Theo thống kê của VnExpress, từ đầu tháng 7, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 11.709 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Trước đó, trong 6 tháng đầu năm, khối ngoại đã bán ròng khoảng 41.000 tỷ đồng (tương đương 1,5 tỷ USD). Nhóm này đã từng có chuỗi "xả hàng" kéo dài 15 tháng liên tiếp và dừng lại hồi tháng 5 năm nay.
Khối ngoại đã chi gần 2.650 tỷ đồng để gom cổ phiếu SSI của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI. Đây cũng là mã được mua nhiều nhất bởi nhà đầu tư nước ngoài từ đầu tháng đến nay.
Theo sau SSI, các cổ phiếu cũng hút được tiền của khối ngoại lần lượt là FPT, SHB, HPG hay VPB. VIX và HCM là hai cổ phiếu trong nhóm chứng khoán nằm trong 10 mã được mua ròng nhiều nhất.
Chia sẻ với VnExpress, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối nghiên cứu và phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, nhận định đà mua ròng thời gian của khối ngoại qua có sự xuất hiện của dòng tiền "P-Notes". Những giao dịch này chưa có số liệu cụ thể.
P-Notes, hay còn gọi là Participatory Notes, là một công cụ tài chính phái sinh được phát hành riêng cho nhà đầu tư nước ngoài bởi các tổ chức đầu tư hoạt động ở các thị trường chứng khoán mới nổi. Để phát hành P-Notes, các định chế tài chính thường tích lũy một số lượng cổ phiếu đủ lớn, có thanh khoản tốt, hoạt động hiệu quả và mang tính đại diện cho thị trường để lập thành danh mục.
Dòng tiền P-Notes thường tập trung vào những cổ phiếu vốn hóa lớn, có thanh khoản cao, tác động nhiều đến chỉ số. "Việc những cổ phiếu trong nhóm VN30 như SSI, HPG, FPT, SHB hay VPB được khối ngoại gom ròng khối lượng lớn thời gian qua, là chỉ báo cho việc P-Notes xuất hiện", ông Thế Minh chia sẻ. Chuyên gia của Chứng khoán Yuanta cho biết SSI và HPG là hai mã trong danh mục ưu tiên của dòng tiền này trong quá khứ.
Ví dụ, trong giai đoạn đầu tháng 12/2022, khối ngoại đã chi 1.425 tỷ đồng để mua ròng cổ phiếu HPG, gần 600 tỷ đồng gom SSI và một loạt cổ phiếu trong VN30 như VIC, MSN, VRE, VCB... Đây là thời điểm được các chuyên gia nhận định dòng tiền P-Notes xuất hiện trên thị trường.
Ông Minh chia sẻ P-Notes ưa thích các thị trường "có câu chuyện riêng". "Tôi ví dụ việc thị trường chứng khoán Việt Nam đang được cân nhắc nâng hạng là câu chuyện để thu hút dòng tiền này", chuyên gia nói.
Hiện, FTSE Russell, tổ chức xếp hạng và cung cấp chỉ số toàn cầu, xếp thị trường chứng khoán Việt Nam ở "thị trường cận biên" và là đối tượng được theo dõi để nâng hạng. Nhiều chuyên gia nhận định Việt Nam có thể được đưa lên "thị trường mới nổi" trong tháng 9 năm nay.
Tuy nhiên, ông Thế Minh chia sẻ đặc điểm của dòng tiền này là "mua nhanh, bán lẹ". Dù vậy, chuyên gia này vẫn nhận định P-Notes có thể sẽ giải ngân gom tiếp cổ phiếu tại Việt Nam từ nay đến khi tháng 9 - thời điểm xét duyệt nâng hạng thị trường.
Ngoài dòng tiền P-Notes, ông Thế Minh cho rằng câu chuyện nâng hạng cũng là một nguyên nhân thúc đẩy khối ngoại mua ròng cổ phiếu Việt. "Trước kỳ nâng hạng, một số thị trường chứng khoán như Pakistan, Trung Quốc... đều thu hút dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài".
Chứng khoán BIDV (BSC) cũng có đồng quan điểm với ông Thế Minh. Theo số liệu của công ty này, khối ngoại đã mua ròng 327 triệu USD tại Pakistan trước khi thị trường này được chấp thuận nâng hạng. Điều này cũng diễn ra tương tự tại Trung Quốc khi nhà đầu nước ngoài mua hơn 13 tỷ USD. Nhóm này sẽ tiếp tục gom cổ phiếu trong tháng công bố và giảm dần sau đó.
BSC nhận định thêm dòng tiền của nhà đầu nước ngoài sẽ mua ròng thêm trong tháng chuyển đổi nâng hạng. Sau khoảng thời gian này, khối ngoại sẽ có xu hướng bán ròng trong khoảng 2 tháng tiếp theo.
Trọng Hiếu