Binh nhất Đào Xuân Long, học viên năm nhất trường Sĩ quan Lục quân 1 tháng 7 này mới tròn 19 tuổi. Long là chiến sĩ trẻ nhất trong 68 quân nhân Việt Nam dự duyệt binh trên quảng trường Đỏ nước Nga trong ngày Chiến thắng 9/5. Chàng trai cao vượt trội 1,85 m được tuyển chọn ngay khi nhà trường lên danh sách tập luyện vào cuối tháng 4. Ngoài một số giảng viên, thành viên đoàn chủ yếu năm nhất đến năm ba. Quân nhân tuyển lựa đều cao trên 1,8 m, tuổi từ 19 đến dưới 30.
Những ngày đầu huấn luyện cơ bản, binh nhất có chút không tự tin khi thể lực lẫn kinh nghiệm điều lệnh chưa bằng các anh khóa trên, dù thường xuyên đi đội hình đội ngũ theo chương trình giảng dạy của nhà trường. Thử thách lớn nhất với toàn đội là tăng tần suất đi đều từ 106 bước/phút theo điều lệnh quân đội Việt Nam lên 120 bước/phút theo yêu cầu duyệt binh của Nga.
Có ngày, đội hình chỉ tập riêng về cách bước, ke chân theo dây căng, nâng sao cho đều. Cổ chân, bắp đùi mỏi nhừ, căng cứng. Các kỹ thuật bước trên nền nhạc Nga, đảm bảo đúng yêu cầu mà vẫn phải giữ được nét riêng của điều lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam.
Những lúc giải lao, Long thường hỏi đàn anh khóa trước kinh nghiệm đi sao cho đúng, nâng bước cho khớp với nhạc. Để nâng cao thể lực, rèn sức bền cho chiến sĩ, các thầy giáo thiết kế bài tập bổ trợ bằng chạy dài, bật cóc, luyện cơ bụng mỗi buổi sáng. Học viên năm nhất như Long được chỉ định chạy dài hơn hoặc bật cóc cự ly xa hơn để bắt kịp đồng đội.
Những ngày đầu huấn luyện, bộ đội mặc trang phục rằn ri, sau đổi sang quân phục nghi lễ được thiết kế riêng để đi Nga. Đôi chân cả ngày tập luyện trong ghệt nghi lễ bằng da cao đến đầu gối bị phồng rộp, đau nhức. Chiến sĩ phải dùng băng gạc, bọt biển đệm vào phần tiếp giáp với chân để tiếp tục luyện tập.
Những chàng trai tuổi đôi mươi ý thức rõ tầm quan trọng của nhiệm vụ lần này, nên mệt nhoài cũng chưa bao giờ than vãn hay bỏ cuộc. Đào Xuân Long cảm nhận rõ đồng đội ai nấy đều nghiêm túc để hoàn thiện từng bước chân. Tinh thần vượt khó vượt khổ khiến cậu lính trẻ không dám lơ là. Nhiều hôm cậu tự tập thêm dù thời gian huấn luyện ba ca mỗi ngày đã 9-10 tiếng. Có đêm, Long ngủ mơ thấy mình vẫn đang tập hành tiến.
"Nhiệm vụ lớn đầu tiên trong đời quân ngũ của em cũng là trải nghiệm không dễ gì có được", Long nói. Gia đình khi biết tin con trai được chọn huấn luyện cũng liên tục động viên, hy vọng cậu có mặt trong đội hình chính thức.
Sau một tháng dầm dãi nắng mưa, gương mặt binh nhất đen sạm. Long sút 2 kg nhưng bù lại thể lực tăng, rắn rỏi hơn. Mỗi động tác dập chân, hành tiến đều và mạnh hơn. Trong đội hình không còn nhận ra sự khác biệt trong từng động tác của thành viên dù độ tuổi khác biệt. Binh nhất 19 tuổi có mặt trong danh sách chính thức lên đường sang Nga ngày 23/4, đứng hàng đầu tiên trong đội hình khối đi đều.
Những chiến sĩ Lục quân 1 khi nhắc về trải nghiệm duyệt binh trên quảng trường Đỏ ngày 9/5 đều chung suy nghĩ "đi với tất cả khả năng, tự tin hành tiến giữa quân đội các nước". Bởi trên lễ đài có lãnh đạo cấp cao Việt Nam tham dự, quê nhà có gia đình, xóm làng, đồng bào ngồi trước màn hình tivi theo dõi, cũng như bà con kiều bào tại Nga vượt trăm cây số đi cổ vũ đoàn.
"Mỗi bước đi trên đường duyệt đại diện cho hình ảnh của quân đội, đất nước, quê hương nên càng phải cố gắng, không được phép sai sót", thượng sĩ Bùi Quang Linh, học viên năm ba, chia sẻ.
Kỷ niệm đáng nhớ với chàng trai 20 tuổi khi lần đầu nhìn thấy tuyết rơi "phủ trắng như một cảnh phim". Ngoài làm nhiệm vụ, Linh còn có cơ hội giao lưu với quân nhân các nước tham gia duyệt binh.
Một ngày trước sự kiện chính thức, hai đoàn Việt - Trung giao lưu văn nghệ sau giờ luyện tập. Biết Linh hát hay, nhiều tài lẻ, thầy giáo trong đoàn gọi lên biểu diễn. Chiến sĩ trẻ cũng không ngần ngại "xung phong hát một bài" bằng tiếng Trung. Thượng sĩ quê Tiền Hải, Thái Bình, thời học phổ thông thường xem phim, nghe nhạc Trung Quốc nên thuộc lời một số bài, biết cách phát âm cơ bản nên tự tin song ca cùng quân nhân Trung Quốc.
Clip chiến sĩ hai nước giao lưu văn nghệ sau đó lan tỏa trên mạng xã hội, thu hút hàng chục nghìn lượt xem cùng bình luận của người dùng. Trong lần văn nghệ sau đó với đoàn quân đội Lào, Bùi Quang Linh còn thể hiện bài Việt Nam tôi, bắt nhịp cho bạn bè cùng hát dù không biết tiếng Lào.
Linh cho rằng âm nhạc giúp các bên tăng sự gắn kết, hiểu biết văn hóa lẫn nhau. Bản thân cậu tự tin trước đông người và nghiêm túc suy nghĩ về việc học thêm ngoại ngữ ngoài tiếng Anh để mở rộng hiểu biết, có cơ hội trong công việc sau này.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Thanh, Phó hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1, cho biết những ngày đầu sang Nga, các đoàn tập trung luyện tập nên ít trao đổi với nhau. Sau khi ông chủ động trao đổi với lãnh đạo đoàn quân nhân Trung Quốc, vừa xã giao vừa học hỏi kinh nghiệm trong luyện tập vì nước bạn cử đoàn nghi lễ dự duyệt binh. Trưởng đoàn Trung Quốc sau đó chủ động đề nghị để chiến sĩ hai nước giao lưu văn nghệ. Ngoài đoàn Trung Quốc, quân nhân Việt Nam cũng có những cuộc kết nối văn nghệ với đoàn quân đội Lào, Myanmar...
Thầy Thanh đánh giá hoạt động trao đổi, giao lưu giúp chiến sĩ các nước hiểu biết lẫn nhau - bài học không nằm trong giáo án nào mà chỉ có thể thu nhận qua thực tiễn. "Những chuyến đi quốc tế là trải nghiệm quý báu mà số ít quân nhân có được, giúp các em có thêm động lực sau này trong quá trình công tác", ông nói, thêm rằng sau chuyến đi phát hiện ra học trò mình rất tài năng, từ ngoại ngữ đến đàn hát.
Hoàng Phương - Phạm Chiểu