Khu Công nghệ cao Hòa Lạc là dự án quan trọng được Chính phủ giao cho Bộ KH&CN triển khai thực hiện và quản lý nhằm nâng cao tiềm lực KH&CN quốc gia. Đây là khu công nghệ cao đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ thành lập từ năm 1998.
Lễ chuyển giao là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, là sự cụ thể hóa chủ trương của Đảng về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, làm nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội.
Trải qua quá trình 25 năm hình thành, xây dựng và phát triển, đến nay Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã thu hút được 111 dự án đầu tư (bao gồm 96 dự án trong nước và 15 dự án đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 111.500 tỷ đồng.
Các nhà đầu tư đã nghiên cứu, chuyển giao, làm chủ và phát triển các công nghệ cao thuộc 55 nhóm công nghệ cao, 31 nhóm sản phẩm công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển.
Khu Công nghệ cao Hòa Lạc hiện đang quy tụ nhiều doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn của Việt Nam cũng như các dự án đầu tư của tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư và phát triển.
Phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao những nỗ lực và cố gắng của Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, UBND thành phố Hà Nội và các Bộ, ngành đã chung sức xây dựng Khu Công nghệ cao Hoà Lạc phát triển như ngày hôm nay.
Theo Phó Thủ tướng, mặc dù số lượng dự án đầu tư còn khiêm tốn nhưng từ khi thành lập đến nay, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã là cầu nối tiếp nhận chuyển giao và tiến tới sáng tạo các công nghệ cao mới, thu hút được các viện nghiên cứu, trường đại học lớn, trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia, các trung tâm ươm tạo doanh nghiệp... và các dự án sản xuất trong các lĩnh vực CNTT, điện tử, sinh học, cơ khí chính xác... đến đầu tư và phát triển.
Đặc biệt, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã bước đầu hình thành được chuỗi kết nối nghiên cứu - đào tạo - sản xuất, hình thành mối liên kết giữa viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp.
Đây là sự thành công của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc so với các khu công nghệ cao khác trong cả nước.
Phó Thủ tướng đề nghị UBND Hà Nội sau khi tiếp quản Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cần bảo đảm kế thừa và phát huy các thành quả đã đạt được, bảo đảm sự ổn định, tránh gián đoạn trong công tác xây dựng, phát triển và quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Đồng thời, thành phố cần huy động thêm các nguồn lực để tạo động lực thúc đẩy phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, bảo đảm giữ vững vai trò quan trọng của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trong chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của quốc gia giai đoạn đến năm 2030.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định quyết tâm huy động và phát huy hiệu quả các nguồn lực từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và nguồn lực xã hội để tiếp tục phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc theo đúng định hướng, mục tiêu đã đề ra
Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, ngay từ những ngày đầu phát triển dự án, Bộ KH&CN đã chỉ đạo kiên định mục tiêu, định hướng phát triển khu công nghệ cao quốc gia từ khâu lựa chọn nhà đầu tư.
Khu Công nghệ cao Hòa Lạc không cố gắng lấp đầy mà sàng lọc, đánh giá, lựa chọn các nhà đầu tư có uy tín, có công nghệ tiên tiến hiện đại, hàm lượng KH&CN cao, có tính ứng dụng và ít có khả năng gây ô nhiễm môi trường.
Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, Bộ KH&CN tin tưởng rằng, sau khi tiếp nhận Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, UBND thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục giữ vững mục tiêu tập trung phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; bảo đảm kế thừa và phát huy các thành quả đã đạt được trong quá trình xây dựng và phát triển từ khi thành lập đến nay.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng kỳ vọng Hà Nội sẽ tập trung xây dựng và phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trở thành hạt nhân của cả nước về đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ và là vùng lõi của đô thị Hòa Lạc.
Đây sẽ trở thành nơi tập trung trí tuệ và công nghệ tiên tiến, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ cao của cả nước.
TPHCM đặt mục tiêu chi cho KH&CN từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sáchTPHCM đặt mục tiêu đảm bảo chi cho khoa học và công nghệ từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách của TP. Chi đầu tư cho khoa học và công nghệ của xã hội đạt bình quân trên 1%/GRDP trở lên.