Ngày 17/7, theo thông tin từ UBND tỉnh Cà Mau, tỉnh này vừa có kế hoạch cải thiện và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2025 và những năm tiếp theo.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, trong năm 2024, tỉnh này có 5 chỉ số thành phần thuộc nhóm có điểm số cao, gồm: Gia nhập thị trường; chi phí không chính thức; tính minh bạch; tính năng động và tiên phong của chính quyền; tiếp cận đất đai.
Có 5 chỉ số thành phần thuộc nhóm có điểm số thấp, gồm: Đào tạo lao động; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; chi phí thời gian thực hiện các quy định của nhà nước; cạnh tranh bình đẳng; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Trong đó, chỉ số đào tạo lao động có 6/11 chỉ tiêu chuyển biến tiêu cực; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự có 15/18 chỉ tiêu chuyển biến tiêu cực; chi phí thời gian thực hiện các quy định của nhà nước có 7/14 chỉ tiêu chuyển biến tiêu cực; cạnh tranh bình đẳng có 9/11 chỉ tiêu chuyển biến tiêu cực; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp có 10/13 chỉ tiêu chuyển biến tiêu cực.

Trong 5 chỉ số thấp điểm, có 2 chỉ số giảm hạng mạnh là cạnh tranh bình đẳng (giảm 17 hạng) và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (giảm 26 hạng).
UBND tỉnh Cà Mau đánh giá, việc này đòi hỏi các cấp, các ngành có giải pháp kịp thời để tiếp tục cải thiện mạnh các chỉ tiêu để góp phần nâng cao điểm số các chỉ số thành phần thấp điểm và duy trì, phát huy các chỉ tiêu, chỉ số tăng điểm, có chuyển biến tích cực trong thời gian tới.
Theo kế hoạch, UBND tỉnh Cà Mau xác định rõ, 5 chỉ số thấp điểm nêu trên cần ưu tiên tập trung cải thiện ngay.
Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo được giao nhiệm vụ tập trung cải thiện chỉ số đào tạo lao động. Trong đó, khuyến khích doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình, quản lý chi phí tuyển dụng, tạo môi trường làm việc tích cực, chính sách đãi ngộ hợp lý và cơ hội phát triển nghề nghiệp cho người lao động.
Các ngành tư pháp, thanh tra, tòa án, công an,... được giao nhiệm vụ tập trung cải thiện chỉ số thiết chế pháp lý. Các cơ quan này sẽ tăng cường phổ biến pháp luật cho doanh nghiệp; nâng cao chất lượng, hiệu quả kênh thông tin về tố cáo hành vi nhũng nhiễu.
Cùng với đó là đảm bảo công tác giải quyết các vụ án tranh chấp thương mại được thực hiện đúng pháp luật, nhanh chóng, công bằng, khách quan, tạo niềm tin cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; thường xuyên kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm công chức nhũng nhiễu gây phát sinh các chi phí không chính thức trong thực thi công vụ.
Ngành thanh tra, thuế, nội vụ, tài chính,… được giao nhiệm vụ tập trung cải thiện chi phí thời gian thực hiện các quy định Nhà nước, với tinh thần đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp phát triển; xem cải cách hành chính là khâu đột phá để tháo gỡ vướng mắc, rào cản, tạo môi trường minh bạch, bình đẳng cho hoạt động của người dân và doanh nghiệp.
Chỉ số cạnh tranh bình đẳng được giao cho Văn phòng UBND tỉnh, thuế, các sở, ngành liên quan tập trung cải thiện với tinh thần thiết lập môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, không phân biệt đối xử, không ưu ái sử dụng “mối quan hệ” để có những ưu đãi đặc biệt riêng.
Còn chỉ số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được giao cho Sở Công thương và các đơn vị liên quan tập trung cải thiện với yêu cầu nâng cao chất lượng dịch vụ công, tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tiếp cận tài liệu pháp lý, chính sách hỗ trợ có liên quan đến doanh nghiệp, nhà đầu tư.