp trẻ nhiễm sởi, gia đình thông báo ngay cho nhà trường, trạm y tế phường, xã, thị trấn để phối hợp xử lý.


Theo khuyến cáo của các chuyên gia truyền nhiễm, tiêm đủ 2 mũi vắc xin có thể phòng 98% nguy cơ lây bệnh. Tại Việt Nam, vắc xin sởi được tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi phối hợp 3 trong 1 gồm sởi - quai bị - rubella.


Trước đó, ngày 6/9, Ủy ban nhân dân TPHCM đã ban hành văn bản gửi Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện về việc triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng chống dịch sởi trên địa bàn TPHCM năm 2024.


Theo đó, các địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng chống dịch sởi cho trẻ từ 1-10 tuổi đang sinh sống, học tập trên địa bàn.


Nhằm tiếp tục đẩy mạnh hoạt động giám sát bệnh truyền nhiễm và hạn chế dịch bệnh xảy ra trong các cơ sở giáo dục, tại công văn số 2903 của Sở Y tế TPHCM vào 4/2023 hướng dẫn triển khai một số nội dung về kiểm soát bệnh truyền nhiễm trong trường học.


Trong đó tập trung công tác truyền thông phòng bệnh trong trường học về đặc điểm, các dấu hiệu nhận biết của các bệnh truyền nhiễm. Các cơ sở giáo dục thực hiện 3 sạch “ăn sạch, ở sạch, bàn tay sạch”, đảm bảo các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường.


Các vấn đề sức khỏe phổ biến nhất ở học sinh

Tỷ lệ học sinh mắc tật khúc xạ, sâu răng, thừa cân, béo phì còn cao, đặc biệt ở nhóm tiểu học.

Ngành giáo dục cần bổ sung cử nhân dinh dưỡng giám sát bữa ăn học đường

Theo Phó giáo sư Lâm, ngành giáo dục nên có biên chế cử nhân dinh dưỡng trường học hoặc một cụm trường cần cán bộ dinh dưỡng để lên thực đơn, giám sát thực phẩm đầu vào.