Các ông lớn đua thâu tóm dự án bất động sản

Hoạt động M&A dự án địa ốc tăng nhiệt nửa đầu 2025, trong đó doanh nghiệp Việt chiếm ưu thế hơn về số giao dịch so với nhà đầu tư ngoại.


Vài tháng qua, thị trường bất động sản liên tục ghi nhận các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) dự án. Tại phía bắc, Sun Group trở lại thị trường nhà ở Thủ đô với dự án Feliza Suites, gần 1.700 căn hộ tại vị trí đắc địa ở phường Cầu Giấy, tiếp giáp ba mặt đường Xuân Thủy, Phạm Hùng và Trần Quốc Vượng. Hồi cuối tháng 5, HĐQT CTX Holdings đã thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ dự án trên "khu đất vàng" này.


Sunshine Group gần đây cũng liên tục đón thêm các dự án về tay. Cuối tháng 6, họ công bố một công ty con trong hệ sinh thái nhận chuyển nhượng cổ phần tại doanh nghiệp là chủ đầu tư khu đô thị nhà vườn sinh thái ở Văn Giang, Hưng Yên để phát triển một phần đại dự án. Sau đó, tập đoàn này cho biết phát triển thêm một tổ hợp 8.000 căn hộ chung cư cũng nằm ở Hưng Yên. Trước đó hồi tháng 2, một chủ đầu tư trong nước khác đã tổ chức khởi công dự án tại vị trí này.


Sau nhiều năm tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng khu đô thị du lịch Cái Giá (tên thương mại Cát Bà Amatina), Công ty cổ phần Vinaconex ITC đón thêm sự hiện diện của các cổ đông lớn, gồm hai doanh nghiệp liên quan MIK Group.


Ông lớn bất động sản Singapore - Capitaland trong tháng 6 đã khởi công dự án nhà ở thấp tầng đầu tiên tại miền Bắc với tổng vốn đầu tư 800 triệu USD nằm trong đại đô thị Ocean Park 3, sau hợp tác chiến lược cùng Vinhomes. Lãnh đạo Capitaland cho biết công ty kỳ vọng tăng gấp đôi vốn đầu tư tại Việt Nam 5 năm tới thông qua cái bắt tay chủ đầu tư lớn nhất thị trường hiện nay.


Tại phía nam, theo hãng tư vấn bất động sản Savills, những thương vụ M&A nổi bật gần đây như Capitaland mua dự án tại Bình Dương (trước sáp nhập với TP HCM) từ Becamex IDC trị giá 553 triệu USD; Nishi Nippon Railroad mua 25% cổ phần dự án Paragon Đại Phước từ Nam Long hay nhóm Sumitomo Forestry, Kumagai Gumi, NTT Urban Development cùng hợp tác với Kim Oanh Group phát triển dự án The One World.


Doanh nghiệp ngoại cũng chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư trong nước như Keppel Land thoái toàn bộ 42% cổ phần tại Công ty Nam Rạch Chiếc - chủ dự án Palm City tại TP HCM. Bên mua là Công ty cổ phần Gateway Thủ Thiêm, với giá trị thương vụ trên 2.600 tỷ đồng (tương đương hơn 100 triệu USD).


Bà Nguyễn Lê Dung, Trưởng phòng Dịch vụ tư vấn đầu tư, Savills Hà Nội đánh giá thị trường M&A bất động sản tại Việt Nam có dấu hiệu phục hồi tốt từ cuối năm ngoái đến nay sau khi Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản mới có hiệu lực. Điều này giúp môi trường pháp lý được cải thiện đáng kể, từ đó góp phần tạo niềm tin và động lực để các thương vụ diễn ra thuận lợi hơn.


Tương tự, trong báo cáo mới đây, đơn vị nghiên cứu thị trường của Đất Xanh Services cũng cho biết các chủ đầu tư đang vào mùa triển khai dự án, đẩy mạnh hoạt động đầu tư, cũng như M&A quỹ đất. Nhiều chủ đầu tư đã qua thời kỳ tái cấu trúc để vào giai đoạn đầu tư trở lại theo đà phục hồi của thị trường. Đất Xanh cũng đang thông báo cần mua, M&A dự án, quỹ đất lớn trên toàn quốc. Trong đó, họ ưu tiên dự án có pháp lý rõ ràng (nhất là quy hoạch 1/500), đã nộp thuế đất, có giấy phép xây dựng hay đủ điện kiện bán hàng, khởi công.


Theo các chuyên gia, nhà đầu tư có xu hướng chọn dự án để thâu tóm kỹ lưỡng hơn trước. Khẩu vị của họ dịch chuyển rõ rệt sang các dự án có pháp lý minh bạch, đã hoàn tất nghĩa vụ tài chính, vị trí tốt, có khả năng triển khai hoặc khai thác dòng tiền trong ngắn hạn. Ví dụ, An Gia cho biết họ chọn tập trung vào M&A để tiếp cận quỹ đất có thể làm dự án nhanh. Năm nay, công ty đặt mục tiêu mua lại các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư ven TP HCM.


Hay Nam Long cũng chọn M&A dự án cùng với tham gia đấu giá đất sạch và tìm mua đất thô, đất nông nghiệp chuyển mục đích sử dụng. Tuy nhiên, nguồn cung sản phẩm đấu giá hạn chế đã đẩy mức trúng lên cao, kéo theo việc định giá đất cho các dự án cũng tăng, gây áp lực lớn về chi phí đầu vào và có thể làm chậm quá trình triển khai dự án. Còn việc phát triển quỹ đất nông nghiệp cần nhiều thời gian, cùng với chi phí chuyển đổi cũng có thể lên cao với việc áp dụng bảng giá đất mới.


Ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc bộ phận Tư vấn kinh doanh văn phòng và bất động sản công nghiệp hãng tư vấn CBRE cũng cho rằng nhà đầu tư trong và ngoài nước đều đang tích cực theo đuổi các cơ hội M&A dự án bất động sản. "Điều này xuất phát từ việc quỹ đất sạch về pháp lý và sẵn sàng để phát triển ngày càng khan hiếm", ông nói.


Tuy nhiên, hoạt động M&A dự án địa ốc vẫn còn tồn tại một số lực cản. Theo ông Hiếu, giá đất tại Việt Nam không còn rẻ như trước. Việc sáp nhập đơn vị hành chính cũng khiến một số nhà đầu tư chờ đợi xem bảng giá đất sẽ được điều chỉnh thế nào, ảnh hưởng đến chi phí mua dự án, mục tiêu phân khúc bất động sản sẽ phát triển.


Cùng quan điểm, ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch HĐQT Sohovietnam - công ty có hơn chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn M&A dự án - nói rằng nhà đầu tư cũng chờ đợi kết quả từ việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp tỉnh, quy hoạch mới của các tỉnh, thành phố hậu sáp nhập.


Ngoài bảng giá đất tăng, ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch HĐQT Sohovietnam - công ty có hơn chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn M&A dự án - cho biết một số doanh nghiệp sở hữu dự án cũng đưa ra mức định giá bán quá cao, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận của nhà đầu tư.


Dù vậy, các chuyên gia vẫn kỳ vọng thị trường M&A từ nay đến cuối năm sẽ tăng trưởng tốt. Theo bà Nguyễn Lê Dung nhà đầu tư trong nước chiếm ưu thế trên thị trường M&A về số lượng giao dịch nhờ khả năng quyết định nhanh và am hiểu thị trường. Còn xét về các thương vụ lớn, nhất là phân khúc nhà ở cao cấp, khu đô thị và bất động sản khu công nghiệp, nhà đầu tư ngoại vẫn đóng vai trò chủ đạo.


Ngoài ra, bà Dung nhận xét các khu vực ven Hà Nội như Hưng Yên, Bắc Ninh hay thị trường Hải Phòng với hạ tầng ngày càng hoàn thiện đang chứng kiến sự gia tăng về nhu cầu khảo sát, chuyển nhượng và hợp tác đầu tư. Tại khu vực phía nam là TP HCM, Long An.


"Việc mở rộng các đô thị trung tâm cùng với sự nâng cấp hệ thống giao thông liên vùng đang thúc đẩy những địa phương này trở thành điểm đến tiềm năng cho hoạt động M&A giai đoạn tới", chuyên gia tại Savills chia sẻ.


M&A dự án tăng nhiệt cũng là một tín hiệu tốt với thị trường, có thể giúp nguồn cung tăng mạnh. Đơn vị tư vấn bất động sản BHS Group dự báo nửa cuối năm cả nước sẽ có thêm hơn 78.600 sản phẩm nhà ở cao tầng và khoảng 82.800 căn thấp tầng. Tuy nguồn cung dồi dào, giá nhà vẫn neo ở mức cao tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng. Một trong những khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp khi muốn phát triển nhà ở vừa túi tiền là các chi phí đầu vào tăng cao, trong đó giá đất và chi phí sử dụng đất chiếm phần lớn.


Anh Tú - Ngọc Diễm









Cac ong lon dua thau tom du an bat dong san


Hoat dong M&A du an dia oc tang nhiet nua dau 2025, trong do doanh nghiep Viet chiem uu the hon ve so giao dich so voi nha dau tu ngoai.

Các ông lớn đua thâu tóm dự án bất động sản

Hoạt động M&A dự án địa ốc tăng nhiệt nửa đầu 2025, trong đó doanh nghiệp Việt chiếm ưu thế hơn về số giao dịch so với nhà đầu tư ngoại.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá