Trả lời:
Sốt siêu vi (sốt virus) là phản ứng sinh lý bình thường của cơ thể nhằm chống lại sự xâm nhập của tác nhân từ bên ngoài, ức chế sự phát triển của yếu tố gây bệnh. Các chủng virus có thể dẫn đến sốt ở trẻ thường gặp là rhinovirus, adenovirus và virus cúm, thường phát triển khi thời tiết thay đổi thất thường, chuyển đột ngột từ nóng sang lạnh hoặc ngược lại.
Đa phần các trường hợp sốt siêu vi ở trẻ lành tính, có thể tự khỏi sau khoảng 5-7 ngày mà không cần điều trị đặc hiệu ngoài việc hạ sốt, chăm sóc nâng đỡ. Trường hợp con bạn sốt quá cao (thường trên 39 độ C) có thể gây co giật cũng là biểu hiện lành tính, bạn có thể cho con uống thuốc hạ sốt và theo dõi thêm. Sốt cao cộng thêm trẻ có thể mệt mỏi, biếng ăn, nôn ói hoặc tiêu chảy càng làm tăng nguy cơ mất nước. Vì thế, bé nên được bù nước bằng đường uống hoặc truyền dịch.
Dù sốt siêu vi lành tính, song bạn không nên chủ quan bởi một số loại virus gây sốt siêu vi có thể dẫn đến bệnh cảnh nghiêm trọng như sốt xuất huyết do Dengue dẫn đến sốc, xuất huyết nặng, suy đa tạng, tử vong. Một số chủng virus cúm như Influenza có thể gây biến chứng viêm phổi nặng, nhất là ở trẻ nhỏ hoặc trẻ có bệnh nền. Virus sởi gây viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy nặng, viêm não, thậm chí tử vong. Virus tay chân miệng, đặc biệt là chủng EV71 có thể dẫn đến biến chứng thần kinh nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp... Virus viêm não Nhật Bản, adenovirus, RSV (virus hợp bào hô hấp)... cũng dễ gây bệnh nặng, biến chứng nguy hiểm tùy thuộc vào chủng loại và cơ địa của trẻ.
Khi cơ thể trẻ bị suy yếu do nhiễm virus, hệ miễn dịch hoạt động kém hiệu quả hơn, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, gây bệnh, gọi là bội nhiễm. Các biến chứng thường gặp là viêm tai giữa, viêm xoang, viêm phế quản, viêm phổi do vi khuẩn. Tình trạng này cần phải điều trị bằng kháng sinh.
Ở giai đoạn đầu, triệu chứng của sốt siêu vi và sốt do vi khuẩn gần giống nhau, phụ huynh rất khó phân biệt. Chẩn đoán nhầm hoặc chậm trễ trong việc xác định nguyên nhân do vi khuẩn có thể làm lỡ thời điểm điều trị kháng sinh hiệu quả.
Trường hợp con bạn bé đã sốt 3 ngày, nếu đã áp dụng các biện pháp hạ sốt mà không giảm hoặc sốt cao trên 40 độ C thì cần đưa đi khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa nhi. Đặc biệt chú ý nếu trẻ có biểu hiện li bì, lơ mơ, khó đánh thức, thở nhanh, thở khó, thở co kéo lồng ngực, nôn ói, có phát ban dạng xuất huyết (chấm đỏ không biến mất khi ấn vào), cứng gáy. Cha mẹ cũng cần theo dõi sát sao nếu bé có bệnh nền mạn tính như tim, phổi, suy giảm miễn dịch...
ThS.BS.CKI Hạp Tiến Lộc
Khoa Nhi, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |