Top 5 loại cỏ dại được đưa vào sách thuốc uy tín

Cỏ may, cỏ chỉ, cỏ hôi… sống dai, mọc dại khắp các vùng bờ bụi có thể sử dụng trong các bài thuốc Đông y.


Trong cuốn Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Giáo sư Đỗ Tất Lợi đã giới thiệu hàng trăm dược liệu là các cây mọc quanh ta bao gồm một số loại cỏ dại:


Cỏ chỉ còn gọi là cỏ gà, cỏ ống, thuộc họ lúa. Cây sống dai, thân có nhiều cành, lá phẳng, cụm hoa gồm 2-5 bông hình ngón tay, màu xanh hay tím. Ở nước ta, cỏ chỉ mọc hoang ở bờ ruộng, sân vườn hoặc trên triền đê. Người dân đào cây, cắt lấy thân rễ rửa sạch đất cát, phơi hay sấy khô làm thuốc.


Cỏ chỉ có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, quy vào kinh thận và can. Theo Đông y, cây có công dụng lọc máu, giải khát, lợi tiểu, giải độc, tiêu đờm và giải nhiệt. Dược liệu này dùng trong bài thuốc chữa viêm bàng quang, viêm thận, rối loạn tiểu tiện, sỏi thận, sỏi mật, sỏi gan, viêm mô tế bào, kinh nguyệt không đều, thống phong, thấp khớp, nhiễm trùng, sốt rét… Theo nghiên cứu dược lý hiện đại, cỏ chỉ có tác dụng cầm máu, nhuận tràng và giảm đau.


Cây cỏ nến có cụm hoa giống cây nến. Ảnh: CVC

Cỏ nến còn có tên gọi bồ thảo, hương bồ thảo, bồ hoàng thuộc họ hương bồ. Cây có cụm hoa giống cây nến, mọc hoang nhiều ở miền Bắc nước ta. Cây có vị ngọt, tính bình, vào 3 kinh can, tỳ và tâm bào. Dùng sống có tác dụng lợi tiểu; chữa kinh nguyệt bế sinh đau bụng, đau ngực, bụng, tiểu tiện khó khăn. Dùng sao đen chữa thổ huyết, chảy máu cam. Thuốc dùng dưới dạng sắc hoặc bột.


Cỏ bợ còn gọi là rau bợ, tần, tứ diệp thảo, điền tự thảo, phá đồng tiền, dạ hợp thảo thuộc họ tần. Cây mọc hoang ở những nơi ẩm hay dưới nước, có thân rễ bò mảnh, mỗi lá gồm 4 nhánh nhỏ, xếp chéo chữ thập.


Cây có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, quy vào kinh can và thận. Theo Đông y, cây có tác dụng tiêu sưng, sáng mắt, thanh nhiệt, lợi tiểu, giải độc, nhuận gan và trấn tĩnh. Dịch chiết từ cỏ bợ phơi khô làm tăng 20% lượng nước tiểu đối với chuột thực nghiệm.


Cỏ may còn gọi là bông cỏ, thảo tử hoa, trúc tiết thảo, thuộc họ lúa. Cây sống lâu năm, thân mọc bò lan trên mặt đất, mọc đến đầu bén rễ đến đó. Theo Đông y, cỏ may là dược liệu có vị đắng và tính mát, công dụng giải nhiệt, lợi tiểu, tiêu độc; chữa chứng mắt vàng, da vàng, các bệnh về gan và trị giun. Dược liệu có thể được thu hái vào bất cứ thời điểm nào trong năm với cách sơ chế rất đơn giản, chỉ cần rửa sạch, thái nhỏ rồi phơi hoặc sấy khô và bảo quản dùng dần.


Cỏ hôi còn có tên dân gian là hoa cứt lợn còn được gọi là bù xít, thắng hồng kế, hoa ngũ sắc. Cây thích nghi được với mọi loại đất nên có thể mọc hoang trên các khu đất trống, lề đường, bờ ruộng hay vườn nhà.


Dược liệu tính mát, vị cay, đắng nhẹ, có tác dụng giải nhiệt, tiêu sỏi, thải độc, giảm sưng, chống chảy máu. Chủ trị các chứng bệnh mụn nhọt, viêm họng, rong huyết, băng huyết sau sinh, sỏi đường tiết niệu, viêm mũi xoang, đau nhức xương khớp, phong thấp… Theo y học hiện đại, cây thể hiện rõ đặc tính kháng viêm, tiêu sưng.


* Các thông tin về dược liệu mang tính chất tham khảo, người dân có nhu cầu sử dụng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ, thầy thuốc Đông y có chuyên môn.


Top 4 cây thuốc có tên lạ lùng từ 'bổ béo' tới 'chút chít'

Người dân đặt cho các cây thuốc những tên gọi dân dã dựa trên đặc điểm, tác dụng của dược liệu.

Top 4 dược liệu 'lấy độc trị độc' được Bộ Y tế nêu tên

Bọ cạp, sâu ban miêu, rết… có thể gây ngộ độc nhưng đồng thời là dược liệu chữa bệnh.