`Con đường chuyển hóa` (phần 1): Suy xét và quán chiếu

Nhà sư Thích Pháp Hòa cho rằng khi đã suy xét và quán chiếu, nếu thấy không ổn, dù đó là lời Phật, cũng không nên tin theo.


Sách Con đường chuyển hóa tập hợp 50 bài giảng của nhà sư Thích Pháp Hòa về cách chuyển hóa niềm đau thành sự an vui. Ấn phẩm chọn lọc các bài trong 30 năm giảng pháp của ông, hệ thống các giáo lý quan trọng của đạo Phật và các pháp môn tu tập qua cách kể chuyện bình dân, gần gũi. Dịp này, VnExpress đăng một số trích đoạn, tên các phần do tòa soạn đặt.


Bất cứ điều gì cũng cần tư duy, suy xét và quán chiếu


Trong kinh Kalama đức Phật có dạy rằng: "Các vị đừng vội tin bất kỳ điều gì, cho dù điều đó đã được truyền lại qua nhiều đời, nhiều kiếp". Thậm chí, ở cuối bài kinh, đức Phật còn nói: "Dù đó là lời tôi nói ra, quý vị cũng không nên vội tin, mà phải tư duy, suy xét và quán chiếu".


Điều gì mà sau khi đã suy xét và quán chiếu, mình vẫn thấy nó không ổn, thì cho dù đó là lời Phật, mình cũng không nhất thiết phải tin theo. Mình không nên răm rắp nghe theo chỉ vì đó là lời của Phật, bởi vì lời Phật dạy giống như một toa thuốc. Nếu mình uống thuốc theo toa đó mà không thấy bệnh thuyên giảm, thì tại sao mình lại tiếp tục theo toa thuốc đó? "Thuốc nào trị được bệnh là thuốc tốt, pháp nào trị được tâm bệnh của chúng sanh là pháp tốt." Đó là lời của ngài Ấn Quang. Cho nên tự mình phải kiểm nghiệm thôi.


Không phải vị nào tu trong Phật giáo cũng nói đúng đâu, mà mình phải dùng tư duy để suy xét. Có một chuyện mà Pháp Hòa cứ nghe các Phật tử kể lại hoài, và Pháp Hòa cũng nói rất nhiều lần về vấn đề này nhưng vẫn còn nhiều Phật tử gặp phải. Ví dụ, một Phật tử thờ Phật ở nhà, một người tới chơi, thấy tượng Phật và nói: "Trời ơi, sao chị lại thờ Phật ngồi?". Tượng Phật ngồi mà người đó nói là tượng Quan Âm ngồi, hai chân tréo lên, tay bắt ấn, tay cầm bình nước. Rồi người đó giải thích: "Chị đừng thờ Phật ngồi như vậy. Lỡ có chuyện gì, chị kêu, ngài đứng dậy lâu lắm". Phật tử này mới hỏi: "Vậy mình phải thờ Phật làm sao?". Người đó nói: "Chị đi ra tiệm hay vô chùa kiếm Quan Âm nào mà một chân co lên, một chân thòng xuống".


Quý vị biết tượng Quan Âm đó không? Đó là tượng Quan Âm Tự Tại. Ngài ngồi, một chân ngài co lên, một tay gác trên đầu gối, một chân ngài duỗi xuống. Phật tử hỏi: "Chi vậy?". Người đó nói: "Để khi cần đứng lên cho lẹ". Một cô Phật tử khác đi chùa, thấy tượng Phật Quan Âm đứng đẹp quá, cổ thỉnh về thờ. Một bà tới chơi và nhìn thấy tượng Phật, bả nói: "Trời ơi, sao chị lại thờ Phật đứng? Đứng là khổ đó. Chị thờ vậy nên cuộc đời chị khổ". Rồi bả khuyên: "Đem trả tượng đứng đi, đi kiếm tượng ngồi". Nghe vậy, cô Phật tử đó đi thỉnh một tượng Phật ngồi thật to về thờ. Bà đó lại nói: "Chị không được thờ tượng bự, vì tượng bự để chùa thờ thôi". Nghe vậy, cô Phật tử đó bưng tượng Phật bự vô chùa, nói: "Thầy cho con gửi ‘bà lớn’ lại, con xin kiếm ‘bà nhỏ’". Pháp Hòa nói: "Trời ơi, giống như là Phật không yên với mình vậy, đứng không được, ngồi không xong, kể cả ngồi tréo chân, co chân hay duỗi chân cũng không được". Mình bất an là Phật bất an theo.


Cho nên thưa đại chúng, trong mọi chuyện khác cũng vậy, lời người khác nói, mình phải suy nghĩ, không phải người ta nói gì cũng đúng đâu. Trong Phật giáo cũng vậy thôi, cũng có những vị không có chánh kiến mà có tà kiến. Pháp Hòa xin xác nhận, "tà" không phải là xấu hay ác. Họ chỉ hiểu không đúng rồi cứ đi truyền tải cái không đúng đó cho người khác. Có vị dạy: "Thà phá giới chứ đừng phá kiến". Nếu mình lỡ phá giới thì tội lỗi một mình mình chịu thôi, còn mình có tà kiến và nói những điều không đúng để người ta nghe theo, thì hết đời này tới đời khác, người này đau khổ kéo theo người khác khổ đau, như vậy thì càng khổ hơn nữa.


Cho nên phá giới tội nhẹ hơn phá kiến, vì phá kiến là phá đi những chánh kiến rồi đưa những tà kiến, tà tư duy len lỏi vào đó. Cho nên Phật dạy mỗi người phải có chánh tư duy, chứ không được tà tư duy. Chánh tư duy mới đưa tới chánh ngữ, chánh nghiệp. Còn tà tư duy sẽ đưa tới tà ngữ, tà nghiệp, thậm chí còn đưa tới tà tinh tấn thay vì chánh tinh tấn. Cho nên Pháp Hòa không dám nói cái nào tốt, cái nào xấu, cái nào đúng, cái nào sai, mà quý vị phải tự mình suy xét, quán chiếu.


Bây giờ, giả sử quý vị muốn đi vô quán bar, quý vị hỏi Pháp Hòa: "Đi chỗ đó được không thầy?". Không nói được. Tự mình phải tư duy, vì mình đã gọi tên nó là gì rồi thì tự mình phải biết ý nghĩa và hoạt động của nó.


Còn tiếp


Nhà sư Thích Pháp Hòa, 51 tuổi, sinh tại Cần Thơ, là con trưởng trong gia đình có hai anh em. Bảy tuổi, ông xin mẹ dẫn vào một tịnh xá để quy y và phát nguyện ăn chay, tụng kinh, thờ Phật. 12 tuổi, hai anh em ông cùng mẹ sang Canada định cư, đoàn tụ cha. Năm mười lăm tuổi, ông Thích Pháp Hòa xuất gia. Đến năm 2006, sau một thời gian tu tập và giảng pháp, ông được vị bổn sư tin cậy giao phó vai trò trụ trì Tu viện Trúc Lâm (tỉnh Alberta, Canada). Năm 2007, nhà sư đảm nhiệm thêm trọng trách trụ trì tu viện Tây Thiên. Năm 2024, ông ra mắt cuốn Chia sẻ từ trái tim,tập hợp 50 bài giảng vè luật nhân quả.


Trên kênh YouTube cá nhân có hơn 1,6 triệu người theo dõi, các bài nói chuyện hay buổi phát trực tiếp của nhà sư Thích Pháp Hòa luôn hút lượt xem lớn. Phần lớn bình luận nhận xét nội dung ông truyền đạt dễ hiểu.


(Trích sách Con đường chuyển hóa, công ty sách First News)









'Con duong chuyen hoa' (phan 1): Suy xet va quan chieu


Nha su Thich Phap Hoa cho rang khi da suy xet va quan chieu, neu thay khong on, du do la loi Phat, cung khong nen tin theo.

'Con đường chuyển hóa' (phần 1): Suy xét và quán chiếu

Nhà sư Thích Pháp Hòa cho rằng khi đã suy xét và quán chiếu, nếu thấy không ổn, dù đó là lời Phật, cũng không nên tin theo.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá