Bí mật trong những cú giao bóng mạnh nhất trên sân tennis

Bên cạnh chiều cao, sự tỉ mỉ đến từng chi tiết trong một chuỗi chuyển động sẽ giúp tăng khả năng giao bóng đáng kể với quần vợt ngày nay.


Nếu từng cầm vợt và cố gắng giao bóng, bạn sẽ hiểu cú đánh này khó thế nào. Không chỉ cần đưa bóng qua lưới, bạn còn phải cố gắng tăng tốc quả bóng vừa nhanh, vừa chính xác nhất. Cú giao bóng là nơi chỉ ra sự khác biệt giữa tay vợt chuyên nghiệp và nghiệp dư. Đây là thứ vũ khí vô cùng quan trọng trong quần vợt đương đại.


Ngày nay, các tay vợt nam và nữ giao bóng nhanh hơn xưa rất nhiều, đến mức chạm tới những vận tốc mà trước đây tưởng chừng như không thể. Điển hình như Wimbledon 2025, người hâm mộ chứng kiến cú giao bóng nhanh nhất trong 148 năm lịch sử giải đấu, khi Giovanni Mpetshi Perricard thực hiện "cú rocket" 246 km/h trong trận gặp Taylor Fritz ở vòng một.


"Bạn cần sự chuyển động đồng bộ từ nhiều phần trên cơ thể để tạo ra cú giao bóng tốt nhất", nhà khoa học thể thao Mark Kovacs nói. "Động tác đánh bóng là kết quả của chuỗi hành động mà bạn cố gắng tối ưu từng chuyển động trong mỗi giai đoạn, nghĩa là chúng ta sử dụng năng lượng của cả cơ thể, được tổng hợp từ dưới lên và phát lực vào quả bóng".


Sau nhiều năm nghiên cứu về chuyển động cơ sinh học của tay vợt khi giao bóng, ông Kovacs chỉ ra tám yếu tố tác động lên cú đánh này: thế đứng mở, tung bóng, chuẩn bị, cong người, tăng tốc, tiếp xúc, giảm tốc và kết thúc – thời điểm người chơi chạm đất trở lại.


Công trình của Kovacs sử dụng dữ liệu và nhiều nghiên cứu khác để giúp VĐV nâng cấp cú giao bóng bằng cách cải thiện từng chi tiết nhỏ trong chuỗi chuyển động. Trợ giúp cho ông là nhiều tay vợt nổi tiếng với cú giao bóng uy lực, trong đó có John Isner – người được ATP công nhận sở hữu cú giao bóng nhanh nhất năm 2016 với vận tốc 253 km/h.


Trong số tám giai đoạn hình thành cú giao bóng, Kovacs chỉ ra những yếu tố quan trọng nhất tạo nên pha xử lý chất lượng. Đầu tiên là giai đoạn thứ ba – chuẩn bị, khi tay vợt thiết lập vị trí cơ thể trước thời điểm chạm bóng. Chìa khoá ở đây là việc xoay hông sau. Tiếp theo, từ bước thứ năm đến bảy – gồm tăng tốc, tiếp xúc, giảm tốc, tốc độ cánh tay di chuyển xuyên suốt chuỗi hành động này sẽ quyết định tốc độ cú giao bóng.


"Nhiều HLV nói tay vợt này, tay vợt kia có ‘cánh tay linh hoạt’, ám chỉ họ giao bóng mạnh nhưng kỹ thuật chưa phải tốt nhất", Kovacs giải thích. "Họ có thể không giỏi về kỹ thuật trong tất cả các bước, nhưng họ biết đưa cánh tay vào đúng vị trí và thực hiện chuyển động đúng thời điểm. Chỉ cần làm chuẩn kỹ thuật giai đoạn đó thôi cũng giao bóng rất tốt rồi".


Ngoài kỹ thuật, chiều cao là thành tố khác ảnh hưởng tới cú giao bóng. Những tay vợt hay nhất hiện nay đều sở hữu chiều cao trên trung bình. Xu hướng này cũng diễn ra ở nhiều môn thể thao khác, như bóng rổ.


"Lực bằng khối lượng nhân gia tốc. Lực ở đây là tốc độ giao bóng", ông Kovacs giải thích vì sao chiều cao tạo nên sự khác biệt. "Khối lượng là trọng lượng cơ thể, và thường một tay vợt càng cao thì trọng lượng càng nặng. Còn gia tốc là đòn bẩy, nghĩa là độ dài của tay và chân. Khi đó, bạn sẽ tạo được gia tốc lớn hơn vì có thêm thời gian hoàn thành động tác".


Albano Olivetti, tay vợt Pháp lọt vào vòng hai đôi nam Wimbledon, đồng ý quan điểm đó. Với chiều cao 2m03, Olivetti từng giao bóng đạt 257,5 km/h ở một sự kiện Challenger năm 2012, dù con số không được ATP công nhận do không thuộc giải chính thức của hệ thống.


"Cao trên 1m98 cho phép tay vợt đập bóng thẳng từ trên xuống khi tiếp xúc mặt vợt lúc giao bóng", ông Kovacs nói thêm. "Nếu thấp hơn mức đó, bạn thực ra đang đánh bóng hướng lên một chút, điều mà không nhiều người nhận ra, chứ không phải đập bóng xuống. Sự khác biệt nhỏ đó tạo ra sự khác biệt rất lớn về tốc độ".


Tuy nhiên, cả Kovacs và Olivetti đều cho rằng chiều cao không mang đến lợi thế cực lớn như số đông vẫn nghĩ. Là người luôn cao hơn phần lớn đối thủ của mình, Olivetti khẳng định kỹ thuật vẫn quan trọng hơn so với thể chất thuần túy. Đó là lý do anh mài giũa kỹ năng giao bóng khi còn nhỏ.


Bên cạnh đó, Olivetti tin rằng việc sử dụng cây vợt phù hợp là rất quan trọng để tạo ra cú giao bóng mạnh, song đổi lại có thể gây hạn chế trong những cú đánh khác. Tay vợt 33 tuổi lấy ví dụ về chiếc vợt trước đây, với độ căng dây ưa thích, giúp anh có thêm sức mạnh trong cú giao bóng, nhưng khiến việc trả giao bóng từ vạch cuối sân trở nên khó khăn hơn.


"Không dễ tìm kiếm sự cân bằng", Olivetti nói. "Tôi giữ được game giao bóng, nhưng lại không thể thắng khi trả giao. Mỗi tay vợt lại khác nhau, bạn phải tìm sự cân bằng phù hợp cho lối chơi của mình, và tôi nghĩ cây vợt đóng vai trò cực quan trọng trong việc đó".


Trong tương lai, Olivetti dự đoán vận tốc giao bóng sẽ tiếp tục tăng khi các tay vợt luôn tìm kiếm những cách mới để sử dụng và tinh chỉnh thứ vũ khí quan trọng này. Nhiều ý kiến cho rằng, những tay vợt hiện tại vẫn chưa đạt đến giới hạn mà một VĐV có thể đạt được trong cú giao bóng. Chẳng hạn như Jannik Sinner. Olivetti tin rằng tay vợt số một thế giới có thể tăng thêm trung bình 16 km/h cho cú giao bóng.


"Dĩ nhiên sẽ có giới hạn, nhưng với giả định mọi thứ được giữ nguyên, từ công nghệ, bóng, dây, vợt cũng như nhiệt độ và môi trường", ông Kovacs nói thêm. "Một phần lý do Wimbledon năm nay có nhiều cú giao bóng mạnh vì thời tiết nóng và khô hơn trong những ngày đầu, trái bóng nhẹ hơn khi bay trong không trung nên đi nhanh hơn. Trong điều kiện này, vận tốc bóng có thể thêm 5-8 km/h so với điều kiện thông thường".


Hiện cú giao bóng mạnh nhất lịch sử được ATP ghi nhận 263,4 km/h, với kỷ lục thuộc về Sam Groth năm 2012. Với việc cú giao bóng ngày càng ảnh hưởng lớn đến kết quả, những kỷ lục về kỹ năng này có thể sẽ bị xô đổ trong thập kỷ tới.


Vy Anh









Bi mat trong nhung cu giao bong manh nhat tren san tennis


Ben canh chieu cao, su ti mi den tung chi tiet trong mot chuoi chuyen dong se giup tang kha nang giao bong dang ke voi quan vot ngay nay.

Bí mật trong những cú giao bóng mạnh nhất trên sân tennis

Bên cạnh chiều cao, sự tỉ mỉ đến từng chi tiết trong một chuỗi chuyển động sẽ giúp tăng khả năng giao bóng đáng kể với quần vợt ngày nay.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá