Trung Quốc - thị trường tỷ USD của nông sản Việt

Từ vài container ban đầu, sau 6 năm chinh phục thị trường tỷ dân, hiện mỗi tuần Hoàng Anh Gia Lai đều đặn xuất khẩu 200 container chuối sang Trung Quốc.


"Trung Quốc là 'gã khổng lồ' tiêu thụ nông sản Việt", ông Đoàn Nguyên Đức (tức Bầu Đức) - Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai ví von, khi nhắc tới thị trường chiếm hơn một nửa kim ngạch xuất khẩu quả chuối tươi của công ty.


Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai của Bầu Đức sở hữu hơn 7.000 ha chuối, xuất khẩu hàng trăm nghìn tấn mỗi năm sang Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và cung ứng nội địa. Từ vài container ban đầu, hiện mỗi tuần Hoàng Anh Gia Lai đều đặn xuất khẩu 200 container chuối sang Trung Quốc.


"Khách hàng đặt liên tục, chuối không đủ để giao", ông Đức nói, thêm rằng sau 6 năm thâm nhập thị trường tỷ dân, sản phẩm của họ đã xuất hiện tại hầu khắp chuỗi cung ứng, từ chợ cho tới hệ thống siêu thị lớn.


Chuối tươi là mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn thứ 4, chỉ sau sầu riêng, thanh long và dừa sang Trung Quốc. Năm ngoái, thị trường này tăng mua, giúp Việt Nam soán ngôi Philippines, trở thành nhà cung cấp chuối số 1 tại đây.



Hiện 14 loại nông sản Việt đã được xuất khẩu chính ngạch sang nước láng giềng, đem lại doanh thu hàng tỷ USD mỗi năm. Năm ngoái, người tiêu dùng Trung Quốc chi 4,6 tỷ USD để mua rau quả Việt. Trong đó, thanh long đứng đầu với hơn 1,2 tỷ USD, sầu riêng khoảng 900 triệu USD, chuối 400 triệu USD.


Với Công ty TNHH Huy Long An - nhà xuất khẩu xoài, chuối - Trung Quốc là thị trường hấp dẫn, tiêu thụ nông sản Việt lớn gấp nhiều lần quốc gia khác. Riêng quý đầu năm nay, lượng bán của Huy Long An sang thị trường này tăng khoảng 30% so với cùng kỳ.


"Trái cây Việt sang Trung Quốc chưa bao giờ bị ế, dù đôi khi giá biến động khiến lợi nhuận không cao", ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty Huy Long An chia sẻ.


Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng xuất khẩu trái cây, rau củ sang Trung Quốc tăng mạnh nhờ hai nước cùng tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, như Hiệp định ASEAN - Trung Quốc, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và các Nghị định thư ký giữa hai nước.


Việt Nam cũng có lợi thế lớn về địa lý khi sở hữu hơn 1.450 km đường biên giới (đường bộ và đường thủy) với nước láng giềng. Bên cạnh đó, Trung Quốc có nhiều chợ đầu mối lớn nằm sát biên giới phía Bắc, cách các vùng trồng nông sản của Việt Nam vài trăm km. Nhờ đó, chi phí logistics thấp, thời gian vận chuyển nhanh và cạnh tranh hơn so với các quốc gia khác.


"Với 1,4 tỷ dân, Trung Quốc là thị trường có sức mua hấp dẫn nhất thế giới. Ngay cả Mỹ hay Chile - những nước có khoảng cách địa lý xa xôi vẫn luôn tìm cách chiếm lĩnh thị trường này", ông Nguyên nhận định.


Dư địa cho các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu trái cây khai thác thị trường 1,4 tỷ dân còn rất lớn. Bởi ngoài 14 loại nông sản đi theo đường chính ngạch, hầu hết mặt hàng còn lại vẫn xuất qua kênh buôn bán biên giới (tiểu ngạch). Trong khi nhu cầu tiêu thụ nông sản của thị trường tỷ dân rất lớn và khả năng cung ứng trái cây đặc sản, chất lượng cao của Việt Nam dồi dào.


Mới đây, nhân dịp tham dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới tại Uzbekistan, Phó Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc Lạc Tang Giang Thôn khẳng định nước này sẵn sàng nhập khẩu các mặt hàng xuất khẩu chất lượng cao của Việt Nam, gồm nông sản.


Trước đó, Bộ Công Thương đã đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường cho các mặt hàng rau quả khác như bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới... Nhà điều hành đề xuất nước này sớm ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch với một số trái cây đã xuất khẩu theo diện truyền thống. Việc này nhằm giúp nông sản Việt có cơ hội nhiều hơn đến tay người tiêu dùng Trung Quốc.


Để tăng liên kết, đảm bảo thông suốt chuỗi cung ứng hàng hóa, hai nước dự kiến hợp tác triển khai loạt tuyến đường sắt kết nối Việt Nam - Trung Quốc (Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Lạng Sơn - Hà Nội; Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng).


Cơ hội càng trở nên rõ rệt hơn khi bối cảnh thương mại thế giới có nhiều thay đổi. Việc Mỹ siết chặt giao thương với một số quốc gia khiến Trung Quốc chuyển hướng nhập khẩu từ các thị trường, trong đó có Việt Nam.


"Giá chuối Việt tăng mạnh", ông chủ Hoàng Anh Gia Lai tiết lộ. Một tuần gần đây, giá nông sản này đã vọt lên 12,5 USD mỗi thùng 13 kg, tăng 10% so với tuần trước và 25% cùng kỳ năm ngoái. Những nơi có mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói hợp lệ theo GACC - tiêu chuẩn giám sát chất lượng của Hải quan Trung Quốc - được thu mua cao hơn.


Thị trường Trung Quốc đầy hấp dẫn với mọi nhà xuất khẩu, nhưng không còn dễ tính. Gần đây, họ đưa ra nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật về chất lượng cho hàng Việt.


Hai năm trước khi sầu riêng được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, kim ngạch mặt hàng này bùng nổ mạnh mẽ, tăng trưởng 300%. Nhưng từ đầu năm, họ bắt đầu siết các yêu cầu kỹ thuật, lượng mua loại quả này sụt giảm. Tính tới cuối tháng 2, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc giảm tới 83%, còn 27 triệu USD. Từ vị trí số 1, loại quả này rơi xuống thứ 3, sau thanh long và chuối sang thị trường tỷ dân.


Nguyên nhân do các lô hàng sầu riêng nhập khẩu đều phải có kết quả phân tích dư lượng Cadmium và chất vàng O tại phòng thí nghiệm được công nhận. Cadmium là kim loại nặng độc hại có thể tích tụ trong thực phẩm, còn chất vàng O là phẩm nhuộm công nghiệp, cả hai đều bị kiểm soát gắt gao do có nguy cơ gây ung thư. Không riêng Việt Nam, các nước xuất khẩu loại trái này đều bị ảnh hưởng bởi quy định siết chất lượng, khiến quy trình thông quan phức tạp, kéo dài.


Gần đây, Trung Quốc còn áp dụng chính sách kiểm tra 100% lô hàng sầu riêng từ Việt Nam, làm chậm thời gian thông quan, tăng nguy cơ hư hỏng và khiến doanh nghiệp xuất khẩu thận trọng hơn. Đại diện Hiệp hội Rau quả bày tỏ lo ngại nếu những hàng rào kỹ thuật này tiếp tục siết chặt với các loại nông sản khác, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.


Ông Đặng Phúc Nguyên đề xuất, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng các cơ quan có kế hoạch bài bản để nâng chất lượng nông sản Việt. Thay vì đưa ra văn bản chỉ đạo, nhà chức trách nên hỗ trợ nông dân kiểm soát chặt từ vùng trồng, đất canh tác, đến quy trình trồng trọt, đóng gói và kiểm định, nhằm đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe từ thị trường láng giềng.



Để duy trì và mở rộng thị phần, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), cho rằng doanh nghiệp cần chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch, đầu tư vào chất lượng và truy xuất nguồn gốc để tránh bị loại khỏi cuộc chơi.


Cùng quan điểm, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng tỷ lệ tận dụng các FTA giữa hai nước chưa cao, khoảng 30-40%, do năng lực tuân thủ của doanh nghiệp và thiếu chiến lược thị trường rõ ràng.


"Đây là điểm nghẽn cần sớm tháo gỡ nếu muốn tăng sức cạnh tranh hàng Việt tại thị trường láng giềng", ông Phú nói.


Ở góc độ doanh nghiệp, theo ông Võ Quan Huy, Việt Nam cần tiếp cận thị trường tỷ dân này bài bản và khôn ngoan hơn. Tức là, doanh nghiệp cần đầu tư đúng mức để nâng giá trị gia tăng cho sản phẩm và xây dựng chuỗi sản xuất, từ chọn giống, làm đất tới đóng gói bao bì, cung ứng chuyên nghiệp hơn.


Thực tế, Việt Nam đã kiến nghị Trung Quốc đẩy nhanh mở cửa thị trường nông sản, ký thỏa thuận khung về thương mại gạo, phối hợp thông quan tại cửa khẩu nhằm tránh ùn tắc. Một đề xuất cụ thể là thành lập Văn phòng Xúc tiến thương mại tại Hải Nam và phối hợp xây dựng Trung tâm Giao dịch trái cây Trung Quốc - ASEAN ở Quảng Tây và Quảng Ninh.


Cơ quan quản lý cũng nhấn mạnh việc chuẩn hóa quy trình sản xuất (sơ chế - đóng gói - vận chuyển) theo chuẩn quốc tế là điều kiện tiên quyết để hàng Việt giữ vững thị phần tại thị trường này. Cùng với đó, việc đàm phán mở rộng danh mục hàng nông sản được phép xuất khẩu, đầu tư hệ thống kho lạnh tại các tỉnh biên giới, nâng cấp hạ tầng logistics, đơn giản hóa thủ tục thông quan... cũng đang được các bên thúc đẩy.


Việt Nam cũng khuyến khích các doanh nghiệp tận dụng các FTA để giảm phụ thuộc vào một thị trường duy nhất, đồng thời nâng cao năng lực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhà điều hành chú trọng thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như sầu riêng, thanh long, xoài, chanh leo sang Trung Quốc, nhằm cân bằng cán cân thương mại trong dài hạn.


Phương Dung - Thi Hà









Trung Quoc - thi truong ty USD cua nong san Viet


Tu vai container ban dau, sau 6 nam chinh phuc thi truong ty dan, hien moi tuan Hoang Anh Gia Lai deu dan xuat khau 200 container chuoi sang Trung Quoc.

Trung Quốc - thị trường tỷ USD của nông sản Việt

Từ vài container ban đầu, sau 6 năm chinh phục thị trường tỷ dân, hiện mỗi tuần Hoàng Anh Gia Lai đều đặn xuất khẩu 200 container chuối sang Trung Quốc.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá