Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM vừa bác đơn kháng cáo của bị cáo Bùi Văn Khang (76 tuổi, quê Ninh Bình); đình chỉ xét xử phúc thẩm, tuyên hủy một phần bản án hình sự sơ thẩm và đình chỉ vụ án về phần hình sự đối với bị cáo Phan Ngọc Dung (70 tuổi, quê An Giang) do bị cáo này đã chết.
Trước đó, TAND tỉnh An Giang đã tuyên phạt bà Dung 3 năm 6 tháng tù, ông Khang 2 năm tù cùng về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Sau phiên sơ thẩm, bà Dung có đơn kháng cáo với lý do cho rằng bản án mà cấp sơ thẩm đã tuyên là sai; ông Khang cũng có đơn kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ bản án sơ thẩm. Tuy nhiên, trước khi phiên phúc thẩm diễn ra bà Dung đã chết do bệnh lý.
Các bị cáo tại phiên sơ thẩm. Ảnh: CAND
Theo bản án sơ thẩm, khoảng cuối năm 2020, bà Dung thường xuyên theo dõi kênh YouTube "Hóng phim TV" do Nguyễn Đức Dự (ngụ tỉnh Bình Dương, nay là TPHCM) làm quản trị và kênh YouTube "TTAD 2" do Trịnh Văn Thanh (ngụ TP Hải Phòng) lập có chủ đề "Kêu oan, yêu cầu trả tự do cho Hồ Duy Hải". Bị cáo Khang (lúc này là luật sư thuộc Đoàn luật sư tỉnh Nam Định) cũng tham gia theo dõi kênh “TTAD 2”.
Đến tháng 10/2021, bà Dung thành lập kênh YouTube riêng lấy tên "Tiếng nói lòng dân". Do biết ông Khang là luật sư nên bà Dung đã rủ ông này cùng tham gia hội luận, tọa đàm trực tuyến do bà Dung tổ chức, phát sóng trực tuyến. Nhiệm vụ của ông Khang là giải đáp các câu hỏi và tư vấn pháp luật cho mọi người tham gia buổi tọa đàm.
Từ tháng 10/2021 đến ngày 21/1/2024, bà Dung và ông Khang đã lợi dụng quyền tự do ngôn luận, lợi dụng vụ án Hồ Duy Hải để tổ chức nhiều chương trình hội luận, tọa đàm trực tuyến, phát tán 1.200 video clip trên kênh YouTube "Tiếng nói lòng dân" và facebook "Diệu Nhàn" của bà Dung. Các video, tọa đàm này có nội dung xuyên tạc, vu khống, xâm phạm danh dự, nhân phẩm cơ quan, tổ chức là Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao và cá nhân lãnh đạo TAND Tối cao, lãnh đạo Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Ngày 23/7/2023, qua công tác kiểm tra, rà soát trên không gian mạng, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, phát hiện trích xuất thu giữ 5 video trên kênh YouTube "Tiếng nói lòng dân" của bà Dung có nội dung xúc phạm uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân, đả kích nền tư pháp Việt Nam. Tiếp nhận thông tin, Công an tỉnh An Giang đã trích xuất, thu giữ thêm 7 video clip từ kênh YouTube "Tiếng nói lòng dân" và facebook "Diệu Nhàn" của bà Dung.
Ngày 22/1, bà Phan Ngọc Dung đến Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh An Giang đầu thú.
Dù kháng cáo nhưng bị cáo Khang đã vắng mặt không lý do.
Theo HĐXX, dù bị cáo Khang vắng mặt nhưng căn cứ vào lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra và tại phiên sơ thẩm có đủ cơ sở kết luận bị cáo phạm vào tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Khi lượng hình, cấp sơ thẩm đã xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo. Vì vậy, mức án 2 năm tù mà cấp sơ thẩm đã tuyên là phù hợp với tính chất, hành vi của bị cáo. Từ đó, cấp phúc thẩm đã bác đơn kháng cáo của bị cáo.
Đối với bị cáo Dung, do bị cáo đã chết nên cấp phúc thẩm quyết định hủy một phần bản án hình sự sơ thẩm và đình chỉ vụ án về phần hình sự đối với bị cáo.

Bắt tạm giam đối tượng ở Đồng Nai hoạt động trong tổ chức phản động
Quách Gia Khang bị Công an Đồng Nai khởi tố, bắt tạm giam vì tham gia tổ chức phản động lưu vong, có hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá Nhà nước.
Lãnh 12 năm tù vì lôi kéo nhiều người tham gia vào tổ chức phản động
Dù đã được nhắc nhở vì những bài viết liên quan đến chế độ cũ trên Facebook, nhưng Trần Thiện Châu Lãm vẫn tiếp tục kêu gọi nhiều người tham gia vào tổ chức phản động của mình.