Cảnh giác ho gà và viêm màng não mô cầu

Ho gà và não mô cầu dễ lây nhiễm qua đường hô hấp, gây ra các biến chứng nặng như viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng máu, tỷ lệ tử vong cao.


BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết như trên, trong bối cảnh Bà Rịa - Vũng Tàu ghi nhận bé trai 36 tháng tuổi tử vong do não mô cầu, TP HCM và Đồng Nai cũng có ca mắc. Còn Cao Bằng có 4 ca ho gà, trong đó một ca tử vong.


"Ho gà và não mô cầu xuất hiện rải rác quanh năm, nguy cơ cao hơn khi hệ miễn dịch suy giảm sức đề kháng do thời tiết giao mùa thất thường như hiện nay", bác sĩ Chính nói.


Vi khuẩn gây bệnh ho gà và não mô cầu có trong dịch tiết mũi, họng của người bệnh. Người khỏe mạnh hít phải các giọt bắn khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện sẽ nhiễm vi khuẩn. Vi khuẩn cũng có thể bám vào các vật dụng như ly uống nước, chén, bát, lây nhiễm khi sử dụng chung.


Nguồn bệnh não mô cầu còn có thể đến từ người lành mang trùng (người mang vi khuẩn nhưng không biểu hiện triệu chứng). Ở những người này, vi khuẩn cư trú tại vùng mũi, họng và chờ cơ hội gây bệnh khi sức đề kháng giảm hoặc khi gặp điều kiện thuận lợi như mắc các bệnh gây suy giảm miễn dịch, hút thuốc lá... Trong cộng đồng, tỷ lệ người lành mang trùng chiếm tỷ lệ 5-25%. Tỷ lệ này cao hơn khi có các vụ dịch, đồng thời là nguồn lây khó kiểm soát.


Do đặc tính lây lan qua đường hô hấp, những người tiếp xúc gần gũi với nguồn bệnh có khả năng nhiễm vi khuẩn cao nhất. Theo thống kê, tỷ lệ lây nhiễm ho gà trong gia đình hoặc môi trường khép kín gần 100%.


Với não mô cầu, các nghiên cứu chỉ ra bệnh có tỷ lệ mắc cao hơn ở môi trường đông người như trường học, ký túc xá, viện dưỡng lão, công ty, xí nghiệp... Trẻ nhỏ dễ mắc ho gà và não mô cầu nhất do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, khả năng chống chọi tác nhân gây bệnh kém.


Ho gà và não mô cầu đều có thể gây ra các biến chứng nặng, để lại di chứng lâu dài. Trong đó, ho gà kéo dài ở trẻ nhỏ khiến trẻ mệt mỏi, nôn ói, khó thở, suy dinh dưỡng, dễ bội nhiễm mầm bệnh gây viêm phổi viêm phế quản, suy hô hấp. Bệnh gây thiếu oxy và ngưng thở khi ho có thể gây tổn thương hệ thần kinh, viêm màng não, viêm não, xuất huyết não, tăng nguy cơ tử vong.


Còn vi khuẩn não mô cầu làm tổn thương các mạch máu trên khắp cơ thể gây chảy máu vào da, các cơ quan. Viêm màng não do não mô cầu được xem là cấp cứu y khoa, đòi hỏi chẩn đoán và can thiệp nhanh chóng, do người bệnh có khả năng tử vong trong 24 giờ kể từ khi khởi phát triệu chứng. Trường hợp sống sót, có đến 20% gặp di chứng cắt cụt chi, chậm phát triển trí tuệ, điếc, liệt, tàn tật suốt đời...


Ngoài ra, ở giai đoạn đầu, não mô cầu và ho gà có triệu chứng không đặc hiệu như sốt, đau họng, chảy nước mũi, ho... khiến bệnh dễ nhầm lẫn với cảm lạnh, cúm. Việc này dẫn đến điều trị muộn, tăng nguy cơ biến chứng, tử vong.


Theo bác sĩ Chính, tiêm vaccine phòng ho gà và não mô cầu là biện pháp phòng bệnh hiệu quả hiện nay. Vaccine ngừa ho gà có trong tiêm chủng mở rộng và dịch vụ với các loại như: vaccine 5 trong 1, 6 trong 1, có thể tiêm sớm nhất từ 6 tuần tuổi. Kháng thể từ vaccine ho gà giảm dần theo thời gian, trẻ em cần tiêm nhắc lại để củng cố miễn dịch phòng bệnh theo lịch: một mũi vào các mốc 4-6, 9-15 tuổi, sau đó cứ mỗi 10 năm tiêm nhắc một lần.


Trẻ dưới hai tháng tuổi, trước khi đến tuổi tiêm chủng vaccine có nguy cơ mắc bệnh ho gàvà tỷ lệ tử vong cao. Do đó, thai phụ được khuyến cáo tiêm ngừa bạch hầu - ho gà - uốn ván vào ba tháng giữa hoặc ba tháng cuối thai kỳ để truyền kháng thể thụ động bảo vệ bé sau khi sinh. Các thành viên trong gia đình cũng nên rà soát để tiêm chủng đầy đủ, tránh lây bệnh.


Vaccine ngừa não mô cầu chỉ được cung cấp trong tiêm chủng dịch vụ. Mỗi người được khuyên nên tiêm hai loại vaccine não mô cầu, để phòng 5 nhóm huyết thanh của vi khuẩn não mô cầu là A, B, C, Y, W-135.


Hiện Việt Nam có ba loại vaccine phòng não mô cầu, gồm mũi phòng não mô cầu nhóm B (Bexsero - Italy) tiêm từ 2 tháng đến 50 tuổi, nhóm BC (VA-Mengoc-BC - Cuba) tiêm từ 6 tháng đến 45 tuổi, nhóm ACYW-135 (Menactra - Mỹ) tiêm từ 9 tháng đến 55 tuổi.


Để tăng hiệu quả phòng bệnh, người dân phối hợp thực hiện các biện pháp: rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho, hắt hơi, nói chuyện; đeo khẩu trang khi ra đường, đến nơi đông người. Mỗi người nâng cao sức khỏe tổng thể thông qua dinh dưỡng cân bằng, tập thể dục thường xuyên, uống đủ nước.


Người lớn, trẻ em giữ vệ sinh thân thể, nơi ở, thường xuyên súc họng để tránh vi khuẩn gây bệnh xâm nhập. Khu vực nhà trẻ, trường học đảm bảo sạch sẽ, thông thoáng; hạn chế để trẻ đến những nơi đông người, tránh tiếp xúc với những người mang mầm bệnh. Khi mắc bệnh, gia đình, trẻ em cần đến cơ sở y tế để khám, điều trị không chủ quan, tự mua thuốc uống khiến bệnh nặng hơn.


Tuấn An









Canh giac ho ga va viem mang nao mo cau


Ho ga va nao mo cau de lay nhiem qua duong ho hap, gay ra cac bien chung nang nhu viem phoi, viem mang nao, nhiem trung mau, ty le tu vong cao.

Cảnh giác ho gà và viêm màng não mô cầu

Ho gà và não mô cầu dễ lây nhiễm qua đường hô hấp, gây ra các biến chứng nặng như viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng máu, tỷ lệ tử vong cao.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá